Phú Xuyên chuyển mình cùng Thủ đô phát triển bền vững

Bạch Thanh| 06/01/2023 07:25

(HNM) - Phú Xuyên là vùng đất lịch sử lâu đời. Trải qua hàng nghìn năm kiến tạo, 4 lần thay đổi tên gọi, địa giới hành chính: Phù Lưu, Phù Vân, Phú Nguyên, Phú Xuyên. Tên gọi Phú Xuyên được dùng từ giữa thế kỷ XVI cho đến nay. Người dân Phú Xuyên có nhiều nghề truyền thống với nhiều sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước như: Khảm trai Chuyên Mỹ, may đo Vân Từ, cỏ tế Phú Túc... Huyện cũng chú trọng phát triển nông nghiệp sản phẩm chất lượng cao; nơi đây là vùng đất trồng lúa, rau màu, thủy sản lớn của Thủ đô Hà Nội.

Huyện Phú Xuyên phát huy tiềm năng, thế mạnh, huy động các nguồn lực, tạo đột phá vươn lên để trở thành đô thị vệ tinh phía Nam của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Quang Thái

Nông thôn ngày càng đổi mới

Thời điểm năm 2010, khi bước vào xây dựng nông thôn mới, huyện Phú Xuyên có xuất phát điểm thấp: 16 xã đạt và cơ bản đạt 6-7 tiêu chí; 10 xã đạt và cơ bản đạt 5 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt đều liên quan đến đầu tư nguồn lực lớn, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ; đời sống nhân dân còn thấp, thu nhập bình quân chỉ đạt 14,9 triệu đồng/ người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7,15%; giao thông trục xã, liên xã được cứng hóa 53,74%; sản xuất manh mún, bình quân 4-6 thửa ruộng/hộ...

Thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XV, XVI và Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân" với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở; sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân, công cuộc phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của huyện Phú Xuyên đã đạt thành quả rất lớn. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; cơ sở hạ tầng kinh tế, các thiết chế văn hóa - xã hội được đầu tư khang trang, hiện đại, sạch đẹp. Kinh tế của huyện liên tục phát triển ổn định; thu nhập bình quân năm 2022 đạt 57,5 triệu đồng/người...

Cụ thể, huyện đã triển khai thực hiện nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đạt nhiều dấu ấn quan trọng. Về công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, từ việc mỗi hộ dân có 5-7 thửa ruộng thì sau dồn điền đổi thửa chỉ còn lại 1-2 thửa/hộ. Huyện đã thực hiện dồn đổi được 9.060ha đất nông nghiệp, trong đó có 2.830ha đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất tập trung, như: Lúa chất lượng cao (400ha), rau an toàn xã Minh Tân (diện tích 159ha), rau cần Khai Thái (30ha), bưởi Thồ Bạch Hạ (40ha), thủy sản (300ha)... Nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới được áp dụng vào sản xuất, 25/25 xã triển khai gieo mạ khay, cấy lúa bằng máy; chăn nuôi chuyển mạnh từ nhỏ lẻ sang trang trại xa khu dân cư; nuôi thủy sản từ quảng canh sang thâm canh sử dụng máy tạo ô xy, men vi sinh xử lý nước...

Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của Phú Xuyên có 1 khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội với diện tích khoảng 70ha đã cơ bản xây dựng xong hạ tầng, đang mời gọi các nhà đầu tư; 43 làng nghề được thành phố công nhận và 3 cụm công nghiệp mới được thành lập, đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật; có 3 nhãn hiệu làng nghề được công nhận là: Giày da Phú Yên, khảm trai Chuyên Mỹ, kẹo Cổ Hoàng và đang triển khai xây dựng 7 nhãn hiệu sản phẩm làng nghề... Thu nhập từ làng nghề, tiểu thủ công nghiệp đạt gần 5.000 tỷ đồng/năm...

Hướng tới đô thị vệ tinh hiện đại của Thủ đô

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 thời gian vừa qua, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, thành phố, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Phú Xuyên đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy khóa XV, XVI và Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII một cách chủ động, sáng tạo với nhiều giải pháp mang tính đột phá, nhiều mô hình mới và cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh, với những kết quả đạt được, đến nay, huyện đã có 25/25 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Ngày 25-4-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 515/QĐ-TTg công nhận huyện Phú Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới. Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho nhân dân và cán bộ huyện Phú Xuyên trong thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020. Đây là minh chứng cho sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, cố gắng không ngừng của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; sự đồng tình, ủng hộ của các đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân huyện Phú Xuyên trong suốt hơn chục năm qua.

Phú Xuyên đã và đang hoạch định những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, huy động các nguồn lực, tạo đột phá vươn lên để trở thành đô thị vệ tinh phía Nam của Thủ đô Hà Nội.

Thời gian tới, Phú Xuyên tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ; coi trọng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái hiệu quả và bền vững, tạo vành đai xanh cho thành phố Hà Nội. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong phát triển kinh tế; tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp; kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bảo đảm yêu cầu, hiệu quả và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đồng bộ; từng bước xây dựng kinh tế xanh - nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Xuyên chuyển mình cùng Thủ đô phát triển bền vững