Bài học từ thành công của Singapore

Quỳnh Dương| 26/12/2019 10:31

(HNMCT) - Trong cơn sốt phát triển kinh tế và đô thị hóa, nhiều nước ở khu vực châu Á đang tỏ ra lúng túng trước “phép toán” cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch. Cũng từng có bước đi chưa phù hợp với di sản, song hiện tại, Singapore là một đại diện cho sự thành công của cách tiếp cận bảo tồn mang tính thỏa hiệp, thực dụng, khôn ngoan và hiệu quả.

Khách sạn Fullerton ở trung tâm thành phố, thời thuộc địa là tòa Bưu điện khi được cải tạo vẫn giữ nguyên vẻ bề ngoài nhưng bên trong được làm mới cực kỳ hiện đại và sang trọng.

Nhìn lại quá trình bảo tồn và trùng tu di sản ở Singapore, người ta phân ra làm 3 giai đoạn. Giai đoạn một là thời kỳ hậu Chiến tranh thế giới lần thứ II (sau 1945). Do thiếu các sáng kiến của chính quyền, sở hữu đất đai manh mún và kiểm soát đất đai chặt chẽ đã dẫn tới tình trạng các công trình và nhà cửa cũ nát xập xệ. Do đó, việc bảo tồn di sản gần như là con số không.

Sau khi Singapore tuyên bố độc lập vào năm 1965, chính phủ chủ trương tăng tốc đô thị hóa và hiện đại hóa thành phố. Với việc ưu tiên xóa bỏ các khu nhà cũ, người ta đã tiến hành phá bỏ, không quan tâm đến phần lớn các công trình cổ. Kết quả là Singapore có lúc bị đánh giá như một thành phố hiện đại nhưng vô hồn. Người ta bắt đầu luyến tiếc, giá như không vội vã hủy hoại những khu phố cổ sinh động của người Hoa, di dân Ấn, cư dân Mã Lai... thì Singapore có lẽ đã trở thành một “giao lộ” đa văn hóa tiêu biểu nhất châu Á.

Để khắc phục những sai lầm trước đó, từ những năm 1980, thế giới đã chứng kiến sự chuyển biến mạnh mẽ của Singapore từ quan điểm phát triển sang bảo tồn. Sự mai một bản sắc văn hóa địa phương và xã hội được thay thế bằng làn sóng tìm lại cội nguồn. Du lịch được tái khởi động và xúc tiến với mục tiêu phục vụ nền kinh tế. Vì vậy, bảo tồn các địa điểm văn hóa lịch sử trở nên cần thiết để làm giàu bản sắc cho thành phố.

Tuy nhiên, giai đoạn bước ngoặt thực sự bắt đầu từ năm 1990. Do chính sách mềm dẻo và thỏa hiệp giữa các nhóm lợi ích, huy động được nguồn tài chính tốt từ khối tư nhân, chính phủ Singapore đã có thể thúc đẩy mạnh mẽ việc bảo tồn và tôn tạo một cách hợp lý, từ đó đảm bảo tính bền vững về kinh tế cho di sản trong khi tính bền vững văn hóa vẫn được đảm bảo. Đánh giá về thành công trong chính sách bảo tồn của đảo quốc Sư tử, các chuyên gia đã rút ra một lộ trình để nhiều quốc gia đang phát triển khác có thể học hỏi. Đầu tiên là việc triển khai các dự án thí điểm trên chính các công trình của nhà nước nhằm chứng minh cam kết của chính phủ trong công cuộc bảo tồn cũng như sức sống kinh tế của di sản, tăng cường niềm tin và sự tự tin, đồng thời làm mẫu cách tiếp cận, phương pháp và kỹ thuật bảo tồn chuẩn mực.

Sau đó, khi triển khai sang khu vực tư nhân, các nhà làm chính sách đã tiếp cận dưới dạng cơ hội đầu tư. Tức là, trao các công trình bảo tồn cho khu vực tư nhân để trùng tu thông qua các chính sách miễn thuế. Ngoài ra, hằng năm, Singapore cũng tổ chức Giải thưởng Kiến trúc di sản nhằm vinh danh nỗ lực bảo tồn của các chủ sở hữu, các chuyên gia và nhà thầu của các công trình bảo tồn trùng tu xuất sắc. Công chúng sẽ biết đến các nỗ lực này thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Để nâng cao nhận thức và hiểu biết chung của cộng đồng, từ năm 2001, Singapore thường xuyên tiến hành trưng cầu dân ý, tiếp thu góp ý, đề xuất các công trình cần bảo tồn.

Singapore đã giải “bài toán” bảo tồn và phát triển bằng cách giảm tối đa tổn thất kinh tế của chủ công trình và khuyến khích thành phần tư nhân tham gia gìn giữ, phát huy giá trị di sản. Các khu vực bảo tồn cũng được phân cấp và có quy định cụ thể. Đối với vùng lõi của thành phố, toàn bộ công trình phải được bảo tồn và trùng tu một cách nghiêm ngặt. Người dân có thể cơi nới không gian sinh hoạt hoặc xây thêm các khối phía sau nhưng độ cao phải thấp hơn nhà mặt tiền để không nhìn thấy từ dưới đường phố.

Đối với khu vực nằm sát với vùng đô thị mới, chủ sở hữu có thể chọn bảo tồn toàn bộ công trình hoặc xây thêm khu phía sau theo chiều cao tối đa cho phép của chính quyền. Trong khu vực có nhiều công trình di sản cùng công trình mới xây dựng tạo thành quần thể, những nhà xây mới cũng phải tuân thủ theo phong cách chung để không tạo ra sự lạc lõng dẫn tới phá vỡ cảnh quan.

Theo kiến trúc sư Larry NG Lye Hock, Giám đốc nhóm Thiết kế kiến trúc và đô thị thuộc Bộ Phát triển quốc gia, vì Singapore có diện tích khá nhỏ nên phải đặt ra ưu tiên cho các tòa nhà cần bảo tồn. Việc bảo tồn di sản tại Singapore được làm theo kế hoạch chi tiết và đồng bộ, mỗi năm đều có thống kê, đánh giá và tôn vinh. Do đó, trùng tu và bảo tồn đã trở thành mối quan tâm của tất cả những ai sinh sống và làm việc tại quốc đảo Sư tử.

Các nhà quy hoạch cho rằng, cách bảo tồn tôn tạo của Singapore thu được những kết quả tốt đẹp vì đã dung hòa được mâu thuẫn giữa các nhóm hộ bảo tồn văn hóa và nhóm nhà đầu tư để cùng phát triển. Thường thì chỉ vỏ ngoài của các công trình di sản được giữ lại và trùng tu nghiêm ngặt, bảo trì bề ngoài theo định kỳ, còn phần nội thất bên trong thì có thể cho phép cải tạo một phần hoặc toàn phần tùy theo công năng sử dụng mới mà nhà đầu tư mong muốn. Công trình khách sạn Fullerton ở vị trí trung tâm bậc nhất Singapore ngay đối diện Công viên Merlion Park (thời thuộc địa là tòa Bưu điện) là một thí dụ như vậy. Cách tiếp cận giữ “vỏ” - làm mới “ruột” này cũng khá giống với cách bảo tồn ở nhiều khu vực của các thành phố ở châu Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học từ thành công của Singapore