Seoul - hình mẫu về cải tạo không gian đô thị

Quỳnh Dương| 16/02/2020 11:51

(HNNN) - Trong chiến lược phát triển bền vững của mỗi quốc gia, bảo vệ không gian xanh ở các đô thị thường được xem là ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, bởi các khu dân cư hiện đang chịu áp lực lớn từ quá trình đô thị hóa, mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng và xây dựng nhà ở. Đã có nhiều thành phố lớn trên thế giới phát triển thành công mô hình sinh thái đô thị, được xem là hình mẫu nên nhân rộng, trong số đó có thủ đô Seoul của Hàn Quốc.

Một góc con đường trên cao được biến thành công viên tại Seoul.

Hơn 60 năm qua, Hàn Quốc đã phát triển từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá nặng nề thành một cường quốc, nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới. Thủ đô Seoul là minh chứng cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của quốc gia này.

Trước đây, tương tự như các thành phố lớn khác trên thế giới, Seoul từng phải đương đầu với mặt trái của đô thị hóa, bao gồm cả tác động bất lợi đến môi trường. Tuy nhiên, chính quyền và người dân Seoul đã cùng triển khai nhiều biện pháp cải thiện chất lượng cuộc sống, trong đó có việc xanh hóa thành phố. Ngay từ những năm 1970, chính quyền Seoul điều chỉnh quy hoạch để hướng sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng thân thiện với môi trường.

Để ngăn chặn tình trạng quá tải về xây dựng, Seoul được giới hạn mở rộng trong vòng bán kính 15km từ trung tâm và được bao bọc bởi vành đai xanh. Các thành phố vệ tinh đều được phát triển bên ngoài vành đai này để giảm tải mật độ dân số, xây dựng cho thủ đô.

Trong vòng 30 năm, Seoul liên tục thực hiện các dự án cải tạo cấu trúc đô thị, phát triển không gian công cộng và cung cấp cơ sở hạ tầng theo hướng tăng cường cây xanh. Nhiều công viên lớn được xây dựng dọc theo hai bên bờ sông Hàn nhằm sửa chữa những sai lầm trong quy hoạch trước đây - do không có tính toán chiến lược nên mặc nhiên biến sông Hàn thành một trụ cột trong thương mại, vận chuyển, và thậm chí như một ống cống cho chất thải công nghiệp và đô thị. Có thời kỳ cả dòng sông và hai bên bờ trở thành nạn nhân của tình trạng ô nhiễm...

Và rồi, khi con người bừng tỉnh, nhận ra giá trị đích thực của nó thì sông Hàn được coi là báu vật trong lịch sử phát triển của xứ Kim chi, để từ đó triển khai những công cuộc cải tạo quyết liệt, biến nơi này thành viên ngọc sinh thái giữa lòng thủ đô. Tính đến nay, 40km dọc đôi bờ sông Hàn có 12 công viên lớn bao gồm hồ nước, đảo chim, rừng cây cổ thụ, sở thú...

Một dự án cải tạo môi trường giúp gia tăng không gian xanh đáng chú ý khác là phục hồi suối Cheonggyecheon, từng bị lấp đi để xây đường cao tốc vào năm 1968. Tuy nhiên, với sự biến đổi khí hậu, nhiệt độ thủ đô ngày càng nóng lên, người ta đã tiến hành hồi sinh dòng suối vào năm 2003. Mặc dù vướng nhiều chỉ trích, cuối cùng con suối ấy cũng được hoàn thành. Hai bên bờ suối là không gian xanh tươi mát với những hàng cây trồng thẳng tắp, tạo nên cảnh quan vô cùng thanh bình giữa thủ đô Seoul sôi động.

Tận dụng mọi không gian để trồng cây, chính quyền Seoul cũng đã biến một cây cầu vượt cũ được xây dựng vào năm 1970 thành một công viên trên cao rất ấn tượng. Công viên có tên Seoullo 7017 với hơn 24.000 cây xanh, có thể cạnh tranh với một công viên trên cao rất nổi tiếng - High Line của thành phố New York (Mỹ). Trong tương lai, khu vực này dự kiến sẽ được xây dựng thành một nơi ươm mầm xanh cho Seoul.

Mặc dù nằm trong danh sách các thành phố hình mẫu về cải tạo không gian xanh, song, đã có lúc Seoul phải trả giá vì những tính toán không kỹ lưỡng trong việc lựa chọn loại cây trồng đô thị. Vào những năm 1980, chính phủ Hàn Quốc và chính quyền thành phố Seoul đã trồng hàng loạt cây bạch quả, một loại cây có tuổi thọ lên đến hàng nghìn năm. Với người Hàn Quốc, cây bạch quả còn tượng trưng cho Nho giáo, nên càng được trồng nhiều hơn. Tuy nhiên, các nhà quản lý lại quên không tính đến việc quả của những cây bạch quả cái khi rụng xuống có mùi rất khủng khiếp, khiến người dân không thể chịu nổi và bắt đầu kiến nghị chặt bỏ hết loại cây này. Vậy là các nhà khoa học Hàn Quốc phải đầu tư trí tuệ cùng một đống tiền để thay thế cây bạch quả cái.

Đáng chú ý là đến thời điểm này, dù được đánh giá là một thành phố thành công về xây dựng không gian xanh, các dự án trồng cây ở Seoul vẫn chưa dừng lại. Từ năm 2014 đến nay, chính quyền và người dân đã trồng được 15 triệu cây xanh. Dự kiến đến năm 2022, 15 triệu cây xanh nữa sẽ được trồng cùng với việc mở thêm 2 khu rừng lớn ở phía Bắc và Nam thủ đô nhằm giảm khói bụi.

Theo các nhà khoa học Hàn Quốc, lượng cây xanh nói trên có thể tạo ra được lượng oxy đủ cho 21 triệu người trưởng thành mỗi năm. Rõ ràng, từ chỗ phải hứng chịu hậu quả do theo đuổi mục tiêu tăng trưởng “nóng” mà bỏ qua yếu tố môi trường, ngày nay, chính quyền và người dân Seoul hiểu rất rõ ý nghĩa và giá trị của không gian xanh đối với sức khỏe và cuộc sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Seoul - hình mẫu về cải tạo không gian đô thị