Khởi sắc ngoại thành

Nguyễn Mai| 17/03/2023 06:26

(HNM) - Hơn 10 năm qua, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân, khu vực ngoại thành Hà Nội đã khởi sắc và có bước chuyển mình mạnh mẽ. Nông thôn Hà Nội đang ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, hiện đại, nhiều huyện đã và đang tiệm cận với đô thị.

Một vườn hoa tại xã Phúc Tiến (huyện Phú Xuyên) được đầu tư, xây dựng giúp người dân có thêm điểm vui chơi, thư giãn.

Làng quê đẹp hơn mỗi ngày

Ngay sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2017, xã Phúc Tiến (huyện Phú Xuyên) nỗ lực nâng cao chất lượng các tiêu chí, tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao và đã hoàn thành năm 2022. Xã Phúc Tiến hôm nay đã có cơ sở hạ tầng khang trang, với 100% tuyến đường liên xã, liên thôn được nhựa hóa. Chủ tịch UBND xã Phúc Tiến Lê Văn Thuấn cho biết, xã đã lắp đặt 165 biển chỉ dẫn, biển báo tại các nút giao thông; ao hồ được cải tạo, kè cứng kết hợp với trồng cây xanh và có hệ thống đèn chiếu sáng… nên dù là vùng nông thôn nhưng người dân được thụ hưởng hạ tầng khang trang như phố thị.

Không chỉ với Phúc Tiến, nét chung dễ dàng nhận thấy ở các vùng nông thôn Hà Nội, đó là làng quê đang sáng, xanh, sạch, đẹp và văn minh hơn mỗi ngày. Để có được những đổi thay đó, mỗi địa phương có cách làm rất riêng. Đơn cử như, từ nhiều năm nay, huyện Đan Phượng tổ chức cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Với việc xây dựng kế hoạch cụ thể; kiểm tra, giám sát thường xuyên; hằng tháng, quý, năm có tổng kết để động viên, khen thưởng những thôn, làng làm tốt…, huyện đã tạo không khí thi đua sôi nổi, nhân dân chủ động xây dựng khu dân cư nơi mình sinh sống. Năm 2022, huyện đã trao thưởng cho 213 thôn, cụm, tổ dân phố có thành tích trong cuộc thi với tổng kinh phí hơn 870 triệu đồng. Cuộc thi được nhân dân hưởng ứng tích cực, với tổng kinh phí xã hội hóa hơn 30 tỷ đồng và hàng vạn ngày công của nhân dân, góp phần xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp.

Tương tự, huyện Ba Vì xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện cuộc thi từ tháng 3-2022, đến nay đã huy động được nguồn lực xã hội hóa với tổng giá trị lên tới 64,7 tỷ đồng. Tại các trục đường chính ở khu dân cư, khu di tích lịch sự, các địa phương đã tích cực trồng, chăm sóc, duy trì bảo vệ cây xanh, cảnh quan; xây dựng các mô hình mới, như: Con đường bích họa với tổng diện tích 24.902m2; tuyến đường phụ nữ nở hoa với tổng chiều dài 435.984m2...

Cùng với đó là sự vào cuộc của các hội, đoàn thể với rất nhiều mô hình hay. Điển hình như Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội có mô hình điểm “phân loại, xử lý rác hữu cơ” tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn ở huyện Gia Lâm; mô hình thí điểm “Phụ nữ tham gia xử lý rơm rạ sau thu hoạch” tại 9 xã của các huyện Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Ba Vì. Hội Nông dân thành phố đã vận động 18.750 hội viên nông dân tham gia vệ sinh môi trường hằng tuần trên các tuyến đường làng, ngõ, xóm và điểm công cộng ở địa bàn thôn, xã; xây dựng 35 mô hình cánh đồng sạch; 38 mô hình hàng cây kiểu mẫu…

Nâng cao đời sống người dân

Từ năm 2011 đến nay, đã qua 3 nhiệm kỳ qua, Thành ủy Hà Nội đều ban hành chương trình công tác lớn, nhằm thúc đẩy nông nghiệp, nông dân và nông thôn phát triển. Trong đó, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” đưa ra mục tiêu xuyên suốt là, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.

Với đích đến đó, Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, dành nguồn lực đầu tư rất lớn cho khu vực nông thôn hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao mức hưởng thụ cho người dân. Chỉ riêng 2 năm 2021-2022 thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, thành phố đã huy động được 41.190,1 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới.

Với sự chỉ đạo sát sao từ Thành ủy, UBND thành phố đến các địa phương, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, đến nay, Hà Nội đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp xã; có 111 xã nông thôn mới nâng cao; 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 56,3 triệu đồng/người/năm; có một số huyện thu nhập cao, như: Thạch Thất 91 triệu đồng/ người/năm, Đan Phượng 73 triệu đồng/người/năm, Hoài Đức 72 triệu đồng/người/năm... Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, phòng, chống dịch bệnh có nhiều tiến bộ; 100% trạm y tế xã có bác sĩ công tác tại trạm; 94,27% thôn có nhà văn hóa...

Ngoại thành Hà Nội đang khởi sắc từng ngày. Đặc biệt, có 5 huyện không còn hộ nghèo, đó là: Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì. Đây cũng là những địa phương đã tiệm cận gần với tiêu chí đô thị và đang trên lộ trình để trở thành quận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi sắc ngoại thành