Nỗ lực ''hồi sinh'' sông Cầu Bây

Kim Nhuệ| 14/12/2022 07:42

(HNM) - Sông Cầu Bây có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và dân sinh của quận Long Biên và huyện Gia Lâm nhưng đang “chết dần” vì ô nhiễm và bồi lắng. Để “hồi sinh” dòng sông, các đơn vị liên quan của thành phố Hà Nội đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp.

Thi công hạng mục kiên cố bờ sông Cầu Bây, đoạn qua xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm).

Sông Cầu Bây chảy từ địa phận quận Long Biên ra sông Bắc Hưng Hải, có nhiệm vụ tưới tiêu cho hàng nghìn héc ta cây trồng của huyện Gia Lâm và quận Long Biên. Tuy nhiên, dòng sông này mỗi ngày phải tiếp nhận hàng nghìn mét khối nước thải từ sinh hoạt, chăn nuôi đến sản xuất công nghiệp chưa qua xử lý nên bị ô nhiễm nghiêm trọng... Theo phản ánh của người dân, phần lớn thời gian trong năm, mặt sông đặc quánh màu đen, bốc mùi hôi thối, sinh sôi ruồi, muỗi...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Bá Đồng, người dân xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) cho biết, nhà ông ở ven sông nhưng thường xuyên phải “cửa đóng, then cài”. Bởi ngày nắng, nước sông bốc mùi hôi nồng nặc. Những ngày nồm ẩm, ruồi, muỗi giăng kín mặt sông. Còn ngày mưa, người dân thấp thỏm nỗi lo nước sông dềnh vào nhà...

Phó Giám đốc phụ trách Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Gia Lâm Nguyễn Đăng Tiến thông tin, những năm trước đây, Cầu Bây là hệ thống thủy lợi chính phục vụ tưới cho 400ha đất canh tác của quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Bên cạnh đó, sông cũng làm nhiệm vụ thoát nước khi hai địa phương trên xuất hiện mưa lớn, gây úng ngập. Nhưng do nguồn nước ô nhiễm, dòng chảy bị ách tắc nên việc cấp, thoát nước của xí nghiệp trong những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn...

Để “hồi sinh” dòng sông, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo đơn vị liên quan lập đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu Bây giai đoạn 2021-2025. Trước mắt, để bảo đảm năng lực tiêu nước cho gần 5.760ha đất tự nhiên, cấp nước tưới cho 400ha sản xuất nông nghiệp của quận Long Biên và huyện Gia Lâm, UBND thành phố Hà Nội quyết định đầu tư gần 219 tỷ đồng triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp sông Cầu Bây với các hạng mục: Nạo vét, cải tạo lòng sông, đoạn từ cống Trại Lợn đến cống Xuân Thụy; gia cố 5.895m bờ tả và 4.915 bờ hữu đi qua khu dân cư; cứng hóa một số đoạn đường hai bên bờ sông phục vụ công tác quản lý kết hợp giao thông vào các cụm dân cư; cải tạo, nâng cấp cống Xuân Thụy và khu vực cửa sông Cầu Bây đổ vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải... UBND thành phố giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp làm chủ đầu tư dự án trên.

Đến công trường những ngày này, phóng viên nhận thấy, nhiều đoạn bờ sông đi qua các khu dân cư đã được kè đá, đổ tường bê tông kiên cố; hạng mục cải tạo, nâng cấp cống Xuân Thụy đã cơ bản hoàn thành; nhiều đoạn lòng sông đang được nạo vét, mở rộng mặt cắt dòng chảy... Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Hùng Linh Trần Văn Phúc (đơn vị thực hiện gói thầu số 10 của dự án trên) cho biết, thi công dự án này, công ty gặp rất nhiều khó khăn do mùa mưa, mực nước sông Cầu Bây dâng cao trong nhiều ngày; địa hình thi công chật hẹp; giá nhân công, vật tư xây dựng tăng... Tuy nhiên, xác định đây là dự án quan trọng nên công ty đã phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, các cấp chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, điều chỉnh linh hoạt các biện pháp thi công; huy động tối đa nhân lực, vật tư thi công những ngày nắng ráo...

Về tiến độ tổng thể của dự án, theo Trưởng phòng Quản lý dự án đê điều (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội) Đào Văn Thắng, quận Long Biên và huyện Gia Lâm đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất công và nông nghiệp; đang tập trung giải phóng mặt bằng đối với diện tích thổ cư liên quan 121 hộ dân. Có mặt bằng tới đâu, chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu tập trung thi công công trình đến đó. Đến thời điểm này, dự án đã hoàn thành hơn 55% khối lượng thiết kế. Dự kiến trong năm 2023, chủ đầu tư sẽ hoàn thành toàn bộ dự án, nếu được bàn giao đủ mặt bằng thi công.

Như vậy, giải pháp “hồi sinh” dòng sông đã có, nhưng để dòng sông sớm trong xanh trở lại, rất cần sự ủng hộ của người dân địa phương, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất để triển khai dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực ''hồi sinh'' sông Cầu Bây