Độc đáo cây cầu “Thượng gia, hạ kiều” có một không hai tại Hà Nội

Hoàng Diễm Quỳnh| 08/05/2023 17:02

(NSHN) - Cầu Khum, tọa lạc tại làng Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội), được thiết kế độc đáo vừa là cầu vừa là nơi thờ tự. Nó từng đóng vai trò như một con đường độc đạo và là cổng vào làng. Hiện nay, mặc dù không còn được sử dụng nhiều cho giao thông, nhưng Cầu Khum vẫn giữ được giá trị văn hóa và tâm linh quan trọng đối với người dân địa phương.

Cầu Khum nằm ở phía Đông của làng Yên, thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất. Cầu tiếp giáp với trục đường giao thông liên xã Thạch Xá - Hữu Bằng.

Trước đây, cầu này bắc qua một ngòi nước chảy từ Hương Ngải, Canh Nậu, Đồng Bùi ra sông Tích. Cầu từng đóng vai trò là con đường độc đạo để vào làng, tuy nhiên kể từ khi có đường mới được xây dựng, cầu Khum không còn được sử dụng cho mục đích giao thông nữa.

Cầu Khum có thiết kế dạng “thượng gia, hạ kiều”, tức trên là nhà, dưới là cầu. Cầu được đặt tên là cầu Khum bởi vì hình dáng của nó khi nhìn từ xa trông giống như chiếc thuyền nan úp ngược.

Khi được hỏi về tuổi thọ của cây cầu, các cụ già trong làng đều không chắc chắn vì cây cầu đã có từ rất lâu đời. Tuy nhiên, các cụ kể lại rằng vào năm 1935, cây cầu đã bị hư hỏng nặng và được nhân dân trong làng tập trung lực lượng để sửa chữa, phục hồi lại như ngày nay.

Phần Thượng gia của cầu Khum có độ dài trên 12m và được chia làm 5 gian, trong đó gian giữa dài 3,5m, các gian biên dài 2m. Phần Thượng gia của cầu có độ cao tương đối và thấp dần ra hai đầu hồi.

Gian giữa được quy hoạch thành ban thờ có bộ cửa bức bàn 6 cánh, hai gian bên để trống làm sạp gỗ có thể làm chỗ nghỉ ngơi.

Theo tập “Di sản văn hoá làng Yên”, gian giữa của Cầu là gian thờ “Thần linh”. Trên bức hoành phi ghi 3 chữ “Kính như tại”; nghĩa là kính thần như thấy thần tại đây. Hai bên có 2 câu đối làm bằng gỗ có khắc chữ: “Hùng trấn nhất phương tư địa mạch/ mạc Phù hạp hảnh gián xuân phong”, có nghĩa là: Thần trấn giữ nơi này, mang lại điều tốt lành cho dân.

Ông Nguyễn Đình Bảng (76 tuổi), thành viên ban quản Ban quản lý di tích đình, đền làng Yên chia sẻ: “Hiện nay, gian giữa của cầu Khum đã trở thành một địa điểm sinh hoạt văn hoá, phục vụ tín ngưỡng cho người dân trong xã nói riêng và các xã lân cận nói chung. Ngày rằm, mùng một và tháng Giêng, có rất đông người đến đây hành lễ, còn ngày thường thì người dân trong xã vẫn hay đến đây để cầu cho gia đình khoẻ mạnh, hạnh phúc”.

Phần hạ kiều có 3 cống được cuốn bằng đá ong khéo léo tạo thành hình vòm, trong đó, cống giữa rộng gần 3m nên thuyền nhỏ có thể qua được.

Cầu Khum mang một nét đẹp đặc trưng của vùng nông thôn của Đồng bằng Bắc Bộ với phần mái ngói được lợp vẩy cá.

Với những người dân trong xã, ngoài giá trị về tâm linh, cầu Khum còn là nơi để mọi người dân giao lưu trò chuyện, ngồi nghỉ ngơi sau những giờ lao động vất vả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo cây cầu “Thượng gia, hạ kiều” có một không hai tại Hà Nội