Kinh nghiệm bảo tồn di sản từ Kyoto và Nara

Phương Quỳnh| 02/09/2020 16:03

(HNMCT) - Kyoto và Nara là hai cố đô của Nhật Bản với những “kho báu” di sản vô giá và những giá trị truyền thống vượt trội. Nhờ ý thức gìn giữ và bảo tồn từ rất sớm nên khi đến hai cố đô này, nhiều người có chung cảm nhận, dường như thời gian không chạm đến nơi đây dù cả hai đều đã có lịch sử hơn 1.000 năm tuổi.

Cố đô Kyoto còn lưu giữ nhiều di tích mang đậm văn hóa truyền thống Nhật Bản.

Nằm trên đảo Honshu - hòn đảo lớn nhất Nhật Bản, có diện tích 228.000km2, Kyoto từng là kinh đô của đất nước Hoa anh đào từ năm 794 - 1868. Dưới thời Minh Trị Duy Tân, kinh đô được dời đến Edo (tên gọi cũ của Tokyo). Kyoto là một trong những thành phố cổ được bảo tồn tốt nhất của Nhật Bản, với những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của Nhật Bản được lưu giữ trong đời sống hiện đại. 

Người dân Nhật Bản vẫn nói rằng, để hiểu về truyền thống của đất nước Mặt trời mọc, hãy đến cố đô Kyoto, nơi vẫn được xem là vùng đất ẩn chứa chiều sâu văn hóa, là hiện thân của Nhật Bản cổ xưa. Tại Kyoto không có các tòa nhà chọc trời, công trình hiện đại. Bù lại, cố đô còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận 14 đền đài tại Kyoto là di sản văn hóa thế giới.

Không chỉ hấp dẫn du khách bởi nền văn hóa truyền thống được nuôi dưỡng hơn 1.000 năm, thể hiện ở vô số đền chùa, miếu mạo, Kyoto còn gìn giữ những lễ hội truyền thống đầy màu sắc. Vào tháng 10, người dân cố đô Kyoto tổ chức lễ hội tôn vinh quá khứ huy hoàng của thành phố, với những cuộc diễu hành của hàng trăm người trong trang phục từ thời đại Heian đến thời đại Meiji. Lễ hội được tổ chức từ năm 1895, thời điểm ngôi đền Heian được dựng bằng sự đóng góp của người dân Kyoto. Nghi thức quan trọng nhất của lễ hội là đám rước từ cung điện Hoàng gia. Người tham dự sẽ quay trở về quá khứ trong những bộ áo giáp của thời đại Heian.

Kyoto còn có nhiều điều kỳ thú như đi thuyền trên sông Katsura, khám phá công viên Maruyama; dạo chơi quanh phố cổ hay đường làng, thưởng ngoạn Khu vườn hoàng gia Katsura Rikyu, chiêm ngưỡng cung điện và biệt thự hoàng gia... Đến Kyoto, du khách có thể lang thang dọc những con phố dài và hẹp với những ngôi nhà cổ đặc trưng, ngắm nhìn những geisha như bước ra từ truyện cổ tích hoặc thưởng thức nghệ thuật trà đạo, trải nghiệm một cuộc sống chậm thanh tao.

Nằm cách Kyoto khoảng 42km về phía Nam, Nara là thủ đô đầu tiên của xứ sở Hoa anh đào vào năm 710 trước khi dời đến Heian-kyo (Kyoto ngày nay).

Ở Nara vẫn còn sót lại nhiều công trình cho thấy sự phát triển vượt bậc của kiến trúc và nghệ thuật Nhật Bản. Trong số các công trình đó nổi lên mối tương quan văn hóa với Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt, các di tích ở Heijo-kyo là một điểm nhấn kiến trúc đô thị nổi bật không chỉ ở Nhật Bản mà còn trong lịch sử châu Á. Ngoài ra, các di tích như đền thờ hay chùa chiền cũng là tư liệu quý giá về sự ảnh hưởng mạnh mẽ của tôn giáo còn đến ngày nay. Nhờ không bị tàn phá trong Chiến tranh thế giới thứ 2, Nara vẫn bảo tồn được nhiều di tích lịch sử - văn hóa. Tháng 12-1998, UNESCO đã đưa một số khu vực và công trình kiến trúc lịch sử của Nara vào danh sách di sản văn hóa thế giới.

Tại Nara có một địa điểm ít du khách bỏ qua, đó là cung điện Heijo. Đây là khu vực có kích thước tương đương với Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam, bị chôn vùi phần lớn dưới lòng đất trong suốt 1.000 năm. Cung Heijo của Nhật Bản được xây dựng mô phỏng cung điện Trường An (Trung Quốc) nên khi khai quật và bảo tồn, các chuyên gia cũng dựa vào những thông tin của cung điện Trường An. Lợi thế của cung Heijo là có khá đầy đủ thông tin từ bản vẽ cho đến các thông số do một nhà nghiên cứu dày công ghi lại. Những tư liệu này vô cùng giá trị đối với công tác nghiên cứu và bảo tồn.

Cung Heijo sau khi được khai quật đã được nhà nước mua lại, nay đã trở thành di sản thế giới. Từ năm 1960 đến nay, khoảng 145ha diện tích của cung được điều tra, khai quật và thu được một số lượng di vật khổng lồ. Các di tích trong cung Heijo sau khi khai quật đã được lấp lại để bảo tồn. Để thu hút du khách tham quan, những gì liên quan đến cung Heijo được trưng bày theo 3 cách: Nhà trưng bày di tích, phục dựng một phần công trình, và trưng bày lộ thiên bằng chính di tích.

Không ít người cho rằng, muốn học người Nhật Bản bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, hãy đến Kyoto và Nara. Ở đây, du khách như được du hành ngược thời gian về các triều đại xưa một cách sống động. Mỗi địa điểm lại mang đến một trải nghiệm độc đáo và ấn tượng theo cách riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm bảo tồn di sản từ Kyoto và Nara