Bảo vệ giá trị truyền thống: Bài học từ nước Nga

Đình An| 21/05/2020 09:57

(HNMCT) - Nước Nga có hàng trăm dân tộc sống trên lãnh thổ rộng lớn, trong đó, có những dân tộc sinh sống ở vùng sâu vùng xa, khó tiếp cận nên rất ít người biết đến. Tuy nhiên, với chính sách ưu việt của các cấp chính quyền và nỗ lực tự thân, các nhóm dân tộc thiểu số đã bảo vệ rất tốt các giá trị văn hóa truyền thống.

Trang phục của tộc người Komi-Izhem.

Mỗi dân tộc một vẻ đẹp đặc trưng

Nước Nga có tổng số 190 dân tộc, trong đó có 97 dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc có một vẻ đẹp văn hóa độc đáo.

Tại vùng núi Altai có diện tích 16.175km² bao gồm khu vực trung tâm và “dãy núi vàng Altai” - di sản thế giới tự nhiên được UNESCO công nhận, các dân tộc Altai và những người Nga đầu tiên nhập cư vào Altai đã tạo nên các gia đình đa dân tộc. 

Người dân ở Bắc Altai, người Tubalar, Chelkan, Kumandin, Telengit... là người thiểu số bản địa. Các dân tộc bản địa của Altai có nhiều nghề thủ công truyền thống như dệt vải, khắc xương, làm nhạc cụ... đã nỗ lực bảo tồn các nghề truyền thống của vùng Altai. Tộc người Chelkant ở Bắc Altai đến nay vẫn giữ nguyên cách đánh bắt cá bằng dụng cụ thô sơ như hàng ngàn năm trước. 

Những người theo Cựu giáo ở thung lũng Uimon duy trì nghề chăn hươu nai và bảo tồn lối sống truyền thống có từ thế kỷ XVII. Tộc người Chulyshman Telengits ở Nam Altai, hậu duệ của người du mục Scythia và Huns vẫn giữ nếp sống mà tổ tiên tạo dựng. Dân làng Pimchakh ở bán đảo Kamchatka thì thể hiện sự thành kính với thiên nhiên bằng cách cùng nhau nhảy múa quanh đống lửa trong ngày lễ Alahalallai... 

Đáng chú ý là trong khi vẫn giữ được vẻ đẹp văn hóa đặc trưng của mỗi tộc người, cộng đồng các dân tộc ở nước Nga lại cùng nhau lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa Nga nói chung, đó là phong tục đón khách bằng muối và bánh mì, cách nuôi dạy con cháu sớm biết sống tự lập, tục chúc sức khỏe rất đặc biệt là hắt hơi khi đang nói chuyện hoặc vừa ăn tối xong... Đó là cơ sở để cộng đồng các dân tộc Nga đoàn kết, gắn bó với nhau trong liên bang rộng lớn.

Những người dân tộc thiểu số Nga ở khu tự trị Taimyr Dolgano-Nenets.

Kiên trì nguyên tắc đa văn hóa

Các chính sách về quan hệ chủng tộc ở Liên bang Nga đã được xây dựng, bổ sung, phát triển đều phản ánh nguyên tắc đa văn hóa và được thực hiện trên toàn lãnh thổ.

Trong khi kiên trì nguyên tắc đa văn hóa, các cấp chính quyền và ngành văn hóa Nga luôn tìm cách phát huy 5 yếu tố quan trọng là giá trị, ngôn ngữ, thẩm mỹ, tôn giáo và giáo dục. Giá trị là niềm tin và chuẩn mực chung cho một tập thể (dân tộc, cộng đồng), là cơ sở cho thái độ (đánh giá, cảm nhận, phản ứng) trước sự vật, hiện tượng. Ngôn ngữ mỗi tộc người là phương tiện truyền thông tin và ý tưởng, giúp con người hình thành cách nhận thức về thế giới và có tác dụng định hình đặc điểm văn hóa của con người.

Các giá trị thẩm mỹ và thị hiếu văn hóa, nghệ thuật của mỗi tộc người được phản ánh qua các hoạt động hội họa, điêu khắc, điện ảnh, văn chương, âm nhạc, kiến trúc... Tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến lối sống, niềm tin, giá trị và thái độ, thói quen làm việc cũng như cách cư xử trong tộc người và giao lưu xã hội. Còn giáo dục là yếu tố quan trọng để giúp con người hiểu văn hóa, những giá trị và chuẩn mực trong tộc người và trong xã hội.

Đa văn hóa là hệ quả tất yếu của toàn cầu hóa. Nước Nga sớm đi tiên phong trong chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Các nhà nghiên cứu Nga chỉ ra rằng, sự tác động lẫn nhau sẽ làm cho văn hóa các dân tộc phát triển. Trong tổng thể thế giới đa văn hóa, cần tôn trọng sự khác biệt đồng thời hướng đến những giá trị mang tính phổ quát.

Ví dụ, khi những người đại biểu của dân tộc Saami dự cuộc họp 26 dân tộc thiểu số ở miền Bắc nước Nga và vùng Viễn Đông, dù có yêu cầu họ mặc quần áo phương Tây, dùng đồ uống đóng chai của các hãng nước ngoài... thì họ vẫn thể hiện mình là người dân tộc thiểu số bản địa Nga. Trong một hệ thống xã hội, đa văn hóa là sự đại diện của những con người ở những nhóm văn hóa khác nhau, bao gồm các chiều chính yếu là sắc tộc, đạo đức, giới tính, tuổi tác..., và chiều thứ yếu là cách giao tiếp, cách làm việc, vai trò trong tổ chức...

Theo Tiến sĩ Vũ Thanh Hương, nguyên cán bộ nghiên cứu của Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Nga, nhiều tập quán nảy sinh không phải do nhu cầu nội tại mà từ ý muốn không phụ thuộc vào một nhóm bên cạnh. Vì thế, để bảo đảm tính đa dạng của văn hóa thì không chỉ xem xét những quan hệ qua lại giữa các nền văn hóa mà phải đặt ra vấn đề bên trong mỗi xã hội, trong các nhóm tạo thành xã hội đó với sự phát triển khác nhau mà mỗi nhóm đó coi là hết sức quan trọng. Nước Nga đã làm rất tốt điều này nhằm bảo vệ những giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số trên lãnh thổ rộng lớn, để lại bài học bổ ích cho nhiều quốc gia khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ giá trị truyền thống: Bài học từ nước Nga