Thành phố vệ tinh: Mô hình hiệu quả trong quy hoạch vùng đô thị

Quỳnh Dương| 16/12/2020 06:00

(HNNN) - Từ hàng chục năm trước, trong quá trình xây dựng quy hoạch, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã chọn mô hình phát triển thành phố vệ tinh để giảm tải áp lực đối với hạ tầng kỹ thuật và xã hội - yếu tố cản trở sự phát triển bền vững cũng như sự tiến bộ của các thành phố lớn. Cho đến nay, mô hình này vẫn được cho là hữu hiệu và được áp dụng rộng rãi.

Saint Quentin-en-Yvelines - một trong 5 thành phố vệ tinh của Paris được xây dựng từ cuối những năm 1960.

Hiện nay, tại phần lớn các nước phát triển, do quá trình công nghiệp hóa diễn ra sớm nên quá trình đô thị hóa cũng bắt đầu sớm hơn. Đặc trưng cho quá trình đô thị hóa này là mức tăng tỷ lệ dân cư ở các thành phố tương đối cao và đẩy mạnh quá trình hình thành các siêu đô thị. Tuy vậy, nhịp độ gia tăng số dân thành thị ở các nước này trong thời gian gần đây đã bắt đầu chậm lại. Trong khi đó, sự bùng nổ dân số đi liền với “bùng nổ đô thị hóa” ở các nước đang phát triển vẫn có xu hướng gia tăng. Điểm nổi bật của quá trình này là sự thu hút cư dân nông thôn tới các thành phố lớn, trước hết là thủ đô nhằm tìm kiếm những việc làm có thu nhập khá hơn. Nhịp độ đô thị hóa cao đã kéo theo sự phát triển không cân đối giữa các khu vực thành thị và nông thôn.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, đến năm 2050, 66% dân số thế giới sẽ sống ở khu vực thành thị, một tỷ lệ tăng đáng chú ý so với mức 54% hiện nay. Việc ngày càng có nhiều người đổ vào các thành phố lớn sinh sống và làm việc sẽ gây ra nhiều vấn đề đối với các đô thị như: Tình trạng thiếu nhà ở, tỷ lệ thất nghiệp cao, ùn tắc giao thông... Đây là những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh tế và sức khỏe cộng đồng. Sự quá tải và phát triển quá mức ở khu vực trung tâm thành phố còn dẫn đến những hệ lụy về môi trường.

Thành phố Mexico (Mexico) là một dẫn chứng điển hình. Với hơn 90% không gian của thành phố là để xây dựng nhà cửa, trong khi không gian mở chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn. Tỷ lệ “không gian xanh” ở thành phố này còn thấp hơn rất nhiều so với các thành phố có mật độ dân cư cao nhất ở châu Âu hay Bắc Mỹ.

Ngay từ năm 1922, lý thuyết thành phố vệ tinh đã được kiến trúc sư người Anh Raymond Unvin đề cập trong cuốn sách Thực tiễn quy hoạch đô thị. Sau đó, mô hình này được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới và được coi là giải pháp chủ yếu để giảm hiện tượng tập trung đông dân cư vào thành phố trung tâm. Theo Raymond Unvin, mô hình thành phố vệ tinh là thiết lập một mạng lưới các thành phố nhỏ bao quanh một thành phố lớn nhằm phân tán bớt dân ở các đô thị lớn và bảo đảm cho trung tâm đô thị phát triển tương đối độc lập. Các thành phố vệ tinh đặt cách thành phố chính khoảng 40km - 50km.

Để bảo đảm tính liên kết, các thành phố vệ tinh được kết nối với thành phố trung tâm này bằng một hệ thống giao thông công cộng hoàn thiện. Hệ thống giao thông này cho phép nhiều người dân sống tại các đô thị vệ tinh có thể di chuyển vào đô thị trung tâm hằng ngày dễ dàng. Giữa thành phố trung tâm và đô thị vệ tinh thường là các vành đai xanh. Kết nối giao thông hỗ trợ thúc đẩy các liên kết về kinh tế - xã hội như phát triển du lịch, dịch vụ thương mại, dịch vụ công cộng để đáp ứng nhu cầu sử dụng của đông đảo người dân trong vùng.

Tại Pháp, từng có thời kỳ thủ đô Paris phải hứng chịu mặt trái của tình trạng đô thị hóa quá nhanh như tắc đường, ngập nước, ô nhiễm môi trường. Các nhà quy hoạch đã nhanh chóng nhận thức được những vấn đề của việc quá tải hạ tầng đô thị. Năm 1965, theo Quy hoạch chiến lược vùng Paris, 5 thành phố vệ tinh đã lần lượt được phát triển ở vị trí cách Paris khoảng 25km - 30km, gồm Cergy Pontoise, Evry, Melun, Saint Quentin-en-Yvelines và Senart. Quyết định này là bước đi đột phá mang lại sự thay đổi tích cực cho Paris. Ban đầu, kinh phí xây dựng các khu dịch vụ như trung tâm hành chính, trung tâm thương mại, các tòa nhà công... được lấy từ ngân sách nhà nước. Thời gian sau đó, khi dân cư ngày càng đông đúc, các thành phố đã có thể tự chủ về tài chính. Nhiều công trình thiết yếu khác như trường học, bệnh viện, nhà thờ, khu vui chơi... tiếp tục được xây dựng nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân.

Theo các nhà quản lý quy hoạch Pháp, để mô hình đô thị vệ tinh phát huy hiệu quả, trước hết cần xây dựng chiến lược quy hoạch chi tiết, đồng bộ, đủ quy mô để hình thành đô thị mới hấp dẫn, thu hút dân cư và lao động trẻ tới sinh sống và làm việc. Khi đã xác định hình thành đô thị vệ tinh, cần tập trung mọi nguồn lực và chính sách để phát triển nhanh chóng, có lộ trình triển khai cụ thể.

Đặc biệt, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ để xây dựng đô thị thông minh sẽ góp phần tạo môi trường, chất lượng và tiện ích cho thành phố mới. Vì vậy, hạ tầng khung kết nối từ đô thị trung tâm ra bên ngoài, tạo sự di chuyển thuận lợi giữa đô thị vệ tinh và đô thị trung tâm là vấn đề cần quan tâm. Thành phố vệ tinh đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển và liên kết vùng, do đó, việc thiết lập các tuyến kết nối truyền thống, kết nối nhanh, tuyến giao thông công cộng... sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ đô thị trung tâm tới đô thị vệ tinh.

Mặt khác, để thu hút cư dân tới thành phố mới, phải có các chính sách hỗ trợ về việc làm, nhà ở, điều kiện sinh hoạt, nguồn vốn đầu tư... Cùng với  đó, các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại... phải được xây dựng đầy đủ, đồng bộ để đáp ứng nhu cầu của người dân, tạo động lực phát triển đô thị. Việc phát triển nguồn nhân lực để quản lý cơ sở hạ tầng đô thị và giáo dục nâng cao văn hóa đô thị của người dân, bảo đảm sự phát triển tổng thể một cách hài hòa cũng là vấn đề then chốt.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), quy hoạch vùng và quản lý đô thị là vấn đề vô cùng cần thiết để có thể mang đến cho cả khu vực không gian phát triển tốt và bền vững, cũng như đáp ứng nhu cầu về việc làm, nhà ở, dịch vụ y tế... của các tầng lớp dân cư khác nhau. Đô thị hóa là quá trình tất yếu, song các quốc gia cần xây dựng chiến lược cụ thể để hạn chế những mặt trái của đô thị hóa, bảo đảm cho sự phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố vệ tinh: Mô hình hiệu quả trong quy hoạch vùng đô thị