Tầm nhìn mới cho tương lai Manila

Quỳnh Dương| 19/04/2022 15:53

(HNNN) - Tốc độ đô thị hóa nhanh thường dẫn tới sự quá tải về kết cấu hạ tầng của các thành phố, vốn đã đến hoặc vượt qua tuổi thọ thiết kế. Điều này kéo theo hàng loạt vấn đề về môi trường, giao thông..., ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Trong một bước đi nhằm khắc phục những mặt trái của đô thị hóa và giảm tải cho thủ đô Manila, chính quyền Philippines đã xây dựng một thành phố mới có tên New Clark. Đây sẽ là địa điểm đặt các cơ quan công sở được di dời từ Manila tới.

 Thành phố New Clark được xây dựng nhằm khắc phục những mặt trái của đô thị hóa và giảm tải cho Thủ đô Manila.

Trong một bài phát biểu gần đây, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bày tỏ lo ngại đặc biệt đối với tương lai của thủ đô Manila vào năm 2045. Sự gia tăng dân số nhanh chóng và cơ sở hạ tầng không được đầu tư đã khiến Manila trở thành một trong những khu vực đô thị đông dân cư với hệ thống giao thông tồi tệ nhất thế giới. Người dân phải dành ít nhất 6 giờ mỗi ngày để di chuyển trên đường trong khi chỉ số ô nhiễm không khí vượt ngưỡng an toàn. Tình trạng tắc đường ước tính gây thiệt hại khoảng 70 triệu USD mỗi ngày. Đáng nói là Manila đã đi trước các thủ đô khác ở Đông Nam Á trong việc xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị hạng nhẹ trên cao vào đầu những năm 1980. Hiện hệ thống đường sắt dài 48km này của Manila đã lỗi thời và quá tải. Do đó, giải quyết nhu cầu vận chuyển tại Manila trong khi theo đuổi mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế mới bên ngoài thủ đô là một ưu tiên của chương trình “Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng” được chính quyền Tổng thống Duterte triển khai vào tháng 4-2017. Ông Duterte tin rằng, việc giải quyết tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng đòi hỏi một cách tiếp cận mới, đó là “giải phóng” Manila và chuyển một số bộ phận của thủ đô đến New Clark - thành phố cách Manila khoảng 100km về phía Bắc.

New Clark có diện tích dự kiến gần 9.450 ha. Ý tưởng xây dựng New Clark được lấy cảm hứng từ thành phố Putrajaya của Malaysia, vốn xây dựng để giảm tải cho thủ đô Kuala Lumpur. Việc xây dựng Putrajaya bắt đầu vào năm 1995, và ngày nay có 100.000 cư dân định cư, trong số đó có rất nhiều người chuyển từ Kuala Lumpur tới. Dự kiến New Clark sẽ có 1,2 triệu dân vào năm 2050. New Clark được chia thành 5 quận, mỗi quận đảm nhiệm một chức năng cụ thể, bao gồm: Chính quyền, kinh doanh, giáo dục, nông nghiệp và giải trí.

Một trong những mục tiêu lớn nhất của New Clark City là giảm tải cho Manila với khả năng tiếp nhận khoảng 2 triệu dân sau khi hoàn thành. Ngoài ra, các quan chức Philippines cho biết, trung tâm hành chính mới cũng giúp phục vụ tốt hơn người dân ở nửa phía Bắc của đảo Luzon. Giai đoạn đầu xây trung tâm hành chính quốc gia rộng 2km2 với chi phí khoảng 2,4 tỷ USD, sẽ bao gồm các cơ quan dự phòng cho chính phủ nhằm đảm bảo hoạt động xuyên suốt trong trường hợp xảy ra động đất hay các thảm họa tự nhiên. Ông Vince Dizon - Giám đốc Cơ quan Phát triển và cải tạo nhà ở cho biết: “Tầm nhìn là xây dựng một thành phố phát triển bên ngoài đô thị Manila được quy hoạch tốt và đi trước tương lai. Đây là một trong những giải pháp táo bạo nhất nhằm chuyển dần các hoạt động chính trị, kinh tế và chính phủ từ thủ đô ra ngoại ô”.

Bộ Giao thông Philippines đã chuyển văn phòng tới New Clark từ cuối năm 2017. Những cơ quan sẽ được chuyển đến sau là Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên thiên nhiên và môi trường, Bộ Khoa học và công nghệ, Ủy ban biến đổi khí hậu... Trung tâm mới cũng có văn phòng phụ của Tổng thống và dành chỗ cho các đại sứ quán nước ngoài, trường học quốc tế. Nơi đây sẽ đặt các văn phòng vệ tinh của nhiều cơ quan hành chính khác.

Hiện, Tổng thống Duterte đã đình chỉ việc phê duyệt các khu kinh tế mới ở Manila để khuyến khích các nhà đầu tư đến New Clark. Chính quyền Philippines cũng đang xem xét xây dựng các tuyến đường sắt nhằm tạo sự kết nối giữa Manila và thành phố mới.

Để có đủ tài chính cho việc xây dựng thành phố mới, dự kiến lên tới 14 tỷ USD, Philippines sẽ bán các bất động sản gần khu tài chính Makati của Manila, nơi giá nhà đất đang tăng cao kỷ lục. Ngoài ra, việc mở rộng sân bay quốc tế Clark - hoàn thành vào năm 2020, có khả năng tiếp đón 12 triệu hành khách/năm và tăng gấp đôi số chuyến bay trong nước - cũng giúp phần nào kinh phí xây dựng thành phố mới.

Theo đánh giá của Cơ quan phát triển Nhật Bản, quá tải đô thị là một vấn đề trên khắp châu Á - nơi có 9 trong số 10 thành phố đông đúc hàng đầu thế giới. Thành công của New Clark sẽ giúp giảm bớt áp lực cho Manila. Đây sẽ là một hình mẫu để nhiều thành phố châu Á khác có thể tham khảo và nhân rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tầm nhìn mới cho tương lai Manila