Sắc màu tò he Xuân La

Thủy Hương| 12/09/2019 09:37

(HNMCT) - Làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) có nghề truyền thống nặn tò he đã tồn tại khoảng 300 năm nay. Chỉ với nguyên liệu chính là bột gạo cùng các loại màu nhuộm từ tự nhiên, người làng Xuân La đã nghĩ ra cách tạo nên các con giống độc đáo làm đồ chơi cho trẻ em trong lúc nông nhàn, để rồi từ đó nghề làm tò he trở thành nghề chính của làng. Xuân La cũng là làng nghề duy nhất trong cả nước có nghề truyền thống độc đáo này còn được lưu giữ, trao truyền đến ngày nay.

Nghề nặn tò he xuất phát từ việc Xuân La xưa vốn là vùng đồng chiêm trũng, chỉ cấy được một vụ lúa mỗi năm. Vì thế, những lúc còn ít gạo, người dân thường giã gạo thành bột trộn với rau dại, hấp thành bánh để ăn. Có người khéo tay, tỉ mẩn nặn thêm hình chim, cò, gà, vịt... bằng chút bột ít ỏi còn lại cho trẻ em. Từ đấy, cứ mỗi dịp lễ tết hay Trung thu, các gia đình ở Xuân La lại nặn cho trẻ bánh bột gạo hình các con giống và sáng tạo thêm bằng các phẩm màu từ tự nhiên như màu đỏ từ gấc, màu vàng từ củ nghệ, màu xanh từ lá tràm, lá riềng... Dần dà những con giống bột đẹp mắt vượt ra khỏi lũy tre làng Xuân La, được bày bán ở khắp các chợ huyện, tỉnh và nhiều nơi trên cả nước. Ngày nay, tò he Xuân La còn có mặt tại Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác.

Tên gọi “tò he” ban đầu xuất phát từ tiếng kêu của loại đồ chơi này. Sau khi tạo hình các con giống từ bột, người thợ gắn chúng với một chiếc kèn ống làm bằng thân tre. Đầu kèn được gắn một chiếc lá nhỏ để làm dăm kèn, khi thổi, con giống sẽ phát ra tiếng kêu: “Tò te", sau này người ta gọi chệch thành “tò he”.

Để làm tò he, người làng Xuân La phải chọn gạo khá kỹ. Gạo nếp phải có độ dẻo đặc biệt, sau đó người ta xay thành bột thật nhuyễn. Công đoạn quan trọng nhất là luộc bột để có độ dẻo phù hợp. Tiếp đó, người ta pha bột gạo với đường rồi phơi khô, đồ chín thành bột nặn. Khi đã chuẩn bị xong nguyên liệu, người làng Xuân La mới thể hiện sự khéo léo của mình qua đôi bàn tay vê bột mềm mại, nhanh thoăn thoắt và trí tưởng tượng phong phú. Từ đây, những con giống hình người mô phỏng các nhân vật trong truyện cổ tích hay các loại hoa quả cứ dần hiện ra với màu sắc vô cùng bắt mắt. Ngày nay, những nghệ nhân ở Xuân La còn có thể tạo các tiểu cảnh thể hiện vẻ đẹp của làng quê Việt Nam, cảnh ngày mùa hay các nhân vật trong những bộ phim nổi tiếng khiến du khách trong nước, quốc tế phải trầm trồ bởi sự tài hoa, khéo léo đặc biệt.

Với những nét đẹp truyền thống còn được bảo tồn, lưu giữ và phát triển đến ngày nay, tò he Xuân La xứng đáng là một trong những loại hình tri thức dân gian tiêu biểu trong kho tàng di sản văn hóa của Hà Nội và cả nước.       

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắc màu tò he Xuân La