Miền quê huyền tích

Vĩnh Hà| 12/01/2020 07:45

(HNM) - Trên mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến có một vùng đất gắn với huyền tích về Đức thánh Chử Đồng Tử, một trong Tứ bất tử theo tín ngưỡng dân gian. Miền quê ấy không chỉ được bồi đắp bởi những lớp phù sa màu mỡ mà còn lắng đọng trầm tích văn hóa được gìn giữ, phát triển qua nhiều đời.

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (làng Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm). Ảnh: Minh Trí

Huyền tích ngàn năm

Một ngày đầu năm mới 2020, về thăm làng Chử Xá (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm), tôi thật sự ngỡ ngàng trước khung cảnh làng quê vừa lạ, vừa quen ở nơi đây. Vẫn là ngôi làng cổ với cánh đồng rau xanh mướt bao quanh, là ngôi đình thờ Chử Đồng Tử và bến đò Chử Xá xa xa, nhưng giờ còn khoác lên mình màu áo mới với những bức bích họa mô tả cảnh trồng cấy, sinh hoạt của những con người thuần hậu. Mỗi bức tranh là một câu chuyện về làng Chử Xá.

Ở tuổi đã ngoài 70, ông Chử Văn Nê, Bí thư Chi bộ thôn Chử Xá say sưa kể về ngôi làng Chử Xá cổ kính, vùng đất từ lâu đã gắn với huyền tích Đức thánh Chử Đồng Tử. Câu chuyện ấy gắn với cha con người nông dân chân chất là Chử Cù Vân và Chử Đồng Tử vì nhà bị hỏa hoạn nên chỉ còn một chiếc khố che thân. Trong câu chuyện ấy, hành động nhường mảnh khố duy nhất cho người cha khi qua đời của người con đã đạt tới đỉnh cao của đức hiếu nghĩa. Chính vì tư chất hiền lành, hiếu thảo mà chàng trai làng Chử Xá đã gặp được những điều tốt lành. Rồi chàng trai nghèo khổ ấy đã gặp Tiên Dung, nàng công chúa lá ngọc cành vàng là con Hùng Vương thứ 18, trong một tình huống ly kỳ và nên duyên vợ chồng. Sau đó, Chử Đồng Tử cùng vợ biến cải những đầm lầy thành làng mạc trù phú, mở mang buôn bán rồi làm thuốc cứu người, giúp nhân dân khắp vùng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc...

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, dân làng Chử Xá luôn tự hào rằng nơi đây chính là bối cảnh gắn với huyền tích Đức thánh Chử Đồng Tử thuở xưa. Đình Chử Xá tại làng Chử Xá ngày nay được cho là xây dựng tại chính ngôi nhà nơi Đức thánh sinh ra và lớn lên. Cũng từ huyền tích được truyền bá khắp nhân gian ấy mà làng Chử Xá được biết đến nhiều hơn.

Mái đình Chử Xá trầm mặc nhắc nhớ nơi chôn nhau cắt rốn của Đức thánh Chử Đồng Tử. Khu lăng mộ phụ thân, phụ mẫu Chử Đồng Tử cách đó không xa như một sự khẳng định về vùng đất phát tích, nơi quê cha đất tổ của Đức thánh. Đó là một quần thể di tích lịch sử - kiến trúc có giá trị tiêu biểu.

Một điểm khác khá thú vị là không chỉ ghi dấu trên di tích mà còn ở tên làng, tên người khi có tới 80% dân làng Chử Xá mang họ Chử. Những người con họ Chử sống ở khắp nơi trên đất Việt phần nhiều cũng có gốc tích từ làng Chử Xá. Tại các địa phương ở hạ lưu châu thổ sông Hồng, như Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam..., có 72 làng lập đền, đình thờ Đức thánh Chử Đồng Tử, tuy nhiên, đình Chử Đồng Tử tại thôn Chử Xá là một trong những điểm thờ chính và làng Chử Xá cũng được coi là làng “anh cả” của 72 làng thờ Đức thánh Chử.

Nhưng để thấy hết cái thẳm sâu của trầm tích văn hóa ở vùng đất phát tích câu chuyện về Đức thánh Chử Đồng Tử thì phải tham dự Lễ hội đình Chử Xá được tổ chức vào ngày 17, 18 tháng Giêng hằng năm. Ông Chử Văn Nê chia sẻ: “Lễ hội được tổ chức với những nghi thức trang trọng được truyền lại từ ngàn xưa, vẫn giữ được lệ rước nước, hội múa Lễ chữ, múa gậy, múa "Con đĩ đánh bồng...”. Đặc biệt, điệu múa Lễ chữ có tên Thiên hạ thái bình, hay còn gọi là múa Chạy chữ, là điểm nhấn độc đáo của lễ hội. Từ hiệu lệnh bằng tiếng trống của người chỉ huy, đội múa gồm 22 vũ công là các thiếu niên trong làng ở độ tuổi từ 12 đến 15 sẽ xếp từng chữ "Thiên" - "Hạ" - "Thái" - "Bình". Chọn bốn chữ đó để diễn xướng, cổ nhân muốn tái hiện tư tưởng của Đức thánh Chử Đồng Tử, lấy sự thái bình làm trọng để cùng nhau tạo dựng một cuộc sống sung túc, thịnh vượng và hạnh phúc.

Theo các nhà nghiên cứu, điệu múa Lễ chữ không thể thiếu với lễ hội bởi đó là sự thể hiện công lao khai khẩn đầm bãi, góp dựng một vùng đô hội, buôn bán tấp nập dọc con sông Hồng của Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung.

Sức vươn mạnh mẽ

Trải qua hàng nghìn năm, biết bao thế hệ cư dân làng Chử Xá nối tiếp nhau khai sinh, lập nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, mở mang làng xóm, tạo nên truyền thống đoàn kết, cần cù lao động xây dựng quê hương, đất nước ngày càng thêm giàu đẹp. Nền tảng văn hóa lâu đời, những huyền sử, huyền tích đẹp như mơ là điểm tựa để người Chử Xá hôm nay vững tâm phát triển, đi lên. Ông Chử Văn Hà, Trưởng thôn Chử Xá vui vẻ kể về công việc trồng cấy của người dân quê mình: "Các thế hệ hậu duệ Đức thánh Chử Đồng Tử ngày nay vẫn giữ nghề nông nghiệp nhưng là một nền nông nghiệp kỹ thuật cao, chất lượng, an toàn, gắn với thương hiệu uy tín, đem lại thu nhập cao.

Trên các đồng đất màu mỡ, người dân áp dụng quy trình trồng rau an toàn, đem đến những sản phẩm nông nghiệp có giá trị lớn, được người tiêu dùng từ Bắc vào Nam và nhiều nước trong khu vực ưa chuộng. Đến Chử Xá hôm nay, cảnh thường thấy là những đoàn xe lớn, nhỏ nối đuôi nhau chở rau quả đem đi tiêu thụ. Cuộc sống của người dân Chử Xá, người dân Văn Đức trên vùng quê tiêu biểu cho phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng ấm no, hạnh phúc".

Chăm lo phát triển kinh tế, giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương, người Chử Xá - Văn Đức còn chung tay xây dựng nếp sống văn minh, cảnh quan môi trường sạch đẹp, giữ nếp làng đầm ấm, bình yên.

Những năm gần đây, Chử Xá đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là từ khi nơi đây trở thành làng bích họa có tiếng của Thủ đô với hàng chục bức tranh khổ lớn tại các không gian công cộng. Một phần lịch sử làng Chử Xá được truyền đạt tới cộng đồng theo một cách hoàn toàn mới - thông qua nghệ thuật vẽ tranh 3D hiện đại. Trong tương lai không xa, ngôi làng vừa cổ kính vừa hiện đại này sẽ là một phần trong những tour du lịch dọc tuyến sông Hồng khi ngành Văn hóa, ngành Du lịch dần hoàn thiện Đề án phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp Văn Đức. Khi đó, những di sản văn hóa quý báu cùng những thành quả từ bàn tay trồng cấy của bao thế hệ người nông dân nơi đây sẽ phát huy lợi thế to lớn của mình. Bởi về với Chử Xá, Văn Đức là về với ngàn xưa văn hiến, chiêm nghiệm bài học làm người, lòng hiếu thảo, tình yêu thương đùm bọc, ước nguyện thiên hạ thái bình, vươn lên làm giàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền quê huyền tích