Nhà thơ Lê Thanh Hảo Vân: “Hồn hy vọng biếc lên sắc lá”

Hoàng Việt Hằng| 04/12/2019 17:30

(HNMCT) - Tôi gặp nhà thơ Lê Thanh Hảo Vân lúc chị vừa đi dạy võ về. Nữ võ sư lau mồ hôi lấm tấm trên mặt rồi rút sau đai áo đen ra một tập thơ mang cái tựa Ba ngăn rưỡi, vẻ mặt hơi bẽn lẽn của người phụ nữ gốc làng hoa Ngọc Hà. Tôi biết sau mỗi giờ dạy trẻ trên võ đường, chiều chiều chị lại xới đất, chăm cây, ở cái ruộng đi thuê để tự có rau sạch ăn. Ăn không hết thì gói vào túi cho người thân, bè bạn. Đó là thời gian chị dùng tiêu pha mỗi ngày ở cái tuổi sắp chạm 70.

 Chị Hảo Vân thích hoạt động để người khỏe ra. Nghe nói chị có thời gian bị bệnh tim, cứ ngỡ sẽ bỏ nhân gian “đi”. Chồng chị nguyên là phi công lái máy bay MiG 21, cùng thế hệ với anh hùng Nguyễn Văn Bảy. Ngày anh mất, để lại chị đơn lẻ, nuôi con một mình, rồi tựa vào thơ: “anh đi bỏ lại bàng hoàng một tôi”. Ngay cả lúc còn trẻ, anh cũng quanh năm suốt tháng ở đơn vị, với chị thời gian xa cách ấy mong manh khắc khoải lắm: “em phong phanh khắc khoải đợi anh về” và dặn chồng: “anh đừng bảy sắc cầu vồng”.

 Hảo Vân yêu chồng bằng một trái tim đau và thường xuyên xa cách. Nuôi con và làm thơ, thời trẻ đi nghiên cứu mẫu đất ở ngành địa chất, sau về học kinh tế du lịch, làm đủ nghề, rồi cả dạy võ, trồng rau. Đến khi con cái phương trưởng, Hảo Vân bị bệnh tim lấn lướt. Trên giường bệnh chị hỏi bác sĩ, tim người bình thường xin hỏi có mấy ngăn, nghe bác sĩ chuyên khoa tim mạch nói: “Có 4 ngăn”, chị “rút tít” cho tập thơ thành Ba ngăn rưỡi (NXB Hội Nhà văn, 2019). Ba ngăn rưỡi, tim vẫn đập nhịp để trở về làm thơ. Và chị viết: “hiển nhiên em chẳng muốn vàng”. Hiển nhiên chị muốn làm thơ: “dẫu đau mặt đá địa đàng vẫn xanh”.

Trong cách nhìn đời sống, Lê Thanh Hảo Vân bình dị, có lúc hỏi xem nỗi buồn có hay lây không? Xưa nay người ta ví bệnh lao phổi, bệnh sốt xuất huyết, bệnh viêm gan B hay lây, còn nhà thơ Hảo Vân lại liên tưởng đến nỗi buồn hay lây? Và tin, không ai sánh được bằng tình yêu chị dành cho chàng phi công của mình: “để trăng lưỡi liềm khuyết mãi trong em?”. Đọc thơ Hảo Vân cho thấy chị không xê dịch nhiều, chỉ thủ thỉ kể chuyện quanh mình, một cách cảm, ngay chuyện ở bệnh viện bác sĩ vẫn thản nhiên cứu một tên cướp, và anh công an vẫn cho máu tên cướp đó, dù hắn từng muốn giết anh. Cách bỏ ngỏ về lòng nhân ái của bác sĩ ngành y, và cách ứng xử nhân văn độ lượng của người chiến sĩ công an, thơ cũng như hồi chuông, gióng lên sự cảnh tỉnh: Từ tâm, trong cõi người còn nhiều người tử tế lắm, nếu không ta làm sao có niềm tin sống nổi.

Trong bài Vận sinh, chị viết “thân như con tốt sang hà”. Con người không trông đợi đến có nhà cửa, quê hương để trở về, nhưng biến cố của mọi lý do thì dù không có gì trong cuộc đời này vẫn ngộ ra: “trong miền dãi nắng dầm sương/ chẳng ngờ một nẻo yêu thương đợi mình”.

Nhà thơ Lê Thanh Hảo Vân sinh năm 1953, quê Hà Nội. Cho đến nay, chị đã xuất bản 3 tập thơ: Tóc mây (NXB Hội Nhà văn, 2013), Tình lang thang (NXB Hội Nhà văn, 2014), Ba ngăn rưỡi (NXB Hội Nhà văn, 2019).

Hoặc biết ý thức về vẻ đẹp của người phụ nữ: “trời cho vay chút hồng nhan/ rồi đòi đến tận đa đoan kiếp người”. Đọc đến đây thấy phận phụ nữ hình như ai đó hồng nhan thì phận lại bạc, hạnh phúc có vẻ như không nghiêng về phía đàn bà nhan sắc? Nhưng người đàn bà nhan sắc dù biết phận mỏng ấy còn biết làm thơ, còn nhìn nghề nông mà nghĩ ra rằng: Nên có một nghề thiết kế, nhà thiết kế ấy, hiến kế cho thơ, một bông lúa vàng.

Thơ Hảo Vân ngắn, gọn, kiệm chữ, kiệm lời, neo vào lòng bạn đọc những phát hiện bất ngờ, ví như tình biển: “thần còn lỡ hẹn mà anh/ xước đêm, vỡ mụ… một lành lặn sinh”. Đàn bà biết tha thứ dù chàng có lỡ hẹn, nhưng vẫn dựa lưng sông núi sao mình lại đau.

 Thơ Hảo Vân nói về cây, thu muộn, hay mắc nợ trần gian, hay tết xưa: “chuyện ngày xưa một phiên chợ tết/ lắc cắc mưa chết cả sương mù”. Rồi kết: “lợn gà bày bán còn thừa trong tranh”... Không cần vẽ tranh tết mà dư âm thơ còn đọng trong tranh tâm tưởng.

Ba ngăn rưỡi, thơ Hảo Vân giấu trong trái tim đau nhiều u uẩn nỗi đời, tình yêu, mùa thế sự. Vẫn tràn qua trang thơ: “tôi yêu anh đến dở dang/ mà đong cả những võ vàng đang rơi”.

 Hảo Vân từng viết “Hồn hy vọng biếc lên sắc lá”. Hy vọng thơ ca trong trái tim nhà thơ Hảo Vân, khỏe mạnh của bốn ngăn trong trái tim chứ không phải vớt vát ba ngăn rưỡi, trái tim khỏe, thơ khỏe, yêu tin cuộc đời này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà thơ Lê Thanh Hảo Vân: “Hồn hy vọng biếc lên sắc lá”