Islamabad - thủ đô hiện đại của Pakistan

Trần Ngọc Nga| 15/07/2021 11:29

(HNMCT) - Nếu bạn từng choáng ngợp trước khung cảnh núi non hùng vĩ ở Hunza Valley hay trầm trồ trước những công trình tráng lệ ở Lahore của đất nước Pakistan thì thủ đô Islamabad sẽ mang đến một cái nhìn hoàn toàn khác. Islamabad là sự kết hợp giữa nét tinh tế của phương Tây và nét truyền thống của đất nước này, chính vì vậy, thành phố trở thành nơi nghỉ dưỡng được yêu thích đối với những du khách châu Âu.

Thánh đường Hồi giáo Faisal.

Lịch sử phát triển

Có rất nhiều điều để làm ở Islamabad mà bạn sẽ không thể trải nghiệm ở bất kỳ nơi nào khác tại Pakistan. Thành phố hiện đại này không chỉ là nơi thu hút khách du lịch hàng đầu của đất nước mà nó còn là nơi bạn có thể quan sát tìm hiểu về cuộc sống đô thị hiện đại của người dân Pakistan thông qua các công trình có tính biểu tượng.

Thông qua những dụng cụ bằng gốm và những dấu vết được khai quật, các nhà khảo cổ cho rằng Islamabad đã từng có người sinh sống từ thời kỳ đồ đá và là một trong những vùng đất nơi có con người sinh sống đầu tiên tại châu Á. Nơi đây từng bị rất nhiều đế quốc xâm chiếm trong lịch sử.

Năm 1849, thực dân Anh chiếm đóng Pakistan và bắt đầu cho xây dựng khu dân cư ở Islamabad. Năm 1947, Pakistan giành được độc lập và đến năm 1960, Chính phủ Pakistan đã chọn Islamabad là thủ đô. Islamabad có nghĩa là thành phố của đạo Hồi, hay thành phố của hòa bình.

Islamabad được xây dựng bởi sự pha trộn của kiến trúc Hồi giáo truyền thống và kiến trúc hiện đại. Những kiến trúc sư nổi tiếng Constantinos Apostolou Doxiadis (Hi Lạp), Edward Durell Stone (Mỹ) và Gio Ponti (Italia) đã phác họa quy hoạch tổng thể của Islamabad và biến nơi này thành một trong những vùng hiện đại nhất của Pakistan. Thủ đô được chia ra thành 8 phân khu theo chức năng như khu hành chính, khu ngoại giao, khu dân cư, khu thể chế, khu công nghiệp và thương mại, khu vành đai cây xanh và khu công viên quốc gia. Có rất nhiều công trình nổi tiếng như thánh đường Hồi giáo Faisal, tòa nhà Tổng thống, tòa nhà Quốc hội, đài tưởng niệm quốc gia Pakistan.

Islamabad ngày nay là thành phố rất nhiều cây xanh, sạch sẽ với dân số hơn 1 triệu người. Đường sá rộng rãi, có rất nhiều loại phương tiện đi lại như taxi, bus, richshaw, nhưng giao thông rất quy củ và gần như không có tình trạng tắc đường. Phụ nữ Pakistan ngày nay ra đường không phải mang khăn che mặt và gần như những công việc nặng nhọc, kể cả buôn bán ở chợ, đều do đàn ông đảm nhận.

Thánh đường Hồi giáo Faisal

Năm 1966, khi Quốc vương Arab Saudi Faisal Bin Abdulaziz Al Saud viếng thăm Pakistan, ông đã đề xuất với Chính phủ Pakistan về việc xây dựng một thánh đường Hồi giáo ở thủ đô Islamabad. Năm 1969, một cuộc thi mang tầm vóc quốc tế đã được tổ chức với 17 kiến trúc sư tham gia cùng 43 bản thiết kế. Người chiến thắng là kiến trúc sư người Thổ Nhĩ Kỳ Vedat Dalokay. Thánh đường chính thức được khởi công vào năm 1976 với kinh phí khoảng 120 triệu USD, được chính phủ Arab Saudi và vua Abdulaziz tài trợ. Thánh đường được khánh thành vào năm 1986, được đặt tên là Faisal để tưởng nhớ Quốc vương khi ông bị ám sát vào năm 1975.

Kiến trúc của thánh đường Faisal là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, nó không có những mái vòm thường thấy ở các thánh đường Hồi giáo khác. Faisal được lấy cảm hứng từ chiếc lều của người Bedouin - bộ lạc du mục ở Arab và Kaaba hình khối ở thánh địa Mecca, hai bên là bốn ngọn tháp lấy cảm hứng từ kiến trúc Thổ Nhĩ Kỳ. Với các sảnh cầu nguyện lớn, Faisal có sức chứa tới 10.000 tín đồ ở bên trong và hơn 100.000 người ở khu vực khuôn viên bên ngoài.

Thánh đường Faisal nằm ở vị trí tuyệt đẹp dưới chân đồi Margalla xanh mướt, khách du lịch có thể nhìn thấy Faisal từ khoảng cách vài cây số bất kể vào ban ngày hay ban đêm. Kiến trúc của Faisal còn rất ấn tượng vào lúc hoàng hôn, khi đó ráng đỏ tím xuất hiện trên bầu trời, thánh đường bắt đầu bật hệ thống đèn màu cam rực rỡ. Faisal hiện lên rực rỡ và hoành tráng cùng với tiếng cầu nguyện vang vọng khắp thành phố. Faisal từng là thánh đường Hồi giáo lớn nhất thế giới từ năm 1986 đến năm 1993 và hiện nay nó đứng thứ năm.

Đài tưởng niệm quốc gia Pakistan

Một công trình nổi bật khác tại Islamabad là Đài tưởng niệm quốc gia nằm trên đồi Shakarparian. Đài tưởng niệm được khánh thành vào tháng 3-2007 và là biểu tượng cho sự đoàn kết của người dân Pakistan.

Kiến trúc của Đài tưởng niệm bắt nguồn từ kiến trúc Mogul. 4 cánh hoa lớn đại diện cho 4 nền văn hóa là Punjabi, Balochi, Sindhi và Pakhtun. 3 cánh hoa nhỏ hơn đại diện cho các tộc thiểu số, Azad Kashmir và Gilgit Baltistan. Tất cả có 7 cánh hoa đứng cùng nhau để tạo thành quốc gia Pakistan. Ngôi sao bên trong tượng đài được thiết kế bằng đá granit đen tượng trưng cho những người đã hy sinh mạng sống của mình cho Pakistan. Phía bên trong các cánh hoa lớn là các tác phẩm nghệ thuật về thánh đường Faisal, thánh đường Shah Jahan ở Thatta, Makli Necropolis... Allama Iqbal - nhà thơ dân tộc, người sáng lập Muhammad Ali Jinnah, người mẹ Dân tộc Fatima Jinnah, lăng mộ Uch Sharif, đèo Khyber và một số địa điểm khác ở Pakistan.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Islamabad - thủ đô hiện đại của Pakistan