Trung tâm công nghệ và thương mại mọc lên từ… rác

Thu Hằng| 07/01/2020 12:00

(NSHN) - Odaiba là hòn đảo nhân tạo được xây dựng ở Vịnh Tokyo. Đây chính là biểu tượng về trí tuệ và tầm nhìn cũng như thái độ sống của người Tokyo nói riêng, người Nhật Bản nói chung.

Giữa thế kỷ XIX, với mục đích phòng thủ, người Nhật đã xây dựng 6 pháo đài nhỏ trên một hòn đảo nhân tạo có tên là Odaiba. Về sau, đảo dần mở rộng. Hiện nay, Odaiba trở thành trung tâm mua sắm, du lịch sầm uất, một liên hợp công viên giải trí, công viên nước và công viên cây xanh ngút tầm mắt, những khu căn hộ cao cấp với tầm nhìn khắp Vịnh Tokyo. Một vài công ty lớn trong đó có Fuji Television đã chuyển trụ sở tới đảo. Còn Trung tâm hội nghị Tokyo Big Sight trên đảo trở thành cái tên nổi bật cho các triển lãm quốc tế…

Từ Tokyo đến đảo Odaiba có nhiều phương tiện khác nhau như đường sắt vượt eo biển, cầu treo Cầu Vồng hay hầm đường bộ và nhiều cây cầu lớn nhỏ khác...

Khó có thể tưởng tượng một khu đô thị có giá trị bất động sản không kém bất cứ khu trung tâm nào của thủ đô Tokyo lại được xây trên nền rác thải.

Từ những năm 60 của thế kỷ trước, Tokyo đã là một đại đô thị đông đúc. Dân số nơi đây chiếm 1/3 dân số toàn Nhật Bản. Tỷ lệ đó gần như giữ nguyên cho tới ngày nay. Dân số đông cộng với sức ép phát triển khiến Tokyo phải đối mặt với vấn nạn rác thải khổng lồ. Ngay từ khi ấy, chính quyền Tokyo đã xác định phải tìm ra một hệ thống các giải pháp mang tính ổn định, bền vững, đảm bảo sự phát triển của đô thị không tỷ lệ nghịch với ô nhiễm môi trường.

Tokyo đã không tiếc tiền cho các đề tài nghiên cứu và ứng dụng để giải quyết triệt để vấn đề rác thải công nghiệp và sinh hoạt. Trong số các sáng kiến được đề xuất và thực hiện, giải pháp xử lý rác trở thành vật liệu xây dựng, vật liệu lấp biển, mở rộng đô thị là một mũi tên trúng nhiều đích. Trong nhiều năm, nhiều nhà khoa học đa ngành đã cùng làm việc để cuối cùng đưa ra những phương pháp tối ưu trong hướng đi này.

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Thị trưởng Tokyo Shunichi Suzuki đã hiện thực hóa bằng việc chi 1.000 tỷ yên với mục tiêu biến khu vực 6 pháo đài nhỏ bé năm xưa trở thành Odaiba ngày nay.

Người Nhật không ép rác thành bánh, rồi đẩy xuống biển để lấn biển. Họ làm rất bài bản, khoa học và đảm bảo sự bền vững như kết cấu nền đảo tự nhiên. Trước tiên, đáy biển phải được nghiên cứu kỹ về địa chất, dòng chảy, nước ngầm... Chỉ riêng về nước ngầm cũng đã có nhiều chuyện đáng nói, như dòng suối nước nóng nhân tạo Monogatari được lấy lên từ độ sâu 1.400m ở trung tâm Odaiba. Để lấy được nguồn nước thiên nhiên này họ đã lắp đặt trước hệ thống ống dẫn từ mạch nước lên mặt biển trước khi san lấp tạo mặt bằng.

Nguồn nước này giờ đây tạo nên một hệ thống nhà tắm nước nóng kiểu Nhật (onsen) có thu phí. Phần nước nóng dư thừa được làm thành một dòng suối nhân tạo để người dân ngâm chân miễn phí, trẻ nhỏ chơi đùa nghịch ngợm. Cái gì cũng nghĩ đến tận cùng và làm tối đa tất cả vì lợi ích chung, đó là cách nghĩ và cách làm của người Nhật.

Sau khi nghiên cứu và lên phương án triển khai, người Nhật thực hiện từng bước, từ xử lý nền đáy, đổ các khối bêtông ba chạc nặng 20-40 tấn mỗi miếng, rồi đổ những kiện rác bằng vỏ lon kim loại, vỏ chai nhựa đã được rửa sạch ép thành khối nặng hàng chục tấn, và đổ đá, lấp đất. Có những chỗ phải khoan nhồi để chống sụt lún, trôi trượt.

Ngay cả trên bề mặt đảo, sau khi đã nổi lên khỏi mặt nước cũng được xử lý rất khoa học, đảm bảo đất không bị sụt lún do nước biển, động đất hay do xây dựng. Khu vực rìa đảo được tạo nền, đổ cát tạo thành những bãi biển nhân tạo đẹp đẽ, an toàn. Những khu vực mới mở rộng chưa trong quy hoạch phát triển đô thị thì họ để trồng rừng.

Giờ đây, một cánh rừng có tên gọi Sea Forest mọc lên tươi tốt trên các đảo rác nhân tạo ở Vịnh Tokyo. Kiến trúc sư Tadao Ando, người thiết kế dự án Sea Forest, cho biết, khu rừng này có tác dụng như một “máy điều hòa nhiệt độ thiên nhiên” khổng lồ, làm mát làn không khí biển thổi vào đô thị Tokyo.

Một kênh biển chạy xuyên qua Sea Forest sẽ là nơi thi đấu môn chèo thuyền của Thế vận hội Tokyo 2020 sắp tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trung tâm công nghệ và thương mại mọc lên từ… rác