Ða Chất - nghề xưa, chuyện nay

Triệu Dương| 17/09/2019 10:40

(HNNN) - Một ngày tháng 9 nắng oi ả, chúng tôi về làng Đa Chất (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Vừa đến gốc đa cổ đầu làng đã nghe xôn xao ngôn ngữ cổ. Thấy người lạ, người dân ở đây đều hồn hậu chào đón. Tiếng một người đàn ông: “Mỗ bao nhiêu rực? Thít mận?” Cạnh đó, người phụ nữ cười nói với sang: “Sảo ngoại choáng”... Phải qua “phiên dịch” chúng tôi mới hiểu đó là câu hỏi thăm về tuổi tác và lời khen của người dân nơi đây. Cũng từ đó câu chuyện về Đa Chất xưa và nay càng thêm rộn ràng.

Ngôi làng “xoay chuyển càn khôn”

Những người hay chữ, trào phúng vẫn ví làng Đa Chất - nơi làm ra những chiếc cối xay lúa bằng tre là đất “xoay chuyển càn khôn”, có lẽ bởi chiếc cối xay với động tác xay lúa đã trở thành một hình ảnh quen thuộc trong tâm thức người Việt. Chiếc cối của làng Đa Chất có nét riêng không thể lẫn, nếu cối khắp nơi làm bằng đá, bằng dăm gỗ với đất thì cối của làng Đa Chất được làm từ tre. Thời còn chưa có máy xay xát chạy bằng điện thì chiếc cối xay thóc thủ công vô cùng có ý nghĩa đối với các gia đình nông thôn. Cối xay tre được ví như đôi bàn tay khéo léo để phân chia hạt thóc lép thóc mẩy. Để đóng được cối xay thóc, các gia đình phải mời thợ về nhà làm trong nhiều ngày, ngoài công xá theo thỏa thuận thì còn phải đối xử trân trọng, phục vụ ăn uống rất chu đáo, chả mấy nhà dám làm thợ cối bực dọc. Hẳn là câu “Cối xay tre, nặng nề quay, từ ngàn đời nay, ta xay nắm thóc” trong bài thơ Cây tre của tác giả Thép Mới mà nhiều thế hệ học sinh phổ thông thuộc nằm lòng chính là nói đến chiếc cối xay lúa gắn với làng nghề Đa Chất này.

Trước đây, cối xay tre là công cụ phổ biến có mặt trong hầu khắp các gia đình nông dân Việt. Chiếc cối quan trọng đến mức mỗi gia đình dù sang hèn đều dành một gian nhà ngang đặt cối. Cụ Nguyễn Ngọc Đoán, người đang trông coi ngôi đình cổ hơn 500 tuổi của làng Đa Chất cho biết, hiện tại đình làng vẫn giữ một chiếc cối tre nguyên bản như một kỷ vật trưng bày cho các thế hệ con cháu và du khách hình dung ra nghề cổ truyền của cha ông. Người làng bây giờ không còn làm cối vì nhu cầu không còn, nhưng nếu ai đó muốn đặt làm cối thì vẫn có hiệp thợ sẵn sàng phục vụ.

Cũng theo ông Đoán, mấy năm gần đây đã có một số bảo tàng tới Đa Chất tìm thợ đặt làm cối, thậm chí cả những nhà nghiên cứu văn hóa, nhà sưu tập trong nước và nước ngoài, cũng tìm đến đặt hàng để mang về trưng bày... Dẫn chúng tôi “mục sở thị” chiếc cối huyền thoại, ông cụ ngoài 80 bỗng chợt minh mẫn hẳn, mê say giảng giải, dù ở trong bảo tàng hay trong bộ sưu tập cá nhân nào đấy thì những chiếc cối tre luôn có dạng hình trụ, được quấn nứa bao quanh, ôm chặt những chiếc dăm tre đan xếp từ thấp đến cao. Chỉ có một thanh gỗ là “ngỗng cối” ở chính giữa. Một chiếc cối xay tre mà có hai phần cối hợp lại khớp với nhau, xoay tròn trơn tru, hạt lúa được bóc vỏ đều mà không bị vỡ, không bị mất nhiều lớp phấn gạo dinh dưỡng, cơm nấu ngon dẻo hơn được coi là một chiếc cối tốt.  

Ông Trịnh Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Xuyên thông tin, địa bàn xã Đại Xuyên có 7 làng, 1 khu dân cư nhưng duy nhất chỉ có làng Đa Chất có nghề làm cối lâu đời. Làng Đa Chất có 320 hộ với 1.500 nhân khẩu thì đa phần là thuần nông, chỉ một số ít thoát ly đi làm ở các nơi. Giờ trong làng hầu như không còn hộ nào duy trì nghề làm cối, mà chỉ trông vào nông nghiệp vì vậy kinh tế của làng Đa Chất còn nhiều khó khăn. Nằm trong quy hoạch đất trăm nghề của huyện Phú Xuyên, sắp tới Đa Chất sẽ trở thành địa chỉ du lịch quan trọng vì đang nắm giữ nhiều “kho báu” dân gian như nghề cổ, đất cổ và kho tàng tiếng lóng độc đáo. Đa Chất cũng đã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo ông Trịnh Vĩnh Phú, tiếng cổ của làng không có bảng chữ cái và cũng không có quy ước trong việc phát âm hay cấu tạo ngữ pháp. Năm 2006, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đến làng mời các cụ già trong làng sưu tầm, tập hợp lại các từ trong tiếng cổ để in thành sách và giữ gìn cho các thế hệ sau. Và như Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội nhận diện, tiếng lóng Đa Chất thuộc vào 1.739 di sản văn hóa cần khôi phục và bảo vệ trước nguy cơ đang bị mai một dần. 

Vinh danh “đất trăm nghề”

Cụ Nguyễn Văn Sửu năm nay đã 85 tuổi được coi là “nghệ nhân” làm cối của làng. Đến giờ, mỗi khi có khách hỏi thăm về nghề, người làng vẫn buột miệng giới thiệu ngay cụ Sửu ngày trẻ từng theo bố và các bác trong làng đi khắp nơi đóng cối. Nhắc về nghề làm cối, cũng như cụ thủ từ Đoán, cụ Sửu bỗng tinh anh hơn và say sưa kể, vì cối xay Đa Chất làm toàn bằng tre nên khi xay thì cho hạt gạo trắng, đẹp và càng xay càng sạch. Còn cối xay của các tỉnh làm bằng mùn cưa với đất nên khi xay hạt gạo không được trắng vì có lẫn đất. Chính vì lẽ đó mà cối Đa Chất ngày xưa thường đắt hàng, thợ cối chẳng bao giờ thất nghiệp.

Cụ Nguyễn Văn Sửu, 85 tuổi, nghệ nhân làm cối làng Đa Chất

Nhắc về những ngày “vang bóng”, cụ Sửu khảng khái, đàn ông Đa Chất chuyên làm nghề đóng cối xay tre, họ phải “lên rừng xuống biển” tìm địa bàn đóng cối và rất ít khi có mặt tại nhà. Để làm ra một cối tre tiêu tốn rất nhiều tre nguyên liệu, mà vùng đồng bằng không thể cung cấp đủ. Khu vực trung du miền núi phía Bắc chính là địa bàn hoạt động chính của thợ cối Đa Chất. Rồi theo tính toán, từ 2 - 3 năm khi người thợ ước chừng chiếc cối nơi mình từng ghé chân làm đã đến lúc phải thay mới thì họ lại lên đường.

Trên những chặng nghỉ chân, người thợ cối khéo léo xây dựng những mối quan hệ thân thiết với nhà chủ bằng cách đóng cối bền hơn, rẻ hơn, có quà cho chủ hoặc kết thân, kết nghĩa. Tiếng lóng làng Đa Chất cũng ra đời trên những chặng đường mưu sinh đó, ban đầu để người làng nhận ra nhau, tự bảo vệ nhau nơi đất khách quê người, từ đó dần trở thành “đặc sản” của Đa Chất.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn lưu lại những hình ảnh người thợ làm cối với đầy đủ hành trang, đồ nghề và sản phẩm, cụ Sửu vui vẻ đưa chúng tôi về nhà nơi cụ vẫn giữ chiếc cối năm xưa trong sân nhà để làm “bảo tàng sống” cho những ai còn quan tâm. Chiếc cối sân nhà cụ cũng không khác mấy so với chiếc cối bày ở sân đình làm linh vật. Cũng như cụ Đoán và nhiều người dân khác, mong muốn quê hương Đa Chất sẽ trở thành địa điểm du lịch quan trọng của đất trăm nghề Phú Xuyên trong người nghệ nhân già luôn cháy bỏng. Cụ Sửu chia sẻ, mỗi người dân Đa Chất sẽ là một hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu về quê hương giàu truyền thống lịch sử, có nghề cổ truyền độc đáo và kho tàng văn hóa tiếng lóng dân gian có một không hai. 

Nguyện vọng của người dân Đa Chất cũng chính là mong muốn của các cấp chính quyền huyện Phú Xuyên với tầm nhìn phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương trong tương lai. Nghề làm cối tuy không còn mang lại thu nhập nhưng với xu hướng bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống, người dân làng Đa Chất tin tưởng mảnh đất và con người nơi đây sẽ trở thành địa chỉ du lịch lý tưởng.

Theo lãnh đạo huyện Phú Xuyên cho biết, ngoài làng nghề truyền thống Đa Chất, Phú Xuyên là cái nôi của rất nhiều làng nghề nổi tiếng như giày da Phú Yên, may mặc Vân Từ, khảm trai Chuyên Mỹ, đồ gỗ Tân Dân, Văn Nhân, cơ kim khí Đại Thắng được bày bán ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác trên cả nước. Sản phẩm mây, giang đan, cỏ tế Phú Túc được xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, châu Phi, châu Mỹ.

Kinh tế từ tiểu thủ công nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người nông dân, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Đến nay, trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã có 37 làng được công nhận làng nghề theo tiêu chí cấp thành phố. Sản phẩm của các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và thế giới. Sắp tới Phú Xuyên sẽ kết hợp phát triển kinh tế làng nghề với du lịch để vinh danh “đất trăm nghề”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ða Chất - nghề xưa, chuyện nay