Một thoáng Phnom Penh

Thu Hằng| 21/07/2019 11:35

(NSHN) - Từng được coi là “Paris của phương Đông” thập niên 1920, thủ đô Phnom Penh của Vương quốc Campuchia được xây dựng tại hợp lưu của ba con sông Mekong, Tonle Sap và Bassac.

Thành phố này có nhiều tòa nhà mang ảnh hưởng kiến trúc Pháp cùng nhiều công trình đặc sắc của kiến trúc Khmer. Ngày nay, Phnom Penh là một thành phố ồn ã, sầm uất.

Một căn biệt thự có kiến trúc kiểu Pháp ở Phom Penh

Đến Phnom Penh, bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn kiến trúc bắt mắt; những ngôi chùa, cung điện dát vàng óng ánh. Là điểm hòa trộn cũ - mới đầy sức mê hoặc, thành phố đang phát triển rất nhanh.

Phnom Penh chính thức được chọn làm kinh đô của Campuchia từ thế kỷ XV dưới triều vua Ponhea Yat. Dù vậy, mãi đến năm 1866 triều vua Norodom I, Phnom Penh mới trở thành "doanh sở" dài lâu của Miên triều. Cung điện vua Miên được xây vào thời kỳ này, đánh dấu thời điểm khi ngôi làng nhỏ dần chuyển mình thành chốn đô hội.

Chùa Wat Phnom

Đến Phnom Penh, du khách nên đi thăm chùa Wat Phnom, chùa Tháp. Ngôi chùa này gắn liền với truyền thuyết ly kỳ thành lập Phnom Penh. Đây là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời và linh thiêng nhất trên đất Campuchia. Từ Wat Phnom, bạn có thể nhìn ngắm cả Phnom Penh bởi đây là điểm cao nhất thành phố. 

Chùa được xây dựng từ năm 1373 trên một ngọn đồi, từ lòng thành của một người phụ nữ giàu có tốt bụng. “Bà Penh” (Yea Penh) và ngọn đồi (Phnom). Tên thủ đô Phnom Penh có xuất xứ từ ngôi chùa nổi tiếng này. Chùa cao, rộng và uy nghiêm, cây xanh tốt như rừng.

Hoàng cung

Hoàng cung là một trong những biểu tượng của Hoàng gia Campuchia. Nơi đây là nơi ở và làm việc của đức vua và cũng là nơi cử hành các nghi lễ. 

Ấn tượng nhất khi đến Hoàng cung là tất cả chìm trong một một màu vàng thanh khiết. Rộng đủ cho ta trầm trồ, lộng lẫy đủ khiến lòng ta như thêm giàu có. Cây cỏ được chăm chút, những hoa văn tinh xảo, những đường chạm khắc óng ánh, đầy nét uy quyền và lộng lẫy, vàng son... 

Quảng trường Hoàng gia là một trong những nơi thu hút đông đảo du khách đến chụp ảnh. Nằm gần Hoàng cung, bạn có thể đến thăm nơi này sau khi đã tham quan cung điện. 

Bảo tàng quốc gia Campuchia ở Phom Penh

Bên cạnh những cây hoa đại đặc trưng có hoa thơm mùi hương kín đáo và thanh khiết, ở Phom Penh trồng rất nhiều bằng lăng. Người dân nơi đây kể, vì Hoàng hậu Monique yêu hoa bằng lăng, nên ông hoàng Sihanuok chiều bà, cho trồng rất nhiều bằng lăng trên các phố. Người dân kính trọng và cứ thế, đường phố nơi đây rợp tím những hàng cây cho hoa nhiều hơn lá mỗi độ hè về.

Tượng đài Độc lập và quảng trường nằm ở giao lộ của hai con đường lớn nhất Phnom Penh là Sihanouk và Norodom. Tượng đài được xây từ những năm 1950, có hình dáng stupa truyền thống.

Tượng đài Độc lập có hình dáng stupa truyền thống

Đến Phom Penh, cũng không thể không ghé thăm Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng và Trung tâm diệt chủng Choeung Ek (Cánh đồng chết) ở ngoại ô thành phố, cách Phom Penh 16 km. 

Bảo tàng Diệt chủng TuolSleng, còn gọi là S1, từng là một trường phổ thông bị biến thành nhà tù chính trị và trung tâm tra tấn của chế độ Pol Pot. Với những hàng dây thép gai chằng chịt xung quanh, S1 gợi nhắc hình ảnh đầy ám ảnh của 17.000 tù nhân khi xưa...

Năm 1979, đáp lời kêu gọi khẩn thiết của nhân dân Campuchia, nhân dân và quân đội nhân dân Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang Campuchia và sự ủng hộ của bạn bè trên thế giới đã đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, hồi sinh đất nước Campuchia. 

Đài Tưởng niệm Quân tình nguyện Việt Nam ở quảng trường trung tâm Phnom Penh

Ngày nay, Đài Tưởng niệm Quân tình nguyện Việt Nam ở quảng trường trung tâm thành phố Phnom Penh to đẹp nhắc nhở người dân trân trọng tình hữu nghị, đoàn kết gắn bó keo sơn giữa hai nước. Tượng đài cao lớn vào bậc nhất ở Campuchia, thể hiện hình tượng bộ đội Việt Nam và Campuchia cùng sát vai chiến đấu giải phóng đất nước Chùa Tháp cổ kính và bên cạnh là tượng một phụ nữ trẻ, hai tay nâng một em bé vừa được cứu sống từ cõi chết của bọn diệt chủng Pol Pot. 

Trong bảng lảng hoàng hôn, bên dòng Tonle Sap, những chú chim bồ câu vô tư cứ thong thả, hồn nhiên vui đùa cùng du khách...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một thoáng Phnom Penh