Một biểu tượng văn hóa

Lệ Thủy| 25/04/2019 17:48

(HNMCT) - Xã hội hiện đại và xu hướng toàn cầu hóa tác động mạnh mẽ tới văn hóa truyền thống và ngành thời trang. Và có một thực tế là, trang phục truyền thống của hầu hết các dân tộc trên thế giới đều đứng trước nguy cơ mai một, đang đặt ra nhiều bài toán cho việc gìn giữ, bảo tồn...

(HNMCT) - Xã hội hiện đại và xu hướng toàn cầu hóa tác động mạnh mẽ tới văn hóa truyền thống và ngành thời trang. Và có một thực tế là, trang phục truyền thống của hầu hết các dân tộc trên thế giới đều đứng trước nguy cơ mai một, đang đặt ra nhiều bài toán cho việc gìn giữ, bảo tồn... Để trang phục truyền thống trở thành một biểu tượng văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy chúng, một số quốc gia đã có những cách làm hiệu quả.

Diện Hanbok “sống ảo” trở thành một xu hướng của giới trẻ Hàn Quốc.



Nghệ nhân làm Kimono là "Báu vật sống quốc gia"

Ngày nay hình ảnh những chiếc áo Kimono được thiết kế, trang trí hoa văn cầu kỳ, đi cùng với những nghi lễ nghiêm cẩn đặc trưng cho văn hóa Nhật Bản đã được quảng bá khắp thế giới như một biểu tượng lâu đời của đất nước Mặt trời mọc. Nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng, chính người Nhật cũng đang lo ngại trước sự mai một của trang phục truyền thống này và trong nhiều thập kỷ qua, họ đã phải áp dụng nhiều chính sách để khôi phục lại tình yêu Kimono trong chính người dân Nhật Bản.

Mặc dù xuất hiện rất nhiều trên truyền thông quốc tế, nhưng trên các đường phố của nước Nhật hiện đại, rất hiếm khi người ta bắt gặp hình ảnh của chiếc áo Kimono. Bộ Kimono truyền thống quá cầu kỳ quả thực không còn phù hợp với nhịp sống công nghiệp và gu thời trang sành điệu của giới trẻ Nhật Bản. Hơn nữa, giá thành của một bộ Kimono truyền thống cũng rất đắt khiến người ta không thể mặc chúng trong đời sống hằng ngày. Điều này đã kéo theo sự xuống dốc của nghề may Kimono thủ công truyền thống. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, ngành công nghiệp Kimono hiện đại đạt đỉnh điểm vào năm 1975 với quy mô thị trường 1,8 nghìn tỷ yên (khoảng 17 tỷ USD), đến năm 2008 giảm xuống còn 406 tỷ yên, năm 2016 chỉ còn 278 tỷ yên và tiếp tục giảm sút trong những năm gần đây.

Để chống lại sự mai một này, từ nhiều năm trước, Chính phủ Nhật đã lựa chọn và phong tặng danh hiệu "Báu vật sống quốc gia" cho các nghệ nhân làm Kimono truyền thống. Tuy nhiên, số lượng nghệ nhân được phong tặng hiện còn rất ít, trong khi giới trẻ lại không mấy mặn mà, khiến người ta lo ngại nghề thủ công truyền thống này sẽ không còn nữa. Ngay tại Kyoto, nơi mà nghệ thuật làm Kimono được bảo tồn một cách nghiêm túc bậc nhất thì công việc của các nghệ nhân cũng chỉ còn mang ý nghĩa bảo tồn, họ sống bằng các nguồn tài trợ hoặc biểu diễn kỹ năng để phục vụ khách du lịch hay những người nghiên cứu văn hóa.

Bên cạnh các hoạt động truyền thông, những người yêu Kimono Nhật Bản cũng hy vọng sự phát triển của hoạt động du lịch sẽ kéo theo sự bùng nổ của các cửa hàng cho khách nước ngoài thuê Kimono và thu hút nhiều hơn sự tham gia của giới trẻ vào việc bảo tồn nghề may Kimono truyền thống.

Người Hàn Quốc đưa Hanbok vào đời sống

Khi làn sóng âm nhạc, phim ảnh Hàn lan ra khắp châu Á thì hình ảnh bộ trang phục truyền thống Hanbok của Hàn Quốc cũng theo đó lan xa, trở thành một biểu tượng của văn hóa Hàn. Nhưng không chỉ làm “sống lại” trên phim ảnh, người Hàn Quốc còn rất thành công khi đưa bộ trang phục truyền thống trở lại đời sống hiện đại.

Trong một bài đăng trên trang koreana.or.kr, tác giả Kim Hwa-young, hội viên Viện Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc viết: Hanbok là trang phục truyền thống lâu đời của người Hàn nhưng vào cuối thế kỷ XIX, do sự mở cửa thông thương với bên ngoài nên những trang phục văn hóa ngoại lai dần dà thay thế Hanbok truyền thống. Đến thập niên 1960, vẫn còn rất nhiều người mặc Hanbok đi lại trên các con phố. Nhưng bắt đầu từ những năm 1980, khi việc sản xuất, cung cấp hàng dệt may số lượng lớn cũng như ngành công nghiệp thời trang bắt đầu khởi sắc thì âu phục hay trang phục thường ngày trở thành xu thế chung. Hanbok biến thành trang phục đặc biệt chỉ dành cho các ngày lễ tết lớn như Tết Nguyên đán, Trung thu hay lễ cưới.

Tuy nhiên gần đây Hanbok đã trở lại, vậy điều gì đã khiến Hanbok trở lại thành xu hướng thời trang? Nguyên nhân bắt đầu từ sự kiện “Ngày mặc Hanbok” do Bộ Văn hóa - Du lịch (hiện nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khởi xướng vào năm 1996. Nhưng nguyên nhân mạnh mẽ khiến người dân mặc Hanbok chính là chương trình vào cổng miễn phí ở các di tích. Bắt đầu từ tháng 10 năm 2013, Cục Di sản văn hóa cho phép người dân mặc Hanbok được miễn vé vào cổng ở bốn cố cung, Tông miếu và Lăng mộ các vua thời Joseon. Chương trình mở cửa ban đêm ở cung Gyeongbok, cung Changgyeong của Cục Di sản văn hóa đã trở thành "ngòi nổ" cho sự trở lại của Hanbok.

Nhằm hạn chế số khách tham quan, Cục Di sản văn hóa áp dụng chế độ đặt mua trước vé vào cổng nhưng vẫn xảy ra việc tranh giành. Tuy nhiên, vì được miễn phí vé vào cổng và vừa có thể tránh được sự phức tạp khi mặc Hanbok nên người dân chuộng mặc trang phục truyền thống này khi vào cổng ban đêm. Bên cạnh đó, các chương trình du lịch trải nghiệm trò chơi dân gian với trang phục Hanbok cũng thu hút nhiều sự quan tâm của du khách nước ngoài.

Để đáp ứng nhu cầu mặc Hanbok của người dân, nhiều địa điểm cho thuê Hanbok đã xuất hiện xung quanh khu vực cố cung và kinh doanh rất thuận lợi. Các bạn trẻ giờ đây có thể thuê Hanbok vài giờ hoặc cả ngày với giá cả vừa phải ở các cửa hàng cho thuê mà không phải đắn đo mua sắm cả bộ Hanbok được may kỳ công và đắt tiền. Bạn bè hoặc các đôi tình nhân có thể thuê và mặc Hanbok đi dạo quanh các ngôi làng hanok hoặc cố cung, rồi đăng hàng tá hình ảnh xinh đẹp của mình chụp trong ngày lên SNS. Họ thích thú chiêm ngưỡng hình ảnh tựa như diễn viên của mình khi diện Hanbok được đăng trên mạng. Trong một khoảnh khắc nào đó, cuộc sống trở thành một vở kịch và Hanbok biến thành đạo cụ của vở kịch đó...

Trong xã hội công nghiệp và xu thế toàn cầu hóa, sự mai một các giá trị truyền thống, trong đó có trang phục là điều khó tránh khỏi. Bài học thành công từ việc tôn vinh, hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản cho ngành may Kimono truyền thống hay sự sáng tạo của Hàn Quốc trong việc đưa Hanbok trở lại đời sống sẽ là những kinh nghiệm quý báu cho nhiều quốc gia trong việc bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một biểu tượng văn hóa