Nơi lắng đọng tình thân

Hà Hiền| 31/03/2023 19:19

(NSHN) - Từ những người không thân quen và mang theo những câu chuyện về số phận, cuộc đời rất riêng, khi được đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng lâu dài tại Trung tâm chăm sóc người khuyết tật Hà Nội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, địa chỉ tại xã Thụy An (huyện Ba Vì), tất cả trở thành thành viên trong một gia đình lớn. Sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên, giữa đội ngũ cán bộ, nhân viên với đối tượng yếu thế diễn ra chân thành, giản dị mà lắng đọng tình thân.

Cuộc sống đổi thay tích cực

Với người già, sức khỏe là vốn quý. Với trẻ em, sự vui tươi, tinh thần lạc quan, phấn khởi là những yếu tố thể hiện rõ trẻ được quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng tốt. Những điều này dễ gặp tại Trung tâm chăm sóc người khuyết tật Hà Nội (Trung tâm), gây xúc động với bất kỳ ai từng chứng kiến. 

Dưới mái nhà chung dành cho người khuyết tật, sức khỏe của nhiều trẻ em chuyển biến tích cực.

Đến ngôi nhà chung của người khuyết tật vào một ngày tháng 3-2023, phóng viên Báo Hànộimới thấy rõ những hình ảnh, lắng nghe nhiều câu chuyện dung dị mà chất chứa yêu thương. Tại không gian dành cho trẻ em, mỗi căn phòng, khu vực là một dấu ấn, được sắp xếp phù hợp với độ tuổi, tình trạng bệnh tật và khả năng nhận thức của trẻ.

Những trẻ khuyết tật đặc biệt nặng, cần chăm sóc 24/7 được bố trí ở khu vực riêng, có đầy đủ thiết bị hỗ trợ việc chăm sóc sức khỏe; còn những trẻ khuyết tật nhẹ hơn, có khả nhận thức cùng sinh hoạt, điều trị phục hồi chức năng trong không gian mở, giúp trẻ có môi trường phát triển tốt nhất.

Nhận được sự quan tâm chăm sóc ân cần, chu đáo từ lực lượng cán bộ, nhân viên y tế của Trung tâm, cũng là những người bố, người mẹ thứ hai của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nơi đây không chỉ có cuộc sống mới, mà còn dần hình thành những kỹ năng tích cực.

Điển hình là trường hợp cháu K.T.A (sinh năm 2008), được đưa về Trung tâm từ năm 2014 đến nay. Khi mới đến, T.A yếu ớt, mắc cùng lúc nhiều bệnh, nặng nhất là bệnh ly thượng bì bóng nước. “Lúc mới về, khắp người cháu T.A nổi những bọng nước, khi vỡ ra có cả nước và máu. Đây là một trong những bệnh hiếm gặp, khó chữa, tổn thương lâu dài và đau đớn. Nhiều thời điểm, toàn thân cháu phải băng kín, nhìn vô cùng xót xa”, Tổ trưởng Tổ chăm sóc người khuyết tật số 7 Đỗ Thị Hoan nhớ lại.

Đồng hành với T.A trên hành trình chống chọi với bệnh tật, những người bố, người mẹ thứ hai tìm mọi cách để cháu có cơ hội điều trị tốt nhất, thậm chí tìm kiếm các loại lá có tác dụng hỗ trợ giảm ngứa, kháng viêm về đun nước cho cháu tắm hằng ngày. Cùng với đó, các bố, mẹ nuôi thường xuyên bế bồng, chăm ẵm, kể những câu chuyện vui cho T.A nghe, giúp cháu giảm dần tâm lý căng thẳng, sợ hãi, từng bước cởi mở, tương tác với người xung quanh. Bền bỉ áp dụng các biện pháp điều trị cả về y học và tâm lý, hiện nay, sức khỏe của cháu K.T.A chuyển biến tích cực. Cho dù những ngón chân, ngón tay bị rút ngắn lại do ảnh hưởng của bệnh, song K.T.A vẫn tự tin nhảy múa, tươi cười giao tiếp với người xung quanh, trở thành “cây văn nghệ” của Trung tâm...

Trường hợp khác có sự tiến bộ vượt bậc là cháu N.D.A, vào Trung tâm năm 2022. Thời gian đầu, D.A không chịu ăn uống, thường xuyên quấy khóc, còn hiện nay, cháu vui vẻ, ngoan ngoãn bên các anh, chị; biết bày tỏ tình cảm với những người mẹ của cháu.

Lớn lên trong tình yêu thương của gia đình, cuộc sống của các thế hệ trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm chăm sóc người khuyết tật Hà Nội đều chuyển biến theo hướng tích cực, trong đó có những người đủ khả năng hòa nhập xã hội. Có thể kể đến trường hợp Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1990), hiện làm thiết kế thời trang cho một doanh nghiệp đóng trên địa bàn phường Dương Nội (quận Hà Đông).

Chia sẻ về bản thân, Hà nói: “Từ một trẻ mồ côi, không biết quê quán, không có người thân, lại bị khuyết tật vận động, khi trở thành người con của Trung tâm, em không chỉ có gia đình, mà còn được học chữ, học nghề, trang bị các kỹ năng sống. Đáp lại những ân tình này, bản thân em luôn cố gắng sống tốt từng ngày”.

Người cao tuổi nhận được sự chăm sóc ân cần từ những việc nhỏ.

Ngoài không gian dành cho trẻ em, dấu ấn của tình thân còn thể hiện rõ với người cao tuổi. Hình ảnh thường gặp là các cụ ông, cụ bà ngồi trò chuyện bên hiên nhà mỗi buổi chiều, là những cán bộ, nhân viên đẩy xe lăn đưa người cao tuổi không có khả năng tự di chuyển đi lại trong không gian thoáng đãng, rợp bóng cây xanh; là những lời thăm hỏi thân thuộc: “Hôm nay ông thấy sức khỏe thế nào”, “bà ăn có ngon miệng không”…

Sống tại Trung tâm nhiều năm, bà Lê Thị Quỳnh (91 tuổi) bộc bạch: “Ở đây, chúng tôi không thiếu thứ gì. Khi khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau, lúc nào chúng tôi cũng có nhiều con, cháu ở bên động viên, chăm sóc”. 

Yêu thương lan tỏa

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Phùng Công Lợi cho biết, đơn vị hiện nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 300 người khuyết tật (hơn 140 người già, gần 160 trẻ em) có hoàn cảnh đặc biệt. Đó là người khuyết tật không có nơi nương tựa và không tự lo được cuộc sống; người khuyết tật cần sự bảo vệ khẩn cấp; trẻ em khuyết tật không có người nuôi dưỡng… Thế nên, phía sau mỗi thành viên sống tại Trung tâm là những câu chuyện đời riêng, những nỗi đau riêng, nhưng họ đều có điểm chung là thiếu thốn tình thân, không có khả năng tự chăm sóc bản thân.

Bình yên đến với những mảnh đời từng chịu nhiều bất hạnh.

Góp phần bù đắp sự thiệt thòi cho những người có hoàn cảnh đặc biệt, ngoài chế độ, chính sách quan tâm, chăm lo không nhỏ của thành phố Hà Nội, đội ngũ cán bộ, nhân viên trung tâm tích cực tăng gia sản xuất để có thêm nguồn thực phẩm, rau xanh an toàn, tươi ngon cho các bữa ăn. Ngoài ra, đơn vị tăng cường huy động nguồn lực xã hội từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm giúp các bố, mẹ già và những đứa con có thêm đồ dùng hữu ích... 

Đặc biệt, mỗi cán bộ, nhân viên làm việc tại Trung tâm luôn nêu cao tinh thần: Đối tượng là người thân, cần tập trung lắng nghe, thường xuyên quan sát để có sự chia sẻ, thấu hiểu. “Với những trường hợp không thể giao tiếp, chỉ cần nhìn vào biểu cảm của mỗi người, chúng tôi có thể nắm bắt được tình trạng sức khỏe của từng người ra sao, đang cần gì, muốn gì và có sự hỗ trợ phù hợp”, Trưởng phòng Chăm sóc - Nuôi dưỡng (Trung tâm chăm sóc người khuyết tật Hà Nội) Nguyễn Thùy Hạnh cho hay.

Lớp tiền tiểu học do cô giáo Lê Thị Bích Hà đứng lớp.

Đối với những người có sức khỏe, khả năng nhận thức tốt hơn, hình thức quan tâm được triển khai theo hướng giúp họ biết cách chăm sóc bản thân, hòa nhập cộng đồng. Vì thế, dù không được đào tạo nghiệp vụ sư phạm, một số cán bộ, nhân viên đã chủ động trang bị thêm kiến thức, kỹ năng để có thể trở thành giáo viên hỗ trợ các con trong quá trình học tập.

Hiện nay, Trung tâm tổ chức một lớp tiền tiểu học do cô giáo Lê Thị Bích Hà (cán bộ Phòng Chăm sóc - Nuôi dưỡng) đứng lớp. “Lớp học đặc biệt của tôi có 7 con trong độ tuổi đến trường. Hằng ngày, tôi kiên trì dạy các con cách cầm phấn, bút, làm quen với bảng chữ cái, những phép tính đơn giản, tập tô, tập vẽ để có thể đi học hòa nhập trong năm học 2023-2024 tới đây”, cô Hà nói.

Chia tay ngôi nhà chung của người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt, chúng tôi thấy ấm lòng bởi cảm nhận rõ tình yêu thương ấm áp luôn hiện hữu, lan tỏa nơi đây. Cùng với đó là sự phấn khởi khi đón nhận thông tin, theo kế hoạch, năm 2023, Trung tâm chăm sóc người khuyết tật Hà Nội tiếp tục được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất với kinh phí hơn 10 tỷ đồng, tạo điều kiện cho người khuyết tật được chăm sóc tốt hơn về mọi mặt. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nơi lắng đọng tình thân