Amsterdam - hình mẫu về quy hoạch đô thị bền vững

Quỳnh Dương| 16/11/2021 09:21

(HNNN) - Là một trong những thành phố được quy hoạch tốt nhất thế giới, thủ đô Amsterdam (Hà Lan) có nhiều điểm nổi bật trong xây dựng đô thị bền vững. Đây là kết quả của một quá trình xây dựng và điều chỉnh một cách khoa học vừa đảm bảo phát triển, vừa coi trọng sức khỏe của người dân và thân thiện với môi trường.

Amsterdam được mệnh danh là “thủ phủ xe đạp” của châu Âu.

Ban đầu, thủ đô của Hà Lan chỉ là một làng chài nhỏ bên bờ sông Amstel. Năm 1270, người ta xây dựng một con đê ngăn lũ ở đây và đặt tên là Amsterdam. Từ đó tên con đê cũng là tên của thành phố và thủ đô của đất nước Hà Lan. Do vị trí địa lý gần Đại Tây Dương, vào thế kỷ XVII, Amsterdam đã trở thành một thương cảng quan trọng và sầm uất của châu Âu. Cũng từ đó, dân số thành phố gia tăng đáng kể. Nếu như năm 1570 Amsterdam chỉ có chưa tới 30.000 dân, thì vào năm 1620 dân số đã tăng lên 100.000 người. Điều này buộc các nhà quản lý phải tính đến việc mở rộng thành phố, đồng thời xây dựng hệ thống phòng thủ trước những người nhập cư. Tuy nhiên, thay vì những bức tường thành như thường thấy ở các quốc gia châu Âu khác, chính quyền Amsterdam lúc bấy giờ lại xây dựng 3 vành đai kênh đào có tên gọi Herengracht, Keizersgracht và Prinsengracht. Những kênh đào này đồng thời cũng là hệ thống giao thông quan trọng của thành phố, khiến thủ đô của Hà Lan trở nên xinh đẹp và độc đáo cho tới ngày nay.

Vào thế kỷ XIX, Amsterdam đứng trước những đòi hỏi điều chính quy hoạch do dân số tăng nhanh và ảnh hưởng của tốc độ phát triển công nghiệp hóa. Nhiều kênh đào đã được xây dựng thêm, tạo thành mạng lưới rộng khắp thành phố. Năm 1839, tuyến đường sắt đầu tiên của Hà Lan được xây dựng từ Amsterdam đến Haarlem. Làn sóng di cư của người dân nông thôn lên thành phố cũng được ghi nhận trong giai đoạn này.

Để mở rộng thành phố, kiến trúc sư Jan Kalf đã cho ra đời bản quy hoạch có tên gọi “Vành đai thế kỷ XIX” vào năm 1875 với những ý tưởng sắp đặt vị trí các khu dân cư, xây mới bến cảng và hệ thống đê đập ngăn nước. Do Amsterdam nằm thấp hơn mực nước biển nên các công trình mới xây dựng đều được giám sát chặt chẽ, từ kỹ thuật xây móng, thoát nước đến vật liệu xây dựng đều phải đáp ứng tiêu chuẩn đề ra. Đến năm 1896, diện tích của Amsterdam đã mở rộng từ 3.250ha lên 4.630ha. Bản quy hoạch của Jan Kalf được coi như nền tảng để phát triển thủ đô sau này.

Năm 1921, quy hoạch Amsterdam tiếp tục được điều chỉnh theo hướng mở rộng về phía Nam và kiến trúc sư cho dự án này là H.P.Berlage. Hơn 1 thập niên sau, năm 1934, kiến trúc sư Cornelis van Eesteren tiếp tục cho ra đời bản quy hoạch ấn tượng, chỉ rõ 4 khu chức năng của Amsterdam gồm nhà ở, làm việc, giải trí và giao thông. Môi trường sống bắt đầu được các nhà quản lý quan tâm trong giai đoạn này thông qua việc xây dựng các công viên cây xanh bao quanh thành phố.

Theo giới chuyên gia quy hoạch, do có điều kiện phát triển cách mạng công nghiệp từ rất sớm nên Hà Lan là nước đi đầu trong công tác quy hoạch đô thị. Mô hình nhà ở liền kề cho công nhân Hà Lan những năm đầu thế kỷ XIX là một ví dụ về phương pháp giải quyết nhu cầu nhà ở trong bối cảnh dân số tăng nhanh. Chính sách của Amsterdam cũng khuyến khích người đi bộ, đi xe đạp và thuyền. Hiện mạng lưới kênh rạch tại Amsterdam chia cắt thành phố thành khoảng 90 “hòn đảo” và đô thị này có khoảng 1.300 cây cầu và cầu cạn. Điều này giúp điều hòa không khí và giảm ô nhiễm môi trường gây ra bởi các loại xe cơ giới. Mặc dù thành phố có hệ thống tàu điện ngầm hiện đại, song khoảng 1/5 lực lượng lao động vẫn chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển.

Trên thực tế, phong trào đi xe đạp ở Hà Lan thực sự bùng nổ vào thập niên 1970, khi người dân trên khắp cả nước kêu gọi đi xe đạp để phản đối tỷ lệ tử vong của trẻ em trong các tai nạn giao thông do ô tô gây ra quá cao. Sự thành công của chiến dịch này cùng với cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào năm 1973 - 1974 đã khiến xe đạp lên ngôi ở khắp đất nước Hà Lan, buộc chính phủ phải hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân trong các thành phố và chú trọng phát triển các loại hình phương tiện giao thông khác, trong đó xe đạp được coi là một phương tiện trọng điểm giúp cho cuộc sống an toàn hơn và thân thiện với môi trường hơn.

Ngay từ những năm 1960 - 1970, chính quyền thành phố Amsterdam đã tập trung vào chiến dịch loại bỏ dần xe tư nhân, phát triển xe đạp. Vì thế, Amsterdam được quy hoạch với 450km đường xe đạp. Ngày nay, 50% cư dân Amsterdam sử dụng xe đạp trong cuộc sống hằng ngày và đây là một trong số ít các thành phố trên thế giới có xe đạp nhiều hơn dân số.

Cùng với đó là chính sách phát triển các dự án “Đường phố thông minh” có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong thành phố. Các dự án này tập trung chủ yếu vào giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà, các tuyến phố để giảm lượng khí thải CO2 thông qua việc sử dụng các công nghệ tiên tiến và khuyến khích thay đổi hành vi của người dân. Nhiều dự án đã được thiết lập trong 4 lĩnh vực khác nhau: Không gian công cộng bền vững, giao thông bền vững, cuộc sống bền vững và làm việc bền vững. Mục tiêu của dự án thông minh này là kiểm tra các công nghệ môi trường và chương trình thí điểm trong thành phố. Những sáng kiến sau đó sẽ được thử nghiệm để rút ra bài học thành công và hạn chế rủi ro, tăng tính bền vững khi ứng dụng quy mô lớn hơn. Quá trình này tạo ra nền tảng cho các giải pháp bền vững sau này.

Thành công trong quy hoạch Amsterdam chính là sức mạnh tổng hợp của chính sách quyết liệt, sự quyết tâm của thành phố trong đổi mới chính sách, từ nâng cấp và mở rộng hệ thống giao thông công cộng tới xây dựng cơ sở hạ tầng xe đạp, ứng dụng các dự án thông minh, chú trọng không gian công cộng, khuyến khích công trình xanh... Không ít người đã gọi Amsterdam là thành phố của sự cám dỗ bởi vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên kết hợp với nét tài hoa của con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Amsterdam - hình mẫu về quy hoạch đô thị bền vững