Biến “đảo quốc nhàm chán” thành “thiên đường du lịch”

Quỳnh Dương| 03/10/2019 10:48

(HNMCT) - Là một quốc đảo nhỏ, tài nguyên hạn chế với lượng khách du lịch rất khiêm tốn vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, tuy nhiên, Singapore đã tiến hành một cuộc cách mạng thực sự để cải thiện chất lượng điểm đến, biến đất nước này từ “đảo quốc nhàm chán” trở thành một trong những “thiên đường du lịch” ở Đông Nam Á.

Tương tự như nhiều quốc gia khác, thời kỳ mới độc lập năm 1965, Singapore phải vật lộn với rất nhiều khó khăn để gây dựng kinh tế. Sau rất nhiều nỗ lực cùng chính sách đúng đắn của Thủ tướng Lý Quang Diệu trong hơn 2 thập kỷ, đất nước có diện tích chỉ khoảng 710km2 đã chuyển mình thành trung tâm tài chính hàng đầu khu vực, những tòa nhà chọc trời mọc lên san sát. Xét về khía cạnh kinh tế, đây là một quốc gia tuyệt vời đối với những lao động phương Tây ở châu Á: Hiện đại, sạch sẽ, an toàn, tiếng Anh được sử dụng rộng rãi, thu nhập cao.

Tuy nhiên, với giới du lịch, Singapore là một nước “công nghiệp” đến mức nhàm chán. Đa phần người Sing chỉ biết hì hục “cày cuốc” để chờ ngày qua Thái Lan nghỉ dưỡng: “Bạn có thể đến Singapore để kiếm tiền, nhưng không ai muốn đến Singapore du lịch cả”.

Để đảo ngược những định kiến mà khách du lịch vẫn gán cho đất nước mình, quốc đảo Sư tử đã triển khai nhiều chiến lược phát triển du lịch. Không có kỳ quan thiên nhiên và di tích lịch sử hoành tráng, Singapore lên kế hoạch xây dựng một “nền công nghiệp” du lịch chuyên nghiệp phát huy triệt để tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý và nguồn lực con người. Dù diện tích rất khiêm tốn, song Singapore đã chứng minh với thế giới rằng, không phải cứ rộng là tốt.

Một trong những cột mốc thường được nhắc tới và xem như đòn bẩy cho sự phát triển du lịch của Singapore là quyết định mở rộng sân bay Changi vào năm 1977. Không chỉ khiến quốc đảo nhỏ bé này trở thành một điểm trung chuyển quốc tế nhộn nhịp của hầu hết các quốc gia ở châu Á, Changi còn là tổ hợp vui chơi giải trí khổng lồ, trung tâm trưng bày tác phẩm nghệ thuật và biểu diễn văn hóa có thể làm hài lòng bất cứ du khách nào.

Bên cạnh các dịch vụ đẳng cấp, sân bay Changi còn ghi điểm với khách hàng với ghế chờ lên máy bay sang trọng và thoải mái, hồ bơi và bể sục trên sân thượng, trung tâm nhà ga mô phỏng kiến trúc cổ điển của Singapore, đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên sâu, phục vụ tận tâm, nhiệt tình...

Đặc biệt là khu phức hợp đa chức năng Jewel (bao gồm nhà ga, trung tâm mua sắm, ẩm thực, rạp chiếu phim…) mới đưa vào sử dụng đầu năm 2019 với thiết kế kiến trúc hết sức độc đáo, hiện đại kết hợp với hệ thống 2.500 cây xanh và 100.000 bụi cây cùng thác nước trong nhà cao nhất thế giới đã biến nơi đây thành một khu rừng rậm nhiệt đới với thảm thực vật phong phú, cảnh đẹp mê hoặc.

Chính vì vậy, Changi đã 7 lần được Tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không Skytrax bình chọn là “Sân bay tốt nhất thế giới”. Từ chỗ chỉ có 12 triệu lượt khách vào năm 1982, đến năm 2018 số hành khách đến Changi đã lên tới 65,6 triệu lượt.

Với Kế hoạch phát triển du lịch (năm 1986), Singapore chủ trương bảo tồn và khôi phục các khu lịch sử văn hóa như khu phố của người Hoa, Tanjong Tagar, Little India, Kampong Glam và thông qua những chính sách pháp luật về bảo tồn di sản. Ở khu vực có niên đại lâu đời nhất, các công trình được bảo tồn toàn bộ và trùng tu.

Đặc biệt, chính phủ nước này nhấn mạnh quan điểm “sửa cũ như cũ”, tức là giữ lại tối đa những kiến trúc của các căn nhà, dãy phố trong phố cổ, cẩn trọng và tinh tế trong từng khâu cải tạo, phục dựng. Để cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, Singapore đã áp dụng cách trùng tu giảm tối đa các thiệt thòi, tổn thất của chủ công trình, bên cạnh đó khuyến khích thành phần tư nhân tham gia bảo tồn cùng chính phủ. Đặc biệt nhấn mạnh vào việc bảo vệ thành phố cổ phải được kết hợp với bảo vệ môi trường.

Trong Kế hoạch phát triển chiến lược (năm 1993), Singapore tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới như du thuyền, du lịch chữa bệnh, du lịch giáo dục, du lịch trăng mật; phát triển các thị trường du lịch mới; tổ chức các lễ hội lớn mang tầm cỡ quốc tế; tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch; trao các giải thưởng về du lịch; giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về du lịch...

Thời gian này cũng là lúc Singapore lên ý tưởng xây dựng những công viên độc đáo, vừa mang lại không khí trong lành cho thành phố, vừa là nơi nghỉ mát của người dân, đồng thời là một điểm thu hút du khách quốc tế.

Để tận dụng diện tích quý báu của mình, Singapore còn tung ra chương trình Night Safari - vườn thú mở cửa cho du khách thăm quan vào ban đêm. Nổi tiếng không kém là Công viên giải trí Universal, nơi Singapore đem các công trình lừng danh trên thế giới về làm công cụ "kiếm tiền" cho quốc gia. Để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch, Singapore quy hoạch cả một Orchard Road với vô số các thương hiệu nổi tiếng trên khắp thế giới, từ Uniqlo đến trang sức xa xỉ Cartier, tất cả đều nằm trên một đại lộ thẳng tắp.

Du lịch Singapore không thể không kể đến nền ẩm thực phong phú, là sự hòa quyện giữa các nền văn hóa Trung Quốc, Mã Lai và Ấn Độ. Khách hàng có rất nhiều sự lựa chọn từ ẩm thực đường phố chuẩn "sao Michelin" đến những bữa ăn xa xỉ trong các nhà hàng đứng đầu thế giới. Và dĩ nhiên ở một đất nước luật pháp nghiêm minh như Singapore, việc quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm luôn được đưa lên hàng đầu. Đây cũng là một yếu tố giúp lượng khách du lịch tới quốc gia này ngày càng tăng.

Chiến lược phát triển du lịch năm 2012 của Singapore với chủ đề “Địa giới du lịch 2020” đặt mục tiêu rõ ràng: Đầu tư 300 triệu đô la Singapore để tổ chức các sự kiện du lịch, 340 triệu đô la phát triển sản phẩm du lịch, 265 triệu đô la phát triển nguồn nhân lực du lịch...

Kết quả của chiến lược đó là những công trình nhân tạo như tượng Merlion, vòng quay khổng lồ, cụm nhà hàng Esplanade, Marina Bay Sands, Garden by the bay... đưa Singapore trở thành trung tâm du lịch giải trí hàng đầu châu lục và thế giới.

Ông Chang Chee Pey, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore cho biết: “Một trong những yếu tố giúp Singapore thu hút khách quốc tế là tạo điểm nhấn, làm nên nét riêng biệt tại những khu trọng điểm du lịch. Ví dụ như trước đây, khi xây dựng các kế hoạch phát triển du lịch, các nhà hoạch định chính sách nhận thấy Singapore chỉ có duy nhất thế mạnh về biển.

Vì vậy, từ những năm 1970, chính phủ Singapore đã đưa chủ trương kiến tạo vùng nước ở vịnh Marina và biến nơi đây thành khu vực trung tâm du lịch. Việc phát triển được chia thành nhiều giai đoạn và hiện vẫn triển khai. Đến nay, Marina đã trở thành một trong những biểu tượng du lịch Singapore hiện đại, năng động.

Vượt qua mọi định kiến, năm 2018, Singapore đón hơn 18,5 triệu lượt khách quốc tế, gấp hơn 3 lần dân số trong nước và đóng góp tới 17,7 tỷ USD cho nền kinh tế. Hơn thế, quốc đảo nhỏ bé này đã trở thành một hình mẫu cho những thành quả có thể gặt hái được từ bàn tay và khối óc của con người.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Biến “đảo quốc nhàm chán” thành “thiên đường du lịch”