Hồ Gươm – không gian của ký ức…

Thu Hằng| 17/09/2019 09:35

(NSHN) - Hồ Gươm là báu vật của Thủ đô. Xưa nay người ta vẫn nói, nếu chưa đến Hồ Gươm thì coi như chưa đến Hà Nội. Nơi đây thấm đẫm huyền thoại và dày đặc các di tích độc đáo…

Có hai nơi của Thăng Long – Hà Nội đã làm bao nhiêu thi sĩ, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia và những người từng đến nơi này phải lòng để rồi ngẩn ngơ, để rồi bâng khuâng, để rồi yêu đến cháy bỏng là Hồ Gươm và Hồ Tây. Nếu Hồ Tây lại là “ánh mắt mộng mơ của Hà Nội” thì Hồ Gươm chính là “trái tim đa cảm” của thành phố này. 

Quang cảnh tự nhiên của Hồ Gươm, vẻ đẹp quyến rũ của nó đã gắn bó với biết bao thế hệ từ khi còn là trẻ thơ cho đến lúc da mồi tóc bạc. Hồ Gươm không chỉ là hồ thiêng trong tâm thức của người Hà Nội mà còn là một nơi chốn tựa như “phòng khách mở rộng” của biết bao người dân Thủ đô.

Lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng luôn xem Hồ Gươm như ngôi nhà thứ hai của mình. Với ông, Hồ Gươm là niềm tự hào của người Hà Nội, một cõi tâm linh, một khoảng lặng trời cho, hòa hợp con người với thiên nhiên. Người nghệ sĩ già, như bất cứ một người Hà Nội thực sự nào, luôn dành cho Hồ Gươm một tình yêu sâu nặng. Chỉ có ông, mới có được sự kiên nhẫn mỗi tuần vài ba lần dạo quanh Hồ Gươm, để ngắm từng bông hoa, từng chồi non, thuộc từng gốc cây bị mối ăn, từng nhánh cây bị cưa gãy, thuộc từng thân phận người bên Hồ Gươm.

Là một người “phải lòng” Hồ Gươm, nhiếp ảnh gia Phạm Ngọc Dự cũng dành nhiều thời gian chụp không gian thân thuộc này. Ngắm bức ảnh đen trắng ông chụp một cụ già ngồi bên Hồ Gươm, mắt nhìn xa xăm bên một tháp Rùa nhòe mờ, những hàng cây cũng nhòe mờ, chùm lá trên đầu cụ già cũng nhòe mờ… Cụ như muốn tìm về ký ức của thành phố đã nghìn năm tuổi.

Nhiếp ảnh gia Phạm Ngọc Dự cho biết, ở thời điểm chụp bức ảnh (2018), cụ ông đã 99 tuổi. Gần 40 năm qua, kể từ ngày về hưu, ngày nào cụ cũng ra Bờ Hồ một lần, kể cả mùng Một Tết. Ông kể: “Khi xin chụp cụ xong, cụ hỏi tôi: ‘Liệu tôi có thể còn ra đây vào tuổi 100 không?’. Tôi hỏi ngược lại: ‘Nhà cụ ở đâu ạ?’. Cụ trả lời: ‘Nhà tôi ở Trần Quốc Toản’. Tôi hỏi tiếp: ‘Thế cụ đi từ nhà ra đây có đến một tiếng không?’. Cụ trả lời: ‘15 phút thôi ông à’. Tôi nói: ‘Thế thì cụ sẽ còn ra đây vào tuổi 110’. Cụ già cười. Tôi hỏi tiếp: ‘Cụ ra đây ngắm hồ, thư giãn và có lẽ còn có cái gì bên trong nữa?’. Cụ cười: ‘Ngắm một Hà Nội thâm trầm nhưng hào hoa; một Hà Nội thiêng liêng nhưng vô cùng gần gũi; một Hà Nội đẹp cổ kính và thanh lịch…’. Rồi cụ đùa: ‘Và tiếc mình đã già chỉ ngồi ngắm và gặm nhấm quá khứ mà chẳng còn làm gì được nữa?’. 

Bức ảnh của Phạm Ngọc Dự đã cho thấy tình cảm trân quý của một cụ già Hà thành, bước vào tuổi bách niên vẫn cháy bỏng tình yêu và sự nặng lòng đến kỳ lạ với Hà Nội. 

Rõ ràng, Hà Nội đẹp không hẳn từ những di tích, những công trình… mà còn ở những con người bình dị giữ hồn cho phố. Họ không phải là những nhân vật kiệt xuất, họ chỉ là những con người mà hễ ta chợt nhớ tới, Hà Nội trở nên thân quen xiết bao, lòng ta bỗng rưng rưng bao hoài niệm… 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồ Gươm – không gian của ký ức…