Cách thu gom, phân loại rác thải khoa học ở Tokyo

Thu Hằng| 31/10/2019 15:32

(NSHN) - Là thành phố đứng đầu thế giới trong lĩnh vực xử lý rác thải, câu chuyện thành công của hệ thống quản lý rác thải ở Tokyo (Nhật Bản) bắt đầu với việc thu gom rác từ các hộ gia đình...

Tokyo là một siêu đô thị với dân số nội đô khoảng 20 triệu, dân số toàn vùng Tokyo - tính cả các địa phương lân cận ngoại ô như Saitama, Yokohama, Kawasaki - thì lên đến 38 triệu người và tạo ra khoảng 12 triệu tấn rác thải/năm.

Dân số đông, áp lực đô thị lớn nhưng để có một Thủ đô Tokyo xanh, sạch đẹp như ngày nay, ngoài các giải pháp khoa học và công nghệ xử lý rác, những dự án quy hoạch và tái chế rác nghiêm ngặt, còn dựa trên một yếu tố quyết định, đó là ý thức người dân trong việc vứt rác cũng như bảo vệ môi trường.

Trước đây, người dân Tokyo xử lý rác đô thị bằng cách đốt trong các lò đốt công nghiệp. Tuy nhiên, là một nước nghèo tài nguyên, việc đốt rác thải là một giải pháp gây lãng phí, đồng thời lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường. Do vậy, việc tái chế rác thải thành năng lượng được coi là giải pháp thân thiện với môi trường và bền vững nhất ở Tokyo.

Để có thể tái chế rác thải thành năng lượng, việc thu gom và phân loại rác thải tại nguồn ở Tokyo được thực hiện rất khoa học.

Trên đường phố đều có các bảng dựng ven đường ghi chi tiết kế hoạch thu gom rác hàng tuần cũng như các biểu tượng nhiều màu sắc để minh họa cho các quy định phải thực hiện trong vấn đề rác thải.

Thành phố cũng phát hành các cuốn cẩm nang hướng dẫn cách vứt rác. Theo đó, các hộ gia đình và các công ty được yêu cầu phải phân loại rác theo nhiều nhóm khác nhau. Tất cả các nhóm rác này được thu gom theo lịch trình cụ thể và được vận chuyển đến những nơi khác nhau. 

Chẳng hạn, theo quy định hiện hành, đối với rác thải sinh hoạt, trước khi vứt rác, người dân phải phân loại rác thành 5 loại: Rác đốt được (như thực phẩm thừa, quần áo, giày dép, các sản phẩm làm từ nhựa không thể tái chế như đĩa CD); rác không đốt được (như các đồ làm bằng thủy tinh, đồ điện gia dụng có kích thước nhỏ như bàn là, máy sấy), rác có thể tái chế (như bình nhựa PET, vỏ hộp); rác có kích thước lớn (như bàn ghế, giường tủ, chăn đệm) và rác điện gia dụng (như tivi, tủ lạnh, máy giặt).

Mỗi loại rác có thời gian và cách thức thu gom riêng. Sau khi phân loại, rác sẽ được tập kết tại một điểm quy định trong khu dân cư và sau đó được chuyển tới các trung tâm liên quan để xử lý. Chung cư nào càng phân chia thật tỉ mỉ các loại rác thì tiền phí bỏ rác càng rẻ. Bởi vậy, có chung cư phân loại rác vô cơ thành 12 loại và một thùng rác hữu cơ (rau, củ, phụ phẩm thực phẩm…).

12 loại rác vô cơ được phân ra từng thùng (không có nắp đậy) với ghi chú và nhãn dán ở bên ngoài, gồm có: Rác cháy được (giấy lẻ, vụn, túi giấy, vải, vỏ hộp bánh kẹo); rác nhựa (đồ chơi trẻ em, túi nylon, nắp chai nhựa,..); vỏ chai nhựa (đã bỏ nắp); chai thủy tinh (đã bỏ nắp nhựa hoặc kim loại); vỏ hộp kim loại; thủy tinh (gốm, sứ, thủy tinh vỡ); giấy báo (sách, vở nguyên quyển buộc thành bó); bìa hộp carton (đã gỡ thành miếng); rác nguy hiểm (pin, kim khâu, kim tiêm, móc câu); rác kim loại (mắc áo, kìm, tuốc-nơ-vít); đồ điện, điện tử (máy sấy tóc, quạt điện, đồ chơi điện tử, điện thoại di động)...

Mỗi công ty thu gom rác sẽ thu gom đúng loại họ cần và họ mất ít thời gian, công sức để phân loại và sơ chế. Chẳng hạn công ty chuyên gom lọ thủy tinh để tái chế, nếu chai thủy tinh vẫn còn nắp nhựa hoặc bộ phận nhựa chống chảy tràn nằm trong cổ chai họ sẽ mất công gỡ bỏ. Nếu để riêng chai thủy tinh màu trắng và các chai thủy tinh màu sẽ thuận lợi hơn cho người thu gom và sơ chế nguyên liệu trước khi tái chế...

Tại Nhật Bản, khi bỏ rác có kích thước lớn (trên 30cm) và đồ điện gia dụng thì phải trả phí bằng cách mua tem bỏ rác để dán lên từng cái. Nhiều tem, ít tem phụ thuộc kích cỡ, trọng lượng, chất liệu của món đồ muốn vứt. Tem này bán tại mọi cửa hàng tiện lợi (combini) như Seven Eleven, Family Mart, LawSon, Cricle K, Sunkus, Daily Yamazaki… mở cửa 24/24 ở khắp nơi trên đất nước  Nhật Bản. 

Thành phố Tokyo cũng thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan miễn phí cho học sinh đến các nhà máy xử lý rác để các em thấy được sự vất vả của công nhân, qua đó hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách thu gom, phân loại rác thải khoa học ở Tokyo