Bảo tồn kiến trúc nông thôn trong cuộc sống hiện đại: Kinh nghiệm từ ngôi làng Cao Đãng

Quỳnh Dương| 21/05/2023 07:01

(HNMCT) - Quá trình hiện đại hóa nông thôn đã giúp cải thiện rất nhiều chất lượng sống của người nghèo. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với chiến lược quy hoạch thiếu bài bản đã ảnh hưởng tới không gian văn hóa và kiến trúc vùng nông thôn. Để phục hồi và giữ gìn bản sắc truyền thống, nhiều nơi trên thế giới đã triển khai thành công các dự án trong đó, đáng chú ý là dự án tại làng Cao Đãng (Quý Châu, Trung Quốc).

Làng Cao Đãng có lịch sử hơn 600 năm.

Là ngôi làng truyền thống của nhóm dân tộc thiểu số Bố Y ở khu vực miền núi nghèo khó xa xôi thuộc tỉnh Quý Châu, phía tây nam Trung Quốc, Cao Đãng có lịch sử hơn 600 năm với không gian sinh hoạt cộng đồng vô cùng độc đáo từ kiến trúc xây dựng tới cảnh quan. Toàn bộ các ngôi nhà trong làng đều được xây dựng bằng đá, đặc biệt là những cây cầu bắc qua suối. Theo giới nghiên cứu, hệ thống di sản tại Cao Đãng được giữ gìn khá tốt. Điều này khiến ngôi làng trở thành một điển hình hiếm hoi để trải nghiệm và nghiên cứu lịch sử văn hóa của người thiểu số Bố Y tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, làng Cao Đãng phải đối mặt với nhiều vấn đề trong quá trình hội nhập và phát triển, bao gồm sự suy thoái hệ sinh thái, quy hoạch xây dựng lộn xộn, chất lượng nhà ở xuống cấp. Hầu hết giới trẻ đến tuổi trưởng thành đều lựa chọn rời bỏ làng đến các thành phố lớn làm việc khiến kinh tế ở Cao Đãng chậm phát triển, sự gắn kết cộng đồng suy yếu và ngôi làng gần như bị lãng quên. 

Trước thực trạng này, Viện Thiết kế kiến trúc An Thuận thuộc Trường Đại học Thanh Hoa phối hợp với chính quyền địa phương đã triển khai dự án Bảo tồn và phục hồi cảnh quan nông thôn của Cao Đãng. Dự án được khởi động từ năm 2015 nhằm bảo vệ cảnh quan văn hóa của làng, thúc đẩy sự gắn kết cộng đồng và tăng cường tính bền vững về kinh tế và sinh thái.

Thông qua dự án, các chuyên gia cũng tìm kiếm biện pháp cân bằng giữa việc bảo vệ cảnh quan truyền thống và nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Một nhóm bao gồm học giả, kiến trúc sư, người dân và thợ thủ công địa phương đã tiến hành các nghiên cứu chi tiết, toàn diện trên góc độ đa ngành. Sau đó, nhiều cuộc thảo luận đã được tiến hành để đạt được sự thống nhất về kế hoạch phục hồi, bảo tồn, các phương án triển khai cho mỗi giai đoạn cụ thể. Trong quá trình nghiên cứu, tiếng nói của những người dân bản địa dễ bị tổn thương đã được lắng nghe đầy đủ. Chính quyền địa phương đã bỏ phiếu dân chủ công khai như một hình thức tôn trọng quyền lựa chọn của người dân cho kế hoạch tương lai.

Kiến trúc sư trưởng của dự án Châu Trịnh Từ cho biết: “Nhóm dân tộc thiểu số Bố Y đã định cư ở ngôi làng hàng trăm năm, là một phần quan trọng của ngôi làng. Cao Đãng có một nền văn hóa dân tộc tuyệt đẹp và đầy bản sắc. Mặc dù vị trí cách biệt, giao thông đi lại không thuận tiện khiến đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn nhưng tập tục cư trú, canh tác miền núi của họ vẫn được bảo tồn khá tốt. Dựa trên bối cảnh này, nhóm của chúng tôi đã đưa ra phương án bảo tồn dựa trên các yếu tố di sản và cộng đồng, truyền thống và hiện đại, thiên nhiên và môi trường nhân tạo. Để khắc phục khó khăn về mặt giao thông, giảm thiểu chi phí sửa chữa, phục hồi các công trình, chúng tôi đã tận dụng vật liệu có sẵn tại địa phương. Bằng cách này, cảnh quan, đặc điểm độc đáo của làng được bảo tồn và không có sự xung đột với các di sản lịch sử. Ngoài ra, nhiều biện pháp khác cũng được ứng dụng để phục hồi hệ sinh thái như khôi phục đất ngập nước trồng lúa bị bỏ hoang và bảo tồn núi đá vôi, tăng cường đa dạng sinh học. Người dân đã được lắp đặt và hướng dẫn sử dụng năng lượng mặt trời, giảm thiểu vật liệu gây hại cho môi trường”.

Song song với hoạt động trùng tu, bảo tồn, các chương trình khuyến học đối với trẻ em, đào tạo thợ thủ công, thúc đẩy du lịch cộng đồng và nông thôn theo mùa đã được thực hiện để tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương.

Sau 7 năm triển khai dự án, Cao Đãng đã “thay da, đổi thịt”, trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Điều này dẫn tới sự phát triển của các homestay, trang trại và sản phẩm nông nghiệp. Thu nhập của người dân đã tăng lên, từng bước đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế và văn hóa. Trong một bức thư gửi tới chính quyền địa phương, người dân Cao Đãng đã chia sẻ sự hài lòng về hiệu quả của dự án. “Dự án đã giúp tăng cường kết nối giữa các thế hệ trong cộng đồng, giúp khôi phục và kể lại những câu chuyện lịch sử đã bị lãng quên. Điều này khơi dậy niềm tự hào trong lớp trẻ về nơi chúng đang ở. Khi đời sống của người dân được cải thiện, nhiều thanh niên bản xứ đã quay lại Cao Đãng”.

Với những gì đã làm được, năm 2022, dự án Bảo tồn và phục hồi cảnh quan nông thôn của Cao Đãng đã giành chiến thắng trong hạng mục về cảnh quan nông thôn tại Liên hoan Kiến trúc thế giới. Theo các giám khảo, dự án được đánh giá cao vì đã giúp nâng cao nhận thức của địa phương về giá trị văn hóa truyền thống vùng nông thôn để giữ gìn và thúc đẩy sự phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn kiến trúc nông thôn trong cuộc sống hiện đại: Kinh nghiệm từ ngôi làng Cao Đãng