Jakarta - ''trái tim sáng tạo'' của Indonesia

Nhật Trình| 17/01/2021 06:12

(HNNN) - 70 năm qua, Jakarta được đầu tư xây dựng theo hướng đạt các tiêu chuẩn quốc tế cho một thành phố - thủ đô. Sức sáng tạo không ngừng đã giúp Jakarta tạo ra khoảng 1/6 GDP của Indonesia từ năm 2010 và luôn đứng đầu cả nước. Trong 30 năm tới, nếu kế hoạch dời đô được thực hiện thì Jakarta vẫn sẽ là trung tâm kinh tế của Indonesia, quốc gia có nền kinh tế lớn nhất ASEAN và là thành viên của G20.

Jakarta là thành phố lớn nhất Indonesia, với diện tích nội thị là 661,52km², dân số trên 12,4 triệu người (diện tích toàn vùng đại đô thị Jakarta - Bandung là 3.540km2, dân số hơn 30 triệu người).

Với lịch sử phát triển hơn 490 năm, Jakarta trải qua nhiều thăng trầm. Thời Trung cổ, Jakarta là trung tâm của vương quốc Sunda, thời thực dân Hà Lan xâm lược thì mang tên thành phố cảng Batavia, năm 1949 đổi lại thành Jakarta. Năm 1950, Jakarta trở thành thủ đô của quốc gia Indonesia độc lập.

Năm 1966, Jakarta được tuyên bố là “vùng đặc biệt”, tương đương với một tỉnh. Kế hoạch “Trật tự mới” được thực hiện trong hơn 10 năm, đến năm 1977 thì cơ bản khôi phục được hệ thống cầu đường; xây dựng thêm bệnh viện và nhiều trường học; giải tỏa các khu ổ chuột; kiểm soát di cư để hạn chế tình trạng quá tải và đói nghèo.

Jakarta là trung tâm kinh tế của Indonesia, được đánh giá cao nhất về tính sáng tạo, thể hiện qua sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử. Ngành công nghiệp thương mại điện tử của Jakarta tăng trưởng “bùng nổ” từ đầu những năm 2010, đến hết năm 2020 đạt doanh thu trên 11,7 tỷ USD, dự báo đến năm 2022 có thể đạt 16,9 tỷ USD. Thị trường trực tuyến Jakarta đứng hàng đầu khu vực và có tiềm năng mở rộng hơn nữa.

Trong ngành công nghiệp thương mại điện tử Jakarta hiện tại, có 5 ứng dụng hữu ích được thế giới đánh giá rất cao là: Tuupai (liên kết khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ, chuyên gia), Hellobly (liên kết người mua sắm cá nhân và khách hàng), Kitchenindo (ưu đãi tốt nhất cho thiết bị nhà bếp), Zarment (cùng thiết kế sáng tạo về may mặc), Mise (liên kết thiết lập các cửa hàng cho khách hàng tiềm năng).

Ngoài ra, ở Jakarta còn có hình thức bán hàng online cho người không hoặc chưa dùng internet thông qua hàng trăm đại lý. Công ty Bukalapak ở Jakarta thành lập từ năm 2010 đã đi tiên phong trong việc kết nối mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến cho người dân thông qua các doanh nghiệp gia đình và hiện chiếm đến 20% thị phần thị trường thương mại điện tử của cả nước.

Nói về nền kinh tế của Jakarta còn phải đề cập đến các lĩnh vực dịch vụ, ngân hàng, kinh doanh, tài chính và sản xuất. Hầu hết các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Indonesia đặt trụ sở chính tại đây.

Sức sáng tạo không ngừng đã giúp Jakarta tạo ra khoảng 1/6 GDP của Indonesia từ năm 2010 và luôn đứng đầu cả nước. GDP bình quân đầu người của Jakarta năm 2019 vượt mốc 195 triệu Rupi (gần 15.000 USD), cao gấp nhiều lần GDP bình quân của Indonesia. Trên trường quốc tế, Jakarta nằm trong top 60 về Chỉ số tài chính toàn cầu, top 40 trong Chỉ số thành phố thế giới về sức mạnh, đứng thứ 8/45 thành phố thế giới về tiêu chí “Sự tự tin cao nhất trong môi trường chuyển đổi kỹ thuật số”.

Jakarta vẫn đang tiếp tục phát triển nhanh lên tầm quốc tế. Từ năm 2018, Jakarta đã gia nhập nhóm 26 thành phố thí điểm của “Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN”, đặt mục tiêu “phát triển đô thị thông minh và bền vững”.

Một kế hoạch dự kiến mất khoảng 20 năm và chi phí khoảng 1,88 tỷ USD đã được vạch ra để xây dựng thành phố thông minh Bumi Serpong Damai ở ngoại ô Jakarta. Đây là dự án thành phố thông minh hoàn chỉnh đầu tiên khi Đông Nam Á đang áp dụng việc tích hợp công nghệ vào phát triển đô thị. Thành phố thông minh này sẽ gồm nhà ở với quy mô khoảng 60.000 cư dân thường trú, có trung tâm mua sắm và cơ sở y tế...

Một hệ thống điều hành đô thị thông minh sẽ đảm nhiệm việc quản lý các chức năng chính của thành phố, bao gồm an ninh và bảo trì các dịch vụ điện, nước và mạng không dây. Công nghệ thông tin giúp người dân thực hiện thanh toán điện tử; đặt lịch hẹn khám bệnh qua điện thoại thông minh... Đây là giải pháp để tránh tình trạng quá tải, suy thoái môi trường, rủi ro thiên tai và bệnh tật.

Theo ông Bambang Brodjonegoro, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Indonesia, trong 30 năm tới, nếu kế hoạch dời đô được thực hiện thì Jakarta vẫn sẽ là trung tâm kinh tế của quốc gia. Ông Anies Baswedan, Thống đốc Jakarta khẳng định: Jakarta đã sẵn sàng đối mặt với các thách thức khi trở thành siêu đô thị đông dân nhất thế giới với dân số khoảng 35,6 triệu người vào năm 2030. Để ngăn chặn tình trạng Jakarta sẽ bị chìm sâu trong nước biển vào năm 2050, các liên kết quốc tế đã hình thành, các giải pháp đã được cân nhắc, Jakarta sẽ được tái thiết mạnh mẽ để xứng đáng là trái tim của “rồng” Indonesia đang vươn lên thành một cường quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Jakarta - ''trái tim sáng tạo'' của Indonesia