Vĩnh Trung - đất có nghề... quê khởi sắc

Nguyễn Mai| 11/03/2023 10:44

(HNMO) - Từ làng thuần nông, những năm gần đây, người dân thôn Vĩnh Trung (xã Đại Áng, huyện Thanh Trì) phát triển nghề may thời trang, mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân, làng quê ngày một khởi sắc. Mới đây, làng nghề may thôn Vĩnh Trung đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”.

Nghề may đang tạo việc làm cho 538 lao động ở thôn Vĩnh Trung và nhiều lao động của các thôn, xã lân cận.

Làng Vĩnh Trung còn có tên là kẻ Vanh, nằm trong vùng trũng phía Nam Hà Nội nên xưa kia đồng ruộng thường xuyên ngập nước, chỉ cấy được một vụ lúa chiêm. Để phụ thêm nông nghiệp, người Vĩnh Trung làm thêm nhiều nghề. Trong đó, từ những năm 1980 trở lại đây, dân làng có thêm nghề may khẩu trang, may quần áo... Sản phẩm may mặc của làng được cung cấp ra thị trường cả nước và xuất sang Lào, Campuchia.

Ở Vĩnh Trung, Trưởng thôn Nguyễn Thị Hường cũng là một trong những hộ đi đầu trong phát triển nghề may ở làng. Bà Nguyễn Thị Hường, chủ xưởng may Hường Linh cho biết, từ năm 2003, bắt đầu khởi nghiệp nghề may. Gia đình bà đã đầu tư mua 8 máy may cùng trang thiết bị cần thiết để may khẩu trang vải. Việc tiêu thụ sản phẩm ngày càng thuận lợi, gia đình đã mở rộng sản xuất và đa dạng sản phẩm.

Đến nay, xưởng của gia đình bà Hường có hơn 40 máy may, máy cắt, máy là... sản xuất đa dạng các mặt hàng như khăn tắm, quần áo thời trang, đặc biệt là áo chống nắng, quần áo lót... Xưởng tạo việc làm trực tiếp cho 20 lao động và khoảng 30 lao động nhận hàng về gia công tại nhà.

Khẩu trang là một trong những sản phẩm được nhiều gia đình ở Vĩnh Trung may. Trong đó, đa số các gia đình may theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, tổ chức.

Không riêng gia đình bà Hường, ở Vĩnh Trung, những hộ làm may đều đã đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất. Anh Nguyễn Minh Chiến, Chủ xưởng may Phương Thảo cho biết, xưởng sản xuất của gia đình có quy mô 350m2. Trên diện tích sản xuất, gia đình trang bị 60 máy may, máy cắt, máy là công nghiệp…

Cơ sở đang tạo việc làm cho 25 lao động trực tiếp và khoảng 30 lao động nhận hàng về gia công tại nhà với mức lương phổ biến từ 7,5 đến 9 triệu đồng/người/tháng. “Gia đình tôi sản xuất rất nhiều mặt hàng, từ may khẩu trang vải, quần áo trẻ em, quần áo đồng phục, quần áo chống nắng, đồ lót…”, anh Chiến nói.

Các gia đình ở thôn Vĩnh Trung sử dụng nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất nên năng xuất, chất lượng sản phẩm cao, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đại Áng Nguyễn Văn Hưng, xã có 4 thôn cũng là 4 làng truyền thống có lịch sử rất lâu đời là: Đại Áng, Nguyệt Áng, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Trung. Trong đó, thôn Vĩnh Trung có nghề may rất phát triển. Cả thôn hiện có khoảng 1.100 hộ dân thì có 339 hộ có nghề may mặc, chiếm 31% tổng số hộ. Nghề đang tạo việc làm cho 538 lao động địa phương và rất nhiều lao động của các xã lân cận.

Giới thiệu thêm về nghề, ông Hưng cho biết: Các hộ sản xuất ở Vĩnh Trung khá nhanh nhạy trong nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, chủ động thay đổi kiểu dáng, mẫu mã. Mùa hè, các hộ may áo chống nắng, áo phông; mùa đông may áo phao, áo rét… nên hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Không những vậy, ở Vĩnh Trung có nhiều gia đình bắt kịp với xu hướng thời trang cao cấp, hàng may kỹ, chất liệu vải tốt, mẫu mã rất thời trang. 

Nghề may mang lại thu nhập cho người dân Vĩnh Trung khoảng 7 triệu đồng/người/tháng.

Mặt khác, các cơ sở sản xuất trong thôn đều ứng dụng thiết bị máy móc vào sản xuất theo dây chuyền khép kín giúp làm ra nhiều sản phẩm, chất lượng đồng đều, tiết kiệm vải… Ngoài may trực tiếp tại xưởng, các chủ cơ sở còn giao hàng cho lao động mang về may tại nhà nên tiết kiệm được chi phí sản xuất... Đó cũng là lý do để sản phẩm luôn có giá thành cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Cùng với quá trình phát triển của công nghệ, phương thức bán hàng của người dân Vĩnh Trung cũng ngày một đa dạng hơn. Ngoài bán hàng theo hình thức truyền thống, người dân làng nghề đã ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử… Hiện nay, làng nghề có khoảng 20 cơ sở lớn chuyên cung cấp cho thị trường cả nước và xuất khẩu sang một số nước như Lào, Campuchia. 

Những bộ quần áo thời trang được xuất ra thị trường từ làng nghề may Vĩnh Trung (xã Đại Áng).

Theo Trưởng thôn Vĩnh Trung Nguyễn Thị Hường, thu nhập bình quân của người làm nghề may ở Vĩnh Trung đạt khoảng 7 triệu đồng/người/tháng, cao gấp hơn 3 lần so với thu nhập bình quân của người làm nông nghiệp. Nhờ nghề phát triển, đời sống người dân Vĩnh Trung ngày một nâng cao. Hầu hết các gia đình ở Vĩnh Trung đều có nhà ở khang trang, mua sắm thiết bị phục vụ sinh hoạt hiện đại; đường làng, ngõ xóm phong quang sạch đẹp; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao phát triển mạnh.

Làng nghề may Vĩnh Trung đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần đưa xã Đại Áng đủ điều kiện để được thành phố xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Trung - đất có nghề... quê khởi sắc