Tết Đoan Ngọ - nét văn hóa ẩm thực truyền thống cần giữ gìn

Thu Hằng| 06/06/2019 15:30

Tết Đoan Ngọ là cái Tết chung của một số nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn mang những ý nghĩa khác biệt.

(NSHN) - Tết Đoan Ngọ tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian Phương Đông, là một phong tục lễ tết gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.

Ảnh ĐAN TOÀN

Theo quan niệm của người xưa, trong người thường có sâu bọ, giun sán. Các loài sâu bọ này nếu không bị trừ khử sẽ sinh sôi nảy nở và gây tật bệnh cho người. Bởi vậy, người ta chọn ngày mồng năm tháng năm âm lịch là thời điểm thuận lợi để bài trừ căn nguyên của bệnh tật.

Trong ngày này, nhà ai cũng có bữa cỗ "giết sâu bọ" với hoa quả đầu mùa, bánh trái và đương nhiên không thể thiếu món rượu nếp.

Tháng 5 các loại hoa quả bắt đầu vào mùa chín rộ


Trong “Thương nhớ mười hai”, Vũ Bằng kể cứ vào sáng sớm ngày này, các đường phố Hà Nội đâu đâu cũng sang sảng tiếng rao rượu nếp. Khi thức dậy, mọi người súc miệng rồi tiến hành “giết sâu bọ” ngay. Mỗi người sẽ ăn một bát rượu nếp khiến sâu bọ say lử, sau đó ăn các trái cây đầu mùa như mận, muỗm, mít, xoài, ổi, vải, nhót chín… làm cho chúng chết.

Trong đông y, các vị thuốc Nam hay thuốc Bắc đều là các loài thảo mộc, mà trái cây là kết tinh của thảo mộc nên có thể giết được sâu bọ. Còn Vũ Bằng thì cho rằng, nếu ăn như thế mà có bị "Tào Tháo đuổi" thì bất quá cũng chỉ là một cách xổ giun sán cho nhẹ bụng thôi.


Đến trưa thì mọi nhà làm cỗ cúng gia tiên, mừng một tiết mới trong sáng và quang đãng. Mâm cỗ cúng ngoài cơm rượu nếp, bánh gio, xôi chè, các loại trái cây theo mùa thì không thể thiếu món thịt vịt.

Món ăn không thể thiếu trong ngày mồng năm tháng năm


Ngày nay, mặc dù tục lệ cúng gia tiên không còn cầu kỳ nữa, song "Tết giết sâu bọ” vẫn khá phổ biến trong cả nước. Đây là một phong tục đẹp, một nét văn hóa ẩm thực truyền thống cần được gìn giữ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết Đoan Ngọ - nét văn hóa ẩm thực truyền thống cần giữ gìn