Chạm vào ngàn năm

10/11/2019 08:09

(HNM) - Đã nghe nhiều huyền thoại về chùa Tây Phương, tôi tự nhủ lòng sẽ có lần ghé thăm và vãng cảnh nơi đây. Trăm nghe không bằng mắt thấy, mắt thấy không bằng cảm nhận, và lần hồi hương vừa qua tôi đã được toại nguyện để đến ngôi chùa được cho là một trong những cổ tự lâu đời nhất miền Bắc.

Quang cảnh chùa Tây Phương, một trong những cổ tự lâu đời nhất miền Bắc.           Ảnh: Khuê Diệp

Mới sáng sớm, tôi đã náo nức lên đường. Trời Hà Nội hôm ấy mưa rất to, nhưng tôi vẫn đi. Được đi trong mưa dưới trời quê hương như ngày xưa là một diễm phúc đối với tôi. Đã lâu lắm, tôi không được hưởng niềm vui ấy... Mưa như trút, tôi dừng xe tại Mỹ Đình và đợi bạn.

Mưa ngớt dần, xe bon nhanh trên chặng đường gần ba chục ki lô mét. Càng đến gần chùa thì phong cảnh càng gần gũi với thiên nhiên, mặc dù dấu ấn đô thị hóa đã khá rõ nét. Hai bên đường lác đác những thửa lúa đã chín xen lẫn những nơi đã gặt, chỉ còn trơ gốc rạ. Lác đác vài đầm nhỏ, sen đã rũ lá, để lộ những cọng khẳng khiu… Trời mưa và là ngày trong tuần nên quang cảnh vắng vẻ, ngay trước cổng chùa là một cây cổ thụ sum suê tỏa bóng.

Chùa Tây Phương, hay còn gọi là Sùng Phúc Tự, nằm trên ngọn đồi Câu Lâu ở làng Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất thuộc tỉnh Hà Tây (cũ), nay là ngoại thành Hà Nội. Chùa được cho là một trong những cổ tự lâu đời nhất miền Bắc. Đã đi thăm viếng rất nhiều chùa tại Việt Nam và thế giới, nhưng đến đây tôi bị ấn tượng ngay từ cổng, đường dẫn lên chùa khá nhỏ, cao vút với những bậc thềm lát gạch đá ong đã mòn vẹt theo năm tháng. Hai bên là những hàng cây rậm rạp. Lớp thảo mộc quấn quện chằng chịt trên những thân cây to và lan rộng trên mặt đất. Càng lên cao, cảnh vật yên tĩnh hơn, tách hẳn với thế giới ồn ào ngoài kia. Mắt khép hờ và hít một hơi sâu căng lồng ngực, tôi hình dung nơi đây vào mùa xuân, chắc hẳn sẽ vô vàn kỳ hoa dị thảo và chim muông líu lo. Bậc đá mòn vẹt, cây cổ thụ, thềm đá rêu phong, thảm thực vật sum suê… khiến ta cảm thấy thời gian như ngưng đọng tại chốn này.

Chùa Tây Phương không lớn, gồm ba chùa Thượng, Trung, Hạ tách biệt đứng song song thành hình chữ “Tam”. Chùa Tây Phương được xây dựng theo phái Bắc Tông với rất nhiều tượng Phật. Có nhiều giả thiết về niên đại của chùa, có giai thoại nói chùa xuất hiện vào khoảng thế kỷ VIII và qua nhiều thời kỳ thăng trầm, gây dựng lại; còn sách sử ghi rằng vào thời hậu Lê có cuộc đại trùng tu, nhưng hình dáng kiến trúc được lưu lại đến ngày nay là có từ thời nhà Tây Sơn.

Tôi bâng khuâng và lắng lòng tưởng niệm. Mỗi cổ tự đều có một báu vật thiêng liêng. Chùa Đậu ở Thường Tín quê tôi có hai xá lợi nhục thân của hai vị cao tăng là Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, có từ thế kỷ XVII. Còn ở chùa Tây Phương, báu vật của nơi này chính là bộ tượng cổ La hán đều được tạc bằng gỗ mít và sơn son thếp vàng. Nhiều tượng được tạc to hơn hình người, thần thái uy nghi. Mỗi bức một vẻ, nhưng ở các vị đều toát lên dáng vẻ thanh tịnh, dù đăm chiêu hay tươi cười hoan hỷ. Các nghệ nhân xưa đã tạo ra những pho tượng mang giá trị nghệ thuật độc đáo hiếm có này. Đứng trước các pho tượng La hán ấy, độc thoại với tâm hồn mình, ta dường như thấy rõ hơn cái “bản lai diện mục” của bản thân.

Từ hiên chùa Trung, tôi ngước nhìn mái chùa Thượng. Mái ngói lợp hai lớp, những viên ngói hình lá đề, không giống như những viên ngói ta thường thấy, các đầu đao mái được chạm trổ tinh xảo cong cong với hình đầu rồng tuyệt mỹ, dẫu mang vẻ mộc mạc nhưng truyền cảm, thể hiện rõ nét nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Việt và là minh chứng một nền văn hóa lâu đời của xứ Đoài. Trong không gian trầm lắng lắc rắc tiếng mưa rơi ấy, tôi thầm cảm phục đức cao tăng đã chọn nơi này để dựng chùa từ thuở hồng hoang. Hình dung xưa kia hoang vu lặng vắng, giữa thời loạn lạc, thì tại nơi đây, trời đất như hòa cùng một thể, cùng tự nhiên quy tụ, và các bậc cao tăng vẫn giữ được điềm tĩnh, cùng với một trí tuệ đã lĩnh hội được từ một đạo lý cơ bản nhất của vạn vật, vẫn ngồi tụng kinh niệm Phật, cầu cho Quốc thái dân an. Nơi đây vạn vật như cùng quay về nguồn cội, tiếng tụng kinh gõ mõ hòa cùng tiếng gió tạo nên âm thanh tự nhiên, vĩnh hằng!

Tôi đặt tay lên những cây cột khổng lồ bằng gỗ đã phai màu theo thời gian, độ lạnh và ẩm thấm vào da thịt. Ở độ cao này và sau cơn mưa, quả là lạnh thật! Tôi bất giác rùng mình và nhắm mắt, đâu đó năm tháng xa xưa chợt hiện về… 

Tôi quay lại khu chính điện thâm trầm. Thấp thoáng bóng ni sư Thích Đàm Thủy, đã cao tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Trò chuyện với ni sư, chúng tôi hiểu thêm nhiều huyền tích về chùa Tây Phương. Như chuyện trước đây, chùa do tăng sư trụ trì, nhưng từ năm 1971 chùa bắt đầu được ni sư Thích Đàm Thanh đảm nhiệm, và khi nữ trụ trì viên tịch, thì ni sư Thích Đàm Thủy tiếp quản. “Ngày đó, chốn này rất âm u, tối đến ếch nhái kêu khắp nơi…” - ni sư bắt đầu cuộc trò chuyện. Theo lời ni sư, ngôi chùa được đại trùng tu vào năm 1958, tiếp tục trùng tu vào những năm 1991-1993, và đúng dịp ấy thì chùa bị mất tượng: “Người ta ăn trộm rồi ném xuống ao, phải tát cạn ao mới lấy được lên. Đó là những pho tượng Thiên thủ Quan âm Bách thủ và Đức giáo chủ Thích ca… ”. Và còn chuyện hồi tháng 3-1993, chùa mất liền ba pho tượng. Thế nên, từ ngày mất tượng, chùa không cho khách thập phương ngủ lại nữa…

Câu chuyện của ni sư trụ trì chùa Tây Phương khiến tôi không khỏi ít nhiều suy ngẫm. Những năm gần đây, Hà Nội cũng như cả nước đều có những bước phát triển, hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Nhưng sự phát triển, hội nhập nào cũng kéo theo những hệ lụy. Tệ nạn xã hội tăng, đạo đức có phần xuống cấp, lối sống chộp giật hình thành trong không ít người, len lỏi cả vào chùa chiền. Chùa chiền nhiều nơi cũng không còn là chốn thâm nghiêm, thanh tịnh nữa. Và đây đó việc trùng tu thiếu trách nhiệm, thiếu hiểu biết đã xảy ra tại một số di tích. Người ta cho phá cũ xây mới mà không hiểu rằng họ đang xóa dần những cổ tích ngàn năm trong tâm khảm con người, gieo sự thờ ơ nơi thế hệ trẻ đối với các giá trị truyền thống… Trước thực trạng như vậy người ta hay đổ thừa cho xã hội, nhưng mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, nếu mọi tế bào đều tốt thì chúng ta sẽ có một xã hội lành mạnh, tốt đẹp biết bao nhiêu.

Dẫu còn đôi chút phiền lòng, nhưng cũng như nhiều đồng bào ở nơi xa xứ, tôi vẫn mong có dịp trở về quê hương, trở về Hà Nội, để được thăm lại các đình, chùa, để được lặng im chạm vào ngàn năm cổ kính ở mảnh đất đong đầy thương nhớ này!

Xin mượn hai câu thơ sau để kết thúc bài viết :

“Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chạm vào ngàn năm