Olympic Tokyo 2020 - Cơ hội chia sẻ giá trị bền vững của Nhật Bản với thế giới

Thu Hằng| 30/07/2019 14:45

(NSHN) - Thủ đô Tokyo của Nhật Bản sẽ là thành phố đầu tiên của châu Á hai lần đăng cai Thế vận hội.

Olympic Tokyo 2020 sẽ khởi tranh từ ngày 24-7 đến 9-8-2020 với số môn thể thao thi đấu kỷ lục (33 môn) và 339 sự kiện. Đây là lần thứ hai Tokyo đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Trước đó, thủ đô của Nhật Bản từng là chủ nhà của Olympic 1964.

Tokyo về đêm

Còn gần một năm nữa mới đến lễ khai mạc ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh nhưng Nhật Bản đã cho thế giới thấy rõ quyết tâm của mình về một Thế vận hội được tổ chức hiện đại nhất trong lịch sử. Tokyo còn hứa hẹn đây sẽ là một kỳ Thế vận hội “an toàn và hòa bình”, là “cơ hội lý tưởng để chia sẻ giá trị bền vững của người Nhật với thế giới”.

Ban tổ chức Thế vận hội Mùa hè Tokyo 2020 và Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike luôn cam kết tính bền vững và những giải pháp thân thiện với môi trường trong kế hoạch chuẩn bị cho Thế vận hội.

Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike

Là một người ưu tiên năng lượng xanh và môi trường bền vững, khi giữ chức Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản trong giai đoạn 2003-2005, Thị trưởng Tokyo - bà Yuriko Koike, từng khởi xướng ý tưởng để nam giới văn phòng không mặc áo vest trong mùa hè, khuyến khích người dân sử dụng túi vải thay túi ni lông… Lần này, toàn bộ 5.000 bộ huy chương cho các nhà vô địch Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đều được sản xuất từ vật liệu tái chế. 

Huy chương cho các nhà vô địch Olympic và Paralympic Tokyo 2020 được sản xuất từ vật liệu tái chế

Để sản xuất Huy chương Olympic 2020, Nhật Bản đã thu gom gần 80.000 tấn rác thải điện tử sau chiến dịch kéo dài từ tháng 4-2017 đến tháng 3-2019. Xét về góc độ kinh tế, việc tận dụng kim loại trong các thiết bị điện tử bỏ đi để làm huy chương giúp giảm chi phí đăng cai sự kiện. Về góc độ môi trường, Olympic Tokyo 2020 muốn thúc đẩy phát triển bền vững cũng như đề cao thông điệp về chống lãng phí và các hoạt động tái chế, song song với việc truyền cảm hứng lịch sử vào những chiếc huy chương Olympic.

Sân vận động Olympic quốc gia đang được xây dựng tại Shinjuku ở thủ đô Tokyo cũng cam kết dùng vật liệu thân thiện với môi trường. Dự kiến, đến cuối tháng 11-2019, công trình này sẽ hoàn thành.

Sân vận động Olympic quốc gia đang được xây dựng

Bên cạnh việc cố gắng hoàn tất các công trình đang còn ngổn ngang, thủ đô Tokyo cũng nỗ lực xóa đi nỗi lo sợ động đất của hàng chục nghìn vận động viên và hàng triệu du khách khi đến với sự kiện thể thao lớn này.

Theo Japan Times, một trong số những thách thức mà Tokyo đang phải đối mặt là các trận động đất lớn xảy ra thường xuyên. Bởi vậy, hầu hết công trình xây dựng ở Tokyo đều phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chống động đất rất khắt khe và hiện đại của Nhật. Thành phố Tokyo đang chuẩn bị một cuốn cẩm nang bằng nhiều thứ tiếng để hướng dẫn các du khách của Thế vận hội xử lý các tình huống xảy ra tai họa bất ngờ. Nhiều cuộc diễn tập cũng được chuẩn bị để giúp người nước ngoài ý thức được các sự cố có thể xảy ra. 

Hiện nay, với 37 triệu dân, vùng thủ đô Tokyo gồm 23 quận và là đô thị đông dân nhất thế giới. Các chuyên gia lo ngại tình trạng giao thông ở Tokyo sẽ rơi vào khủng hoảng khi Olympic 2020 diễn ra.

Giao thông ở Tokyo 

Để đối phó với tình trạng quá tải tàu điện vào dịp diễn ra Thế vận hội, chính quyền Tokyo đã triển khai nhiều biện pháp.

Tokyo là đô thị đông dân nhất thế giới

Từ năm 2017, Tokyo đã triển khai chiến dịch “Jisa Biz", áp dụng chế độ thời gian làm việc linh hoạt, bao gồm cả việc cho phép nhân viên được làm việc tại nhà nhằm làm giảm tình trạng quá tải trên các chuyến tàu điện ngầm. Đến nay, hơn 800 công ty và văn phòng hành chính đã ủng hộ kế hoạch giờ làm linh hoạt. Một số công ty còn chấp nhận chuyển đổi giờ và nơi làm việc linh hoạt hơn để giảm bớt tình trạng quá tải vào giờ cao điểm. Bên cạnh đó, một chương trình khác mang tên "Telework" khuyến nghị người lao động Nhật Bản làm việc tại nhà trong ít nhất 2 tuần, kể từ ngày 24-7-2020. Các nhà tổ chức hy vọng hơn 600.000 nhân viên thuộc 3.000 công ty sẽ tham gia dự án để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Olympic Tokyo 2020 - Cơ hội chia sẻ giá trị bền vững của Nhật Bản với thế giới