Lễ hội truyền thống: “Thỏi nam châm” của ngành Du lịch Thái Lan

Quỳnh Dương| 31/01/2020 12:45

(HNMCT) - Tại châu Á, từ lâu, Thái Lan là điểm đến có sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch. Ngoài những đòn bẩy được xây dựng một cách bài bản như các điểm tham quan hấp dẫn, nền ẩm thực phong phú, đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp, 10 năm gần đây, Thái Lan được đông đảo du khách lựa chọn bởi có các lễ hội độc đáo diễn ra quanh năm.

Lễ hội té nước hay còn gọi là Tết Songkran là một trong những lễ hội đặc sắc nhất đất nước Chùa Vàng.

Ngành Du lịch Thái Lan được chú trọng đầu tư từ những năm 60 của thế kỷ trước. Thủ đô Bangkok dần trở thành đầu mối giao thương quan trọng trên thế giới. Nhận thấy tiềm năng to lớn từ du lịch, cả nước Thái Lan đồng lòng đưa ngành này trở thành một thế mạnh phát triển quốc gia. Sự đồng bộ trong ngành Du lịch như hiện nay được xây dựng nhờ quyết định sáng suốt của Chính phủ khi thành lập Tổng cục Du lịch Thái Lan vào năm 1979. Cơ quan chuyên trách này đã tạo những bước đột phá để đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn hàng đầu. Để tạo đột phá, Tổng cục Du lịch Thái Lan thực hiện khẩu hiệu “Amazing Thailand” xuyên suốt nhiều năm với những chiến dịch quảng bá hình ảnh đất nước vô cùng độc đáo, đậm chất Thái.

Để đón đầu xu hướng thế giới, những năm gần đây, Thái Lan ưu tiên tập trung phát triển du lịch văn hóa, giúp du khách có những khám phá, trải nghiệm về phong tục, tập quán, tôn giáo tại nhiều địa phương. Từ việc trùng tu, bảo tồn di tích văn hóa, lịch sử tới việc khuyến khích giữ gìn trang phục, điệu nhảy, nghi lễ truyền thống đều được người Thái chú trọng. Bạn có thể bắt gặp hình ảnh những thiếu nữ Thái duyên dáng trong trang phục cổ truyền, cầm sẵn những chiếc dây nơ hồng tết hoa, mỉm cười quàng vào cổ du khách rồi chắp tay cúi chào. Đó là hình ảnh đẹp khiến du khách ưu ái dành tặng Thái Lan cái tên “xứ sở của những nụ cười”.

Trong chính sách bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, có thể thấy người Thái rất quan tâm tới việc giữ gìn các lễ hội truyền thống. Năm 2015, Bộ Văn hóa Thái Lan đã đưa 32 di sản văn hóa phi vật thể vào danh sách tài sản văn hóa quốc gia, được chia làm các thể loại, gồm: Nghệ thuật trình diễn, nghề thủ công truyền thống, văn học dân gian, trò chơi, võ thuật và thể thao dân gian, nghi lễ và các hội hè như Lễ hội Songkran, Lễ hội Lâu đài Sáp. Và thực tế đã cho thấy, với sự quan tâm đúng mức, những lễ hội này đã trở thành “thỏi nam châm” hút khách du lịch.

Theo thống kê năm 2019, có khoảng 2,3 triệu khách du lịch đã tham gia Lễ hội té nước Tết cổ truyền Thái Lan. Doanh thu từ du lịch và các dịch vụ liên quan trong lễ hội kéo dài 3 ngày này là hơn 660 triệu USD. Lễ hội té nước đánh dấu thời điểm chuyển giao trong năm nên được lấy tên là Songkran - nghĩa là “sự chuyển giao chiêm tinh” trong tiếng Thái. Đây là Tết cổ truyền của người Thái theo lịch của Phật giáo. Giống với khoảng thời gian chuẩn bị đón Tết Nguyên đán của người Việt Nam, để chào mừng Songkran, người dân Thái Lan cũng dọn dẹp nhà cửa, thu dọn đồ đạc, lau chùi sạch sẽ ban thờ Phật. Đây cũng là lúc để các gia đình đoàn tụ.

Theo truyền thống, ngày đầu tiên của lễ hội, những người trẻ sẽ dùng nước thơm để rửa tay cho người già, mong được tha thứ mọi tội lỗi trong năm và xin ban phước cho năm mới. Ngày thứ hai, cả gia đình cùng dâng cúng đồ lễ, vật phẩm đến nhà sư và các ngôi chùa, sau đó, nhà sư dùng nước tưới lên người để làm lễ gột rửa bụi trần. Trong lễ hội, mọi người dùng súng nước bắn vào bất kỳ ai đang lưu thông trên đường, đúng như tên gọi “Lễ hội té nước”. Chính vì sự độc đáo này nên nhiều du khách không ngại cảnh bị ướt từ đầu tới chân, nhiệt tình hòa vào đám đông vui nhộn.

Lễ hội Lâu đài Sáp diễn ra vào tháng 10 là một trong những sự kiện thu hút lượng lớn khách du lịch tới tỉnh Sakon Nakhon. Lễ hội kéo dài 6 ngày này được tổ chức hằng năm để đánh dấu sự kết thúc của mùa chay Phật giáo, hay Lễ hội Ok Phansa - một trong những lễ hội thường niên quan trọng nhất của các Phật tử.

Các nghi lễ tôn giáo, sự kiện vui chơi được tổ chức tại Suan Ming Mueang, Suan Somdej Phra Srinagarindra và ngôi chùa nổi tiếng Wat Phra That Choeng Chum Worawihan. Trong lễ hội, nhiều xe chở theo các lâu đài được làm tỉ mỉ bằng sáp, trang trí lộng lẫy bằng đèn màu từ hàng tháng trước diễu hành qua các con đường chính của thành phố. Hàng trăm diễn viên đủ lứa tuổi thuộc tất cả các dân tộc tại tỉnh Sakon Nakhon trong trang phục truyền thống tái hiện cuộc sống sản xuất nông nghiệp với các hoạt cảnh cày cấy, săn bắt...

Trước đây, các tòa tháp được làm bằng sáp ong chỉ đúc các loại hoa, nhưng ngày nay người dân có thể đúc đủ loại lâu đài lớn nhỏ bằng các loại sáp khác nhau, sau đó tặng lại cho các đền, chùa. Họ coi đó là việc làm công đức thể hiện lòng sùng kính Phật giáo.

Kết quả một dự án nghiên cứu về phát triển du lịch trước đây tại Thái Lan cho thấy, lễ hội truyền thống ở các địa phương có thể được sử dụng như một mắt xích quan trọng kết nối các tuyến du lịch văn hóa. Các nhà nghiên cứu đã lấy khu vực hai bên bờ sông Mê Kông làm thí điểm để triển khai chương trình du lịch từ 1 đến 5 ngày. Những lợi ích kinh tế thu được từ du khách đã giúp người dân nhận ra sự cần thiết phải bảo tồn văn hóa. Và trong mỗi tour văn hóa, lễ hội truyền thống được xem là điểm nhấn để tăng sức hấp dẫn đối với du khách. Một khi các phong tục tập quán truyền thống được gìn giữ, số lượng khách du lịch đến thăm sẽ tăng lên. Đây được xem như mối quan hệ nhân quả được Thái Lan áp dụng mở rộng cho nhiều địa phương khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội truyền thống: “Thỏi nam châm” của ngành Du lịch Thái Lan