Ngân mãi một điệu dân ca

Hương Trà| 19/01/2020 07:57

(HNM) - Nghệ thuật dân gian Hà Nội có sức hấp dẫn lạ thường mà càng đi sâu tìm hiểu càng thấy ngỡ ngàng, say mê. Có những thứ tưởng đã phai nhạt nhưng kỳ thực vẫn sống bền bỉ, vượt thời gian. Điều này được minh chứng rõ nét ở thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, được cho là nơi khai sinh điệu ngâm nổi tiếng trong nghệ thuật chèo Việt Nam.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Ngọc Lược bên bàn thu mi ni để giới thiệu trực tuyến làn điệu chèo đến người nghe.

Mạch nguồn dân ca độc đáo

Chúng tôi về Xa Mạc một sáng cuối năm, khi những phiên chợ quê dọc con đường ven sông Hồng đã đượm không khí Tết, những cánh đồng hoa Mê Linh rực rỡ cúc, hồng và tấp nập người mua. Không gian làng quê đậm chất Bắc Bộ trong tiết xuân cứ vấn vít câu thơ Nguyễn Bính nói về hội chèo náo nức đi ngang ngõ mỗi độ xuân về…

Cảm giác ấy càng rõ hơn khi chúng tôi ngồi trong ngôi nhà “đậm chất chèo” của Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Ngọc Lược, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát dân ca Xa Mạc. Bên ấm trà xanh hái từ vườn nhà, anh Nguyễn Văn Mạc, cán bộ văn hóa xã Liên Mạc cất lời chào bằng đôi câu hát ví: "Khoan khoan chú lái đò ơi/Ghé thuyền vào bến chị em tôi nhờ/Nhịp cầu ai cấm bao giờ/Cho tôi sang nước đợi chờ đã lâu…". Chất giọng ấm mà ngân vang, đưa người nghe vào một không gian diễn xướng bao la trên đồng dưới bãi của người Xa Mạc xưa. Anh Mạc tự hào bảo: "Tên làng tôi gắn liền với vùng đất bãi ven sông Hồng “bờ xôi ruộng mật” có nghề trồng dâu, nuôi tằm. Vùng đất trù phú này cho người dân nơi đây một chất giọng đặc biệt, rất khỏe, ấm, cùng khả năng ép giọng để có thể vang xa nhất. Xưa kia, các cụ vừa làm vừa hát, đứng ở bờ ruộng bên này hát đố sang bên kia, người trên bờ hát giao duyên với người dưới thuyền... nên những điệu dân ca được hình thành trong lao động phải được hát rất vang, rất xa mới gửi gắm được tâm tình. “Mạc” là làng, còn “Xa” là xa xa, là tiếng hát vang xa. Xưa kia, ai đi thuyền qua vùng này từ xa đã nghe thấy lời ca vang vọng...".

Chẳng rõ điệu chèo Xa Mạc có từ bao giờ, tài liệu cổ ghi chép cũng gần như không có, nhưng đời này qua đời khác, người dân nơi đây đều trân quý làn điệu của làng mình. “Dân ca Xa Mạc có rất nhiều điệu nhưng chủ yếu là hát ví trên nền thơ 6-8 (hát tự do, không có tiết tấu từng khuôn nhịp, người hát có thể co giãn một cách ngẫu hứng tùy thuộc vào lời thơ...) được áp dụng trong nhiều hình thức như hát đố, hát ghẹo, giao duyên, hát ví vận... Nhờ giọng khỏe mà người Xa Mạc có thể hát liên tục 14 câu không nghỉ, 12 câu đầu là hát ngâm, 2 câu cuối là hát ngân. Lời ca thì vô cùng phong phú bởi người dân ở đây có tài ứng khẩu thành thơ. Tôi đã sưu tầm được hàng trăm bài dân ca Xa Mạc từ các cụ ngày xưa truyền lại” - nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược chia sẻ.

Những điệu dân ca Xa Mạc sau này được chuyển thể, trở thành một điệu hát quan trọng của nghệ thuật chèo truyền thống. Điệu ngâm Xa Mạc thịnh hành nhất vào khoảng thế kỷ XIX với nhiều bài chèo cổ được sáng tác trong giai đoạn này. Hiện nay, điệu ngâm Xa Mạc vẫn được nhiều người đặc biệt yêu thích, được nhiều nghệ sĩ thể hiện, biến tấu thành những tác phẩm riêng, phát hành rộng rãi trên mạng internet.

Đồng lòng giữ điệu dân ca

Cách đây hơn 40 năm, ông Nguyễn Ngọc Lược rời quân ngũ về làng cũng là lúc phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương diễn ra sôi nổi. Với “vốn liếng” mà gia đình truyền lại (ông nội là thầy dạy bát âm, bố từng biểu diễn chèo trong làng xóm), ông Lược trở thành hạt nhân chính của Câu lạc bộ Hát dân ca Xa Mạc thành lập năm 1978. Cùng với người cán bộ văn hóa xã trẻ tuổi lúc ấy là anh Nguyễn Văn Mạc, ông Lược đã đưa câu lạc bộ đi biểu diễn ở nhiều nơi, truyền dạy hát dân ca cho lớp trẻ. Trong số học trò của ông có Nguyễn Văn Hà, hiện là diễn viên Nhà hát Chèo quân đội.

Nhớ lại những ngày đầu, ông Lược chưa hết bồi hồi: “Ngày ấy tôi làm nghề sửa xe đạp, được bao nhiêu lại “đập” hết vào chèo. Năm 1998, thu vén cửa nhà được 20 triệu đồng tôi liền mua bộ loa đài về tập hát với anh chị em trong câu lạc bộ. Chả nghĩ đến vật chất bởi mê văn nghệ quá, may mà bà xã cũng rất yêu chèo và ủng hộ”. Không chỉ gia đình mà cả làng cũng đồng lòng với ông. Những nghệ nhân cao niên như cụ Diễm, cụ An, cụ Tùng… ra sức truyền dạy và hỗ trợ ông Lược ghi lại những bài hát cổ. Lúc cao điểm câu lạc bộ có 50 thành viên, có cả dàn nhạc 6 người đầy đủ nhị sáo, đàn bầu, trống… Nay dù phong trào không còn được như xưa nhưng vẫn có 30 thành viên thường xuyên tham gia.

“Mỗi buổi diễn bồi dưỡng chỉ 1-2 triệu đồng nhưng đâu mời chúng tôi cũng đi, thậm chí góp tiền xe để đi…” - ông Lược phấn khởi xòe cho tôi xem xấp giấy mời kẹp gọn ghẽ trên tập sổ chép bài hát cổ và tác phẩm do ông sáng tác. Mấy chục năm nay ông đã sáng tác lời, lồng điệu cho 260 bài múa, hát dân ca Xa Mạc cũng như sáng tác 8 ca cảnh, trong đó có nhiều ca cảnh được giải trong các hội diễn văn nghệ như Anh chủ nhiệm, Cùng chung lời thề, Tiễn anh lên đường… Đặc biệt là ca cảnh Làng văn hóa đoạt giải A2 Liên hoan sân khấu truyền thống không chuyên Hà Nội năm 2016.

Niềm đam mê nghệ thuật của người Xa Mạc rất lớn nhưng chúng tôi cũng có phần lo lắng khi nghĩ tới tương lai của điệu chèo cổ. Dù rằng anh Mạc cho biết chính quyền địa phương vẫn luôn quan tâm, hỗ trợ cho câu lạc bộ biểu diễn cũng như mở các lớp tập huấn, nhưng để nghệ thuật phát triển rõ ràng phải có cộng đồng nuôi dưỡng nó. Bởi thế, thật bất ngờ khi nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược mời chúng tôi vào xem nhóm Câu lạc bộ Giao lưu văn nghệ Mê Linh - Đông Anh trên tài khoản Facebook. Đây là nhóm chọn lọc có hơn 600 thành viên yêu thích do nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược làm quản trị nhóm (admin). Mỗi tối, từ 19h30 đến 22h30 đều có biểu diễn trực tiếp (livestream). Chỉ về chiếc bàn nhỏ nơi góc phòng, được trang bị như một phòng thu mi ni với hai chân đỡ điện thoại, một chiếc để quay phát trực tiếp trên Facebook, một để phát nhạc, cùng một micro thu tiếng, ông Lược hồ hởi khoe đó là nơi tối tối ông lại lên sóng, giới thiệu đến công chúng xa gần những giọng ca, làn điệu Xa Mạc truyền thống. Ông Lược bảo sự động viên từ người nghe ở khắp nơi đã đóng vai trò quan trọng giúp nghệ thuật hát dân ca truyền thống Xa Mạc được tiếp nối, có sức sống lâu bền.

Thường thì trong câu chuyện với các nghệ nhân của nghệ thuật dân gian truyền thống, điều khiến các vị khách luôn nặng trĩu mỗi khi từ biệt là câu hỏi: Mai này ai sẽ kế tục? Vậy mà lúc rời làng chèo trong chúng tôi lại phơi phới vui khi biết rằng, dù ở bất cứ đâu, tối tối vẫn có thể nghe, xem “livestream” điệu ngâm Xa Mạc!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân mãi một điệu dân ca