Không gian đô thị, không gian sáng tạo

Nguyễn Xuân Thanh| 29/01/2023 05:50

(HNM) - Xây dựng thành phố thông minh với các tổ hợp sáng tạo, không gian sáng tạo là xu thế phát triển của các đô thị hiện đại. Với việc tham gia Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đang định hình một hướng phát triển mới để thành phố “văn hiến nghìn đời” ăm ắp những không gian kiến trúc, không gian nghệ thuật mang tinh thần thời đại mà vẫn vẹn nguyên giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Xu thế của đô thị hiện đại

Những mô hình Hollywood, Silicon Valley… đang được nhiều quốc gia vận dụng theo cách riêng để tái tạo đô thị theo hướng “vị nhân sinh” thông qua việc tổ chức lại các không gian hiện hữu, làm mới kiến trúc đô thị trên tinh thần gắn không gian công cộng với lịch sử, văn hóa. Và Thành phố sáng tạo là một trong những chuẩn mực để xác định vị thế của một đô thị trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó không gian sáng tạo là một yếu tố cấu thành mang nhiều ý nghĩa.

Trong tiến trình phát triển đô thị, sáng tạo là tiêu chí của mọi thời đại. Những Paris (Pháp), Milan (Italia), Amsterdam (Hà Lan), Plovidv (Bulgaria)… và Thăng Long - Hà Nội là những minh chứng sống động cho điều đó. Trong thế giới hiện đại, nhiều đô thị đã tiên phong trong việc định hình và lan tỏa những giá trị văn minh nhân loại thông qua việc chuyển hướng từ phát triển công nghiệp sang du lịch, dịch vụ và công nghệ. Chiến lược này vừa làm giàu lịch sử, văn hóa, vừa tạo môi trường cởi mở cho hoạt động sáng tạo, nhằm bồi đắp những giá trị mới cho đô thị.

Một Mạng lưới Thành phố sáng tạo được hình thành từ năm 2004, đã thu hút 246 thành phố cùng hướng tới sứ mệnh chung: Đặt sự sáng tạo và nền kinh tế sáng tạo là trọng tâm trong các kế hoạch phát triển đô thị gắn với Chương trình phát triển bền vững của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). 

“Thế giới phẳng thông tin” đã đưa khái niệm Thành phố sáng tạo đến với Việt Nam từ nhiều năm trước, song phải đến những năm 2013-2014 mới được phổ biến rộng rãi và tháng 10-2019, Hà Nội đã chính thức ghi danh thành viên của Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Giới kiến trúc, nghệ thuật… đón nhận tin vui này với niềm hứng khởi và tình yêu Hà Nội. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tạo nên giá trị mới cho không gian kiến trúc đô thị, góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố sáng tạo mang tầm cỡ quốc tế, thu hút năng lực sáng tạo của cộng đồng. Và các không gian mở, không gian dành cho cộng đồng được đề cập như một “điểm đến” quan trọng.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, đô thị có chung nhận định: Không gian nghệ thuật, không gian sáng tạo có ảnh hưởng tích cực đến tiến trình đô thị hóa. Tại nhiều thành phố, không gian sáng tạo được hình thành từ những nơi bị bỏ hoang hoặc các khu vực tách biệt, do vậy có tác động rất lớn đến việc hồi sinh hoặc kích hoạt các không gian đô thị...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, không gian sáng tạo có khả năng tái tạo đô thị, là giải pháp hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và văn hóa. Xây dựng đô thị sáng tạo là xây dựng một thành phố đáng sống với các không gian phong phú, ở đó liên tục có sự đổi mới, sáng tạo - điều mà bất kỳ thành phố nào cũng muốn hướng đến để nâng cao chất lượng đời sống con người.

Có nhiều loại hình không gian sáng tạo trong một đô thị, song chủ yếu vẫn là các không gian mở dành cho cộng đồng. Những năm gần đây, Hà Nội đã xúc tiến nhiều hoạt động thúc đẩy việc hình thành các không gian sáng tạo trong lòng đô thị và là nơi tập trung nhiều nhất với 115 “điểm đến” và hàng loạt đề án cho tương lai.

Mua rồng, nét văn hóa đặc sắc của người Việt.

Tái tạo không gian đô thị

“Nếu coi đô thị là một cái nhà, thì không gian công cộng chính là phòng khách của cái nhà ấy và vì thế được coi là bộ mặt chủ đạo của đô thị. Đây chính là nơi phản ánh rõ nhất bản sắc, phong cách của mỗi thành phố”. Do vậy, tái tạo đô thị từ những không gian sáng tạo không chỉ mở hướng phát triển đô thị bền vững gắn với giá trị văn hóa, mà còn tạo động lực mới thúc đẩy nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội…

Tiến trình phát triển đô thị là một hành trình sáng tạo và những không gian đô thị mà người Hà Nội có được hôm nay là sản phẩm của tiến trình ấy. Sau một thời gian dài hối hả phát triển trong “cơn lốc đô thị hóa”, các nhà hoạch định chính sách, quản lý đô thị đã nhận ra rằng, đã đến lúc phải bổ sung cho thành phố những không gian dành cho hoạt động cộng đồng mang đậm nét văn hóa của người Hà Nội. Những năm gần đây, thành phố đã triển khai nhiều dự án, tổ chức không gian sáng tạo khá thành công, như: Không gian phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, không gian bích họa Phùng Hưng… Những ý tưởng sáng tạo chất chứa trong các đề án “Quận nghệ thuật sông Hồng”, “Con đường nghệ thuật Hà Nội” cũng hứa hẹn mang đến những giá trị mới cho đô thị “ngàn năm văn hiến”…

“Xây dựng Thành phố sáng tạo cần văn hóa, lịch sử trong các đô thị lâu đời”. Nhiều người yêu Hà Nội đã đề cập việc chuyển đổi toàn phần hay một phần những nhà máy cũ gắn liền với hành trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và một thời “hoa lửa” của Thủ đô, như: Cụm Nhà máy Cao Xà Lá hay Nhà máy Xe lửa Gia Lâm… thành không gian sáng tạo. Nơi đây không chỉ có những không gian nghệ thuật với cấu trúc độc đáo, khởi nguồn từ ý tưởng mới mẻ, mà còn là “điểm đến” của các hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp mang lại lợi ích cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia, tại Hà Nội hiện vẫn còn nhiều nhà máy trong diện chuyển đổi, di dời. Đây là không gian đặc biệt và mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích nếu có cách thức sáng tạo, chuyển đổi phù hợp.

Tái tạo không gian để từng bước thay đổi gương mặt đô thị, không thể không nói đến nghệ thuật công cộng. Hà Nội đã có những hệ thống tượng đài, vườn hoa, con đường gốm sứ, con đường bích họa và nhiều tác phẩm điêu khắc tạo được ấn tượng trong không gian Công viên âm nhạc Nam Cường, Khu vườn châu Âu tại Sunshine Hoàng Mai…, nhưng để có những không gian sáng tạo, không gian đô thị có sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật điêu khắc với kiến trúc, cảnh quan như hệ thống cây xanh, vườn hoa… đòi hỏi phải có một cách nhìn mới về không gian sống cũng như giá trị thẩm mỹ đô thị. Bên cạnh việc tổ chức những không gian trưng bày tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, thì đề xuất của giới nghệ sĩ về việc tổ chức các cuộc thi hay xã hội hóa việc đầu tư thiết kế không gian sáng tạo trong lòng đô thị cũng cần được thành phố lưu tâm.

Tái tạo đô thị, xây dựng những không gian sáng tạo là đòi hỏi tất yếu để làm giàu bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Có thể nói, Hà Nội đã định hình một hướng đi phù hợp với xu thế thời đại.

Trong tiến trình lịch sử của mỗi đô thị, sáng tạo sẽ là một hành trình không ngừng nghỉ để bồi đắp bản sắc và tạo nên những giá trị mới. Không gian sáng tạo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với một đô thị và chỉ khi có được những không gian sáng tạo mới có thể kích thích, lan tỏa được ý tưởng sáng tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không gian đô thị, không gian sáng tạo