Âm vang ngàn năm ấy

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức| 07/11/2019 10:00

(HNMCT) - Có lẽ hiếm có thành phố nào trên thế giới lại được gắn với cụm từ “ngàn năm” với nhiều cảm xúc, không chỉ để biểu đạt ý nghĩa về thời gian như Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Phải chăng dòng chảy ngàn năm ấy đã hội tụ biết bao sự kiện, tên đất, tên người, văn, thơ, nhạc, họa... và cả những điều không thể diễn tả bằng ngôn ngữ mà chỉ có thể hình dung, cảm nhận bằng trái tim, tâm hồn để có một lịch sử của đất kinh sư muôn đời lắng hồn sông núi!

1. Có ai đó đã đặt câu hỏi: Ai, cái gì đã làm cho Thăng Long - Hà Nội lắng hồn sông núi? Câu trả lời cũng khó được đủ đầy!

Bắt đầu từ thuở dựng nước và giữ nước, phải kể đến An Dương Vương - người đã có công xây thành Cổ Loa, một thành đất có quy mô công trình và tính toán trong phòng thủ với khoa học quân sự tuyệt vời thời cổ đại. Theo cố Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng thì các cửa thành đều là cửa tử đối với kẻ thù tấn công Cổ Loa, bởi thành được bố trí để không kẻ xâm lăng nào có thể thoát tầm bắn của nỏ thần theo truyền thuyết có lẫy nỏ là móng vuốt của thần Kim Quy mà thực chất là chiếc nỏ có thể bắn đồng thời hàng chục mũi tên có bịt đầu bằng đồng đã được các nhà khảo cổ học tìm thấy trong lòng đất Cổ Loa.

Tình sử bi thương của đôi trai gái Mỵ Châu, Trọng Thủy cũng là bài học ngàn năm cho cả hai dân tộc biết căm ghét kẻ gian tham, chà đạp lên tình yêu tuổi trẻ, phá vỡ mối bang giao tốt đẹp để lại tiếng xấu trong lịch sử. Phải chăng máu của Mỵ Châu, Trọng Thủy đã thấm vào lòng đất Thăng Long mà thành truyền thuyết ngọc trai, giếng ngọc, mà thành bài học lịch sử cho cả hai dân tộc, một bên là sự đê hèn xâm lược và một bên sự mất cảnh giác trong giữ nước?

2. Theo dòng chảy ngàn năm ấy, biết bao điều đã lắng hồn sông núi đất “rồng cuộn hổ ngồi” Thăng Long - Hà Nội mà lay động lòng người! Hào hùng tiếng trống Mê Linh diệt quân Tô Định, Hai Bà Trưng xưng vương đứng đầu một nhà nước có cương vực rộng lớn hơn nhiều so với miền Bắc Việt Nam ngày nay. Điều đặc biệt Bà Trưng là nữ vương đầu tiên của nước ta vào năm 40 sau Công nguyên. Năm 938 với chiến thắng Bạch Đằng vang dội, Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa và được sử sách ghi nhận là vua của các vua, được Phan Bội Châu đánh giá là Ông Tổ trung hưng! Để rồi, vào năm 1010, đức vua Lý Thái Tổ đã dời đô về Thăng Long, để “nơi trung tâm của trời đất” trở thành “thượng đô kinh sư mãi muôn đời”, mở đầu thời kỳ rực rỡ của Đại Việt với ba triều đại phong kiến Lý - Trần - Lê và những trang sử huy hoàng phá Tống, bình Nguyên, thắng Minh.

Cũng không thể không nhớ về những cành đào thắm của các thiếu nữ Long thành đón người anh hùng áo vải trẻ tuổi Nguyễn Huệ - Hoàng đế Quang Trung đại phá quân Thanh. Và càng không thể quên những tà áo dài tha thướt của các cô gái thanh lịch Hà thành đón đoàn quân tiên phong về giải phóng Thủ đô ngày 10-10-1954. Những trang sử hào hùng ấy không thể phai mờ theo năm tháng. Tuy nhiên, không phải không có lúc lòng ta bỗng quặn đau bởi những mất mát, hy sinh không thể bù đắp. Nếu trang anh hùng tuổi trẻ Trần Quốc Toản không hy sinh hẳn chúng ta đã có thêm một người anh hùng vệ quốc? Giá gò Đống Đa không phải là gò đống chôn vùi xác giặc mà là đồi cây hữu nghị có đẹp hơn không?

Và nếu trên đất Hoàng Mai ngày nay không có mồ chôn hàng trăm người chết đói năm 1945, trên phố Khâm Thiên không có đài tưởng niệm những người đã chết trong trận bom B52 kinh hoàng trong lịch sử có phải là tốt đẹp biết bao nhiêu? Nhưng lịch sử không có chữ “nếu”! Nó chỉ có những bài học, những điều lắng đọng trong trái tim và tâm hồn con người. Những điều ấy có cả hào hùng và cay đắng. Tất cả, tất cả lắng vào hồn sông núi để chúng ta có Thủ đô Hà Nội hôm nay, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, nơi bạn bè khắp năm châu ngưỡng mộ và yêu mến. Để chính chúng ta, những người con của Thủ đô, những công dân Việt Nam “Dù có đi bốn phương trời/ Lòng vẫn nhớ về Hà Nội” như một lẽ tự nhiên của tình cảm con người.

Hà Nội bắt đầu đón những cơn gió lạnh đầu mùa, những cây phong lá đỏ có lẽ cũng không còn khoe sắc lạ. Nhưng dấu ấn kỳ diệu của nó đã thu hút giới trẻ và gợi cho người ta nhiều điều suy ngẫm về dòng chảy thời gian và những đổi thay theo dòng chảy ấy. Có những điều trước đây tưởng như không thể thì ngày nay, sau hơn ba mươi năm đổi mới lại thành những điều có thể. Còn nhớ, khách sạn Hà Nội một thời làm cho nhiều người lo ngại với lý do nền đất Hà Nội yếu không an toàn cho nhà cao hàng chục tầng như thế! Nhưng ngày nay không chỉ chục tầng mà cao ốc hàng vài chục tầng đang ngày đêm vươn lên trời cao như thước đo của sự phát triển. Diện mạo thành phố đã khác xa ngày xưa. Và điều quan trọng là nhận thức về thế giới, về những điều có thể cũng vượt xa tầm nhìn xưa cũ!

3. Khát vọng vươn lên của cả cộng đồng, nhất là giới trẻ, làm cho những người cẩn trọng nhất cũng phải nhìn nhận sự vật, sự việc theo chiều hướng tích cực. Nhiều chỉ số do các tổ chức quốc tế công bố về Hà Nội là những nhận định hết sức khách quan về sự phát triển và tương lai tốt đẹp của một thành phố hiện đại. Khách quan mà nói, dẫu còn bao điều bề bộn, nhưng Hà Nội thực sự đang đẹp dần trong mắt chúng ta và bạn bè quốc tế. Nhưng điều đặc biệt có thể nhận thấy là dù Hà Nội có thay da đổi thịt, dù có nhiều đổi khác đến ngỡ ngàng, thì Hà Nội vẫn là Hà Nội với hoa sữa nồng nàn da diết, với hồ Tây lộng gió và hoàng hôn buông xuống lung linh, và đương nhiên, với hồ Hoàn Kiếm huyền thoại như thực như mơ giữa cuộc sống có cả hôm qua và hôm nay.

Để cảm nhận về sự thay đổi theo thời gian và sự kỳ diệu lắng hồn sông núi của Thăng Long - Hà Nội có lẽ không gì thú vị hơn khi nghe các vị Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ lẩy Kiều và thưởng thức các món ngon Hà Nội. Tổng thống Bill Clinton nói về sự thay đổi kỳ diệu quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ bằng câu Kiều: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”. Theo lẽ tự nhiên của thời gian thì hết mùa đông ắt phải đến mùa xuân, nhưng “đông đà sang xuân” trong bối cảnh bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ thì ý tứ thật sâu xa. Sự thay đổi lớn lao lắm, kỳ diệu lắm! Thú vị thêm nữa là vị Tổng thống này đã ăn phở Hà Nội tại một nhà hàng trên phố Văn Miếu.

Vậy là, đứng trước sự đổi thay lớn lao ấy, hương vị phở Hà Nội dường như vẫn quyến rũ bạn bè gần xa như hàng trăm năm vẫn thế. Thế rồi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama lại đọc Kiều và ăn bún chả trên đường phố Hà Nội. Có cái gì đó dường như lặp lại! Đúng thế! Nhưng có sự khác biệt theo dòng thời gian và sự kiện. Khác không chỉ vì ăn bún chả chứ không phải ăn phở, mà còn khác bởi cái sâu xa hơn: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi”. Phải chăng, chính mảnh đất kỳ diệu Thăng Long - Hà Nội đã tạo nên sự cộng hưởng cho một chính trị gia thông minh và lịch lãm như vậy.

Có lẽ sẽ còn nhiều, nhiều nữa những sự kiện, con người Hà Nội và bạn bè quốc tế minh chứng cho một Thăng Long - Hà Nội với những điều kỳ diệu. Ở các góc nhìn khác nhau, thời điểm và hoàn cảnh khác nhau, mỗi người sẽ có những ghi nhận về đất kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội khác nhau. Nhưng dẫu khác nhau đến đâu ta vẫn thấy dấu ấn của một thành phố ngàn năm lắng hồn sông núi. Và dù có ghi chép theo hình thức nào, khi nói về Thăng Long - Hà Nội thì âm vang ngàn năm ấy như vẫn vang dội trong trái tim ta. Và hình tượng rồng bay lên vẫn thôi thúc ta vì một Hà Nội bình yên, hạnh phúc và phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Âm vang ngàn năm ấy