Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định thương hiệu tranh thêu Phương Thảo

Đỗ Minh| 28/05/2023 13:10

(HNM) - Xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín được coi là quê hương của dòng tranh thêu tay truyền thống. Nổi bật là thương hiệu tranh thêu Phương Thảo do nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào phát triển. Tranh thêu Phương Thảo là sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao tiêu biểu thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố.

Sản xuất tranh thêu Phương Thảo tại xã Thắng Lợi (huyện Thường Tín).

Theo Giám đốc Công ty Tranh thêu Phương Thảo Nguyễn Thúy Đào, nối tiếp nghề truyền thống của gia đình, sử dụng tinh hoa từ “đường kim, mũi chỉ”, kết hợp với yếu tố hiện đại như kỹ năng hội họa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, công ty đã xây dựng thương hiệu tranh thêu Phương Thảo nổi tiếng của Thủ đô.

Nói về nét độc đáo trong tranh thêu Phương Thảo, bà Vũ Thị An người “truyền lửa” cho tranh thêu Phương Thảo chia sẻ, để tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh thì cần nhiều công đoạn như vẽ mẫu, căng nền, sang kiểu, chọn chỉ màu, rồi mới đến thêu. Bức tranh có giá trị nghệ thuật, mềm mại thì những người trong nghề phải khổ luyện mới có thể thành thục 9 kỹ năng: Nối đầu, lướt vặn, đâm xô, bó bạt, thêu bỏ, thêu bạt, sa hạt đơn - sa hạt kép, khoắn vảy đơn - khoắn vảy kép và chăng chặn. Trong lúc thêu phải tỉ mỉ từng chi tiết, nhất là những đường lượn hay đường nổi viền lá... Đó là những chi tiết tạo điểm nhấn cho cả bức tranh. Các sản phẩm đều phải thêu tay, làm thủ công, đòi hỏi sự khéo léo từ chính đôi bàn tay của người làng nghề. Đây cũng là điểm nổi bật, đặc sắc, thu hút sự quan tâm của khách trong nước và quốc tế.

Trong quá trình giữ nghề, phát triển các sản phẩm tranh thêu, Công ty Tranh thêu Phương Thảo đã trải qua nhiều thăng trầm. Có thời điểm tranh sơn dầu, tranh công nghệ phát triển, tranh thêu Phương Thảo cũng bị “lép vế”. Tuy nhiên, chính sự tỉ mỉ, đôi bàn tay khéo léo với những nét thêu độc đáo, có hướng đi riêng biệt, tranh thêu Phương Thảo đã "hồi sinh" và đang dần khẳng định vị thế.

Theo đó, nhiều mẫu tranh mới của Phương Thảo được thiết kế phù hợp với từng nhu cầu của khách hàng với các dòng sản phẩm chính: Phong cảnh, hoa lá, chân dung, tĩnh vật... Mỗi dòng tranh có thế mạnh riêng, nhưng qua mỗi bức tranh đều in đậm một Việt Nam tươi đẹp với những di tích, danh lam thắng cảnh; nét sinh hoạt hằng ngày của người dân lao động; sản vật, hoa trái vùng miền... Tranh thêu Phương Thảo được tiêu thụ mạnh trong nước, được nhiều khách du lịch quốc tế mua làm quà tặng.

Bí thư Đảng ủy xã Thắng Lợi Trương Văn Thông cho biết, tranh thêu Phương Thảo trở thành sản phẩm tiêu biểu của làng nghề Thắng Lợi nói riêng và Thủ đô nói chung. Cuối năm 2019, tham gia Chương trình OCOP, những sản phẩm tranh thêu tay của Công ty Tranh thêu Phương Thảo được thành phố công nhận sản phẩm đạt hạng 4 sao. “Mỗi năm công ty đạt doanh thu hơn 4 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho từ 200 đến 250 lao động là người địa phương, chủ yếu là phụ nữ, người khuyết tật...”, Bí thư Đảng ủy xã Thắng Lợi Trương Văn Thông cho hay.

Giám đốc Công ty Tranh thêu Phương Thảo Nguyễn Thúy Đào thông tin thêm, từ khi tham gia Chương trình OCOP của thành phố, sản phẩm tranh thêu tay của công ty đã có cơ hội giới thiệu tới đông đảo khách hàng trong và ngoài nước về chất lượng, cũng như quy trình tạo ra một bức tranh. Đặc biệt đây là cơ hội giúp công ty quảng bá sản phẩm tới du khách nước ngoài.

Đánh giá về sản phẩm tranh thêu Phương Thảo, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, với một quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, tiêu chí rõ ràng, các sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP sẽ là cơ sở để người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm. Đối với tranh thêu Phương Thảo, không đơn thuần là một sản phẩm làng nghề, mà còn là một nét văn hóa truyền thống, mỗi bức tranh là một câu chuyện về văn hóa Việt Nam, về con người, sản phẩm của người Việt.

Để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP của huyện nói chung và sản phẩm tranh thêu Phương Thảo nói riêng, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho biết, huyện tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ thể OCOP xây dựng thương hiệu, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Huyện cũng tăng cường quảng bá sản phẩm; ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc hình thành các trang về du lịch làng nghề, sản phẩm làng nghề để thu hút khách quốc tế và trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định thương hiệu tranh thêu Phương Thảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.