Khu vườn độc đáo giữa lòng Thủ đô

Mỹ An| 31/12/2022 07:23

(HNMCT) - Hà Nội có khá nhiều công viên, vườn hoa và các không gian công cộng phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, rèn luyện sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, không phải công viên nào cũng hội tụ đầy đủ các chức năng, vai trò; đặc biệt, yếu tố thiết kế cảnh quan tại các công viên hiện đã lỗi thời nên không đủ sức hấp dẫn để thu hút người dân.

Đáng chú ý, mới đây giữa lòng Hà Nội, tại khu vực bị coi là “mặt sau” của thành phố lại có một khu vườn, một công viên khá độc đáo, được coi là “bảo tàng” của các loài cây bản địa với không gian thiết kế mở đầy sáng tạo. Đó chính là vườn Giác quan trong khuôn viên Công viên rừng bờ vở sông Hồng.

Học sinh một trường quốc tế trên địa bàn Hà Nội tham gia trồng cây tại vườn Giác quan. Ảnh: Think Playgrounds

“Bảo tàng” của các loài cây bản địa

Nằm trên địa bàn phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Công viên rừng bờ vở sông Hồng được hình thành từ năm 2021 qua hai giai đoạn. Giai đoạn 1 đã biến khu vực này từ một nơi tập kết rác trở thành một không gian công cộng đa chức năng bao gồm vườn rừng, sân chơi, không gian thư giãn. Ở giai đoạn 2, khu vườn Giác quan đã được hình thành trên diện tích 400m2 với đầy đủ công năng, tiện ích như đường dạo, sân đa năng để người già, trẻ em tập thể thao, rèn luyện thể thao...

Dự án đã mang lại diện mạo mới cho khu vực này, đồng thời nâng cao nhu cầu hưởng thụ của người dân, hướng tới việc khơi dậy mọi giác quan của con người. Dự án vườn Giác quan là một phần của Công viên rừng bờ vở sông Hồng, có sự tham gia của Doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds, Mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống”, Doanh nghiệp xã hội ECUE cùng một số đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam và nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, trường học khác trên địa bàn Hà Nội.

Nếu như giai đoạn 1 của dự án đã hình thành một khu vườn rừng với các loài cây chủ yếu là rau, hoa, thì ở giai đoạn 2, khu vườn Giác quan là nơi sinh sống của hơn 300 cây thuộc 40 loài. Theo ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đồng sáng lập Doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds, vườn Giác quan là một mô hình mới về không gian công cộng thông qua ngôn ngữ thiết kế Omniscape, thường được Nhật Bản ứng dụng để tạo nên mối liên kết giữa con người với thiên nhiên, đặc biệt là trong không gian đô thị. Đó chính là quy hoạch cảnh quan gắn liền với 5 giác quan, điều mà các công viên ở Việt Nam ít chú ý tới. Thông qua việc trồng xen kẽ các loài cây bản địa có tính toán một cách khoa học, vườn Giác quan hướng tới việc “đánh thức” các giác quan của con người, nơi người ta có thể nhìn ngắm và ngửi mùi thơm của những bông hoa nở rộ; chạm tay vào các phiến lá có hình dạng kết cấu đa dạng; đi chân trần trên những con đường giác quan, thử nếm những hương vị của hoa, quả rồi nghe tiếng lá xào xạc trong gió, tiếng chim hót, tiếng côn trùng rả rích... 

Trong xu hướng thiết kế công viên, cảnh quan đô thị hiện nay, người ta thường trồng các loài cây ngoại nhập vì kiểu dáng, màu sắc đẹp, dễ bố trí, mang lại nét hiện đại nhưng dễ làm mất bản sắc truyền thống và cái “chất” riêng của một đô thị mang chiều sâu văn hóa như Hà Nội. Vì thế, cần phải quan tâm hơn đến vai trò và giá trị của các loài cây bản địa.

Nhấn mạnh điều này, bà Vũ Thái Hà, người sáng lập Bio LAK - một thương hiệu mỹ phẩm hữu cơ Việt Nam chia sẻ: “Việc bảo tồn các giống cây bản địa không chỉ để chúng tồn tại trong ký ức của các thế hệ trước mà còn nhằm lưu giữ cho những thế hệ sau. Nhiều giống cây của Việt Nam trước sức ép của cuộc sống hiện đại đã ít dần và ngày càng khó tìm hơn. Càng đi nhiều nước trên thế giới, tôi càng hiểu sự phong phú và đa dạng của cây cỏ Việt và thêm yêu quý những giống cây bản địa. Đó cũng là lý do chúng tôi lựa chọn con đường bảo tồn, với mong muốn gìn giữ những giống cây xưa”. 

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt cho rằng, cần nhìn nhận lại giá trị của các loài cây bản địa trong việc thiết kế công viên và không gian công cộng bởi những loài cây này không chỉ mang ý nghĩa văn hóa, giúp nhận diện và nâng tầm giá trị cây cỏ của Việt Nam mà còn góp phần bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái.

“Việc trồng các giống cây ngoại nhập thiếu sự nghiên cứu sẽ dễ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, nhất là những loài cây ngoại nhập có thể đẹp nhưng mang tính xâm lấn mạnh, làm ảnh hưởng đến môi trường và các loài cây khác. Trong khi đó, các giống cây bản địa sẽ góp phần lấy lại giá trị của nhiều khu vực, nhất là khu vực bờ vở sông Hồng” - ông Đạt nói.

Việc đưa vào trồng hàng trăm giống cây bản địa tại vườn Giác quan, đặc biệt là lồng ghép các hoạt động trồng cây, chăm sóc và giáo dục về vai trò, ý nghĩa của các loài cây bản địa cho học sinh, người dân chính là cách bảo tồn tốt nhất. Chính vì thế, nơi đây còn được nhiều người coi là một “bảo tàng cây bản địa”, nơi bảo tồn gen cho các loại cây giống Việt Nam.

Không gian “xanh” bền vững cho cộng đồng

Ý nghĩa và hiệu quả tích cực nhất của mô hình vườn Giác quan và Công viên rừng bờ vở sông Hồng là đã huy động được hơn 500 lượt tình nguyện viên, người dân, học sinh... tham gia cải tạo môi trường, dọn rẹp rác và xử lý chất thải, mang lại không gian “xanh” cho khu vực bờ vở sông Hồng. Giờ đây, người dân có thể thoải mái đi dạo, tập thể dục; trẻ em có một không gian thiên nhiên mở để vui chơi và học tập, tìm hiểu về cây cối bản địa. Hơn thế, đây cũng là gợi ý để thành phố nhân rộng ra các quận, huyện có phần ranh giới tiếp xúc với khu vực sông Hồng; đồng thời thử nghiệm, áp dụng mô hình vườn Giác quan vào việc thiết kế cảnh quan đô thị nhằm tối ưu hóa công năng và thay đổi cách tiếp cận đối với công viên và không gian công cộng.  

Một lợi ích khác của việc thiết kế công viên theo mô hình vườn Giác quan và Công viên rừng bờ vở sông Hồng là giảm thiểu việc bê tông hóa, tối đa hóa các yếu tố tự nhiên để tạo môi trường gần gũi với thiên nhiên nhất. Tại đây không hề có hệ thống tường rào quây bằng bê tông mà được thiết kế “mở” với hệ thống hàng rào tự nhiên là cây cối. Các vật liệu được sử dụng trong thiết kế cũng là vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, tỷ lệ bê tông ở Công viên rừng bờ vở rất thấp, chỉ những nơi thực sự cần thiết mới làm. 

Theo ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt và các chuyên gia môi trường tham gia dự án, việc sử dụng cây xanh là giải pháp tốt nhất để bảo vệ nguồn đất và nước, đồng thời cũng là giải pháp hữu hiệu giúp ngăn ngừa, giảm tình trạng ngập lụt tại thành phố lớn. Ai cũng biết, cây lâu năm có hệ thống rễ sâu sẽ đưa nước từ bề mặt xuống dưới lòng đất, vừa để bảo tồn mạch nước ngầm vừa trở thành vùng hút nước cho thành phố.

“Mạch nước ngầm ở thành phố rất quan trọng nhưng lâu nay chưa thực sự được quan tâm. Nếu mất đi, nước sẽ bị xâm mặn và ô nhiễm. Tại các thành phố lớn hiện nay, tình trạng ngập lụt diễn ra phổ biến một phần do tình trạng bê tông hóa các khu vực công viên, ao hồ khiến nước không thể thấm xuống lòng đất và tiêu thoát. Một công viên có thiết kế tốt phải đảm bảo chức năng giải quyết vùng ngập cho thành phố. Công viên rừng bờ vở sông Hồng sẽ là “phép thử” để Hà Nội tham khảo, qua đó tận dụng các vùng đất ven sông một cách hiệu quả”.

Không chỉ góp phần cải tạo và bảo vệ môi trường, Công viên rừng bờ vở sông Hồng còn góp phần đưa khu vực bãi Giữa sông Hồng trở thành một “khu dự trữ sinh quyển” của Hà Nội nhờ cách tiếp cận trong thiết kế, quy hoạch hướng tới sự đa dạng sinh thái.

Theo ông Lê Quang Bình, Điều phối viên của mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống”: Diện tích tự nhiên và cây xanh của Hà Nội rất thấp, trong khi chúng ta có khoảng không tự nhiên lớn ở sông Hồng. Thành phố đang dự định đưa khu vực bãi Giữa trở thành một công viên văn hóa giải trí, nhưng chúng ta nên tiếp cận theo cách của Công viên bờ vở sông Hồng. Đó là hạn chế tối đa sự can thiệp của con người với vật liệu bê tông và các thiết bị âm thanh gây ô nhiễm tiếng ồn, bởi theo quan sát của nhiều chuyên gia, khu vực này hiện là nơi tập trung hơn 200 loài chim, trong đó có hơn 100 loài di cư từ Nhật Bản, Mông Cổ, Nga... Điều đó cho thấy, nơi đây hoàn toàn có thể trở thành một khu dự trữ sinh quyển của thành phố, hoặc một công viên “thuận thiên” - nơi kết nối con người với hệ sinh thái và là cách giảm sức ép đô thị lên Hà Nội. Nếu làm được như vậy, đây sẽ vừa là một công viên văn hóa - thiên nhiên, vừa là một điểm du lịch độc đáo và là minh chứng cho thấy, Hà Nội thực sự là một nơi đáng sống...

Không chỉ là một công viên thiên nhiên đơn thuần, từ Công viên rừng bờ vở sông Hồng, người ta còn thấy sự gắn kết cộng đồng và trách nhiệm xã hội đối với Hà Nội được thể hiện qua những việc làm thiết thực của các doanh nghiệp xã hội, các tổ chức trong và ngoài nước, các tình nguyện viên, người dân và chính quyền địa phương. Cũng từ mô hình vườn Giác quan và Công viên rừng bờ vở sông Hồng, người ta có quyền hy vọng vào một Hà Nội sẽ còn “xanh” hơn, thân thiện với môi trường hơn trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu vườn độc đáo giữa lòng Thủ đô