Những cán bộ chữ thập đỏ “miệng nói, tay làm”

Hà Hiền| 21/11/2022 20:41

(NSHN) - Góp phần tạo nên những dấu ấn ấn tượng trên hành trình nhân ái suốt 65 năm qua của các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội (23/11/1957- 23/11/2022), có sự góp công lớn của những cán bộ, hội viên nhiệt huyết, mẫn cán, “miệng nói, tay làm”.

Câu lạc bộ Tình nguyện viên chữ thập đỏ Sóc Sơn hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản.

Tiên phong, xung kích

Nhiều năm qua, đông đảo người dân phường Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm) quen mặt, biết tên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Nguyễn Thị Xuân Hương với tinh thần làm việc “nói luôn đi đôi với làm”. Chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn, bà Hương cùng tập thể cán bộ, hội viên chữ thập đỏ phường Cửa Đông bàn cách huy động nguồn lực để trợ giúp sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh, sau đó kêu gọi cộng đồng chung tay trợ giúp.

“Người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít. Nếu đóng góp bằng tiền mặt thì chúng tôi sẽ gom lại để ủng hộ cho các trường hợp không may bị ốm đau, bệnh tật, thiếu thốn nơi ăn, chốn ở… Với nguồn lực đóng góp là hàng hóa, hiện vật, chúng tôi sẽ đưa tới những địa chỉ cần sử dụng. Ai không có của thì góp công, cùng chúng tôi duy trì “nồi cháo nhân đạo” tại Bệnh viện Việt Đức và nhiều hoạt động thiện nguyện khác”, bà Nguyễn Thị Xuân Hương cho hay. 

Tại quận Bắc Từ Liêm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Xuân Tảo Nguyễn Thị Bẩy cùng tập thể làm việc với phương châm: “Đoàn kết, đồng lòng, chung tay, miệng nói, tay làm, tai lắng nghe, làm dân tin, nói dân hiểu”. Nhờ đó, nguồn lực huy động của Hội Chữ thập đỏ phường gia tăng theo cấp số nhân, từ 300 triệu đồng vào năm 2016, lên hơn 1 tỷ đồng vào năm 2021. Từ nguồn lực tiếp nhận, trung bình mỗi năm, Hội Chữ thập đỏ phường Xuân Tảo quan tâm, chăm lo cho khoảng 500-800 lượt người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, người già cô đơn, người yếu thế trong xã hội. Đặc biệt, thời gian qua, đơn vị này đã trợ giúp về vốn trị giá 10 triệu đồng/hộ cho 32 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt vươn lên thoát nghèo.

Với tấm lòng vì cộng đồng, hằng năm, gia đình bà Nguyễn Thị Bẩy còn ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động nhân đạo từ 10 đến 15 triệu đồng, còn cá nhân bà luôn trăn trở làm thế nào để nguồn lực trợ giúp đến với người gặp khó nhanh nhất, thuận lợi nhất. Nhờ đó, những gian hàng “0 đồng”, tủ quần áo miễn phí với khẩu hiệu “Ai thừa mang đến, ai thiếu cứ dùng” hiện hữu trên địa bàn phường Xuân Tảo trong nhiều thời điểm, nhất là khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp… 

Tấm gương người tốt, việc thiện khác được các cơ quan chức năng ghi nhận, tôn vinh nhiều lần là bà Trương Thị Hội Tố, công tác tại Chi hội Tán trợ thuộc Hội Chữ thập đỏ quận Thanh Xuân. Không chỉ bền bỉ tham gia các phong trào, hoạt động chữ thập đỏ suốt hơn 20 năm qua, bà Tố còn hỗ trợ nuôi dưỡng hai cháu có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Khương Mai là Phạm Hồng Ngọc và Bùi Phương Ly trong nhiều năm. 

Hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, bà Trương Thị Hội Tố đã vận động được 45 triệu đồng mua 3 con bò sinh sản tặng các hộ nghèo ở khu vực ngoại thành Hà Nội; đồng thời, huy động nguồn lực xã hội đạt trị giá hàng trăm triệu đồng hỗ trợ bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân ung thư…

Những suất ăn miễn phí do các hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ triển khai thường xuyên đến với người nghèo.

Sáng tạo, nhiệt tình

Đối với người trẻ tham gia vào các phong trào, hoạt động chữ thập đỏ, họ thường có những cách làm sáng tạo để gây quỹ. Chẳng hạn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tình nguyện viên chữ thập đỏ Sóc Sơn (Hội Chữ thập đỏ huyện Sóc Sơn) Trần Thanh Thanh Thúy cùng các thành viên chủ động gây quỹ bằng cách tham gia bán hàng thông qua mô hình gian hàng nhân ái, dành toàn bộ lợi nhuận ủng hộ quỹ với tên gọi Quỹ “Việc tử tế”. Các mặt hàng nhân ái do nhà cung cấp tặng để gây quỹ hoặc bán với giá gốc, bảo đảm cho các tình nguyện viên bán ra thị trường với giá không cao hơn so với mặt bằng chung, nhưng vẫn có lợi nhuận góp vào Quỹ “Việc tử tế”. Thông qua mô hình này, những năm gần đây, Câu lạc bộ Tình nguyện viên chữ thập đỏ Sóc Sơn vừa tạo dựng được hàng trăm triệu đồng tiền quỹ, mang đi trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn, vừa giúp người dân tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản, hàng hóa. 

Tại huyện Phúc Thọ, hằng năm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hiệp Thuận Nguyễn Chí Việt cùng các nhà hảo tâm duy trì gói bánh chưng tặng cho người nghèo, bảo đảm mọi người đều có tết, vui đón tết. Còn Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tích Giang Lê Văn Tinh chủ động kêu gọi nguồn lực để hỗ trợ xây dựng 7 ngôi nhà Chữ thập đỏ cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã.

Góp phần đưa các giá trị nhân ái lan tỏa trên địa bàn huyện Hoài Đức, không thể không kể đến cán bộ Chữ thập đỏ của huyện là chị Nguyễn Thu Hằng. Trong quá trình công tác, chị Nguyễn Thu Hằng làm tốt công tác tham mưu, có nhiều sáng kiến, sáng tạo nhằm đưa các phong trào phát triển theo cả bề rộng và chiều sâu. Đáng ghi nhận là mô hình “Bữa ăn miễn phí” do Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Đức cùng Câu lạc bộ “Sống để yêu thương” và một số nhà hảo tâm thực hiện, duy trì nhiều năm, đã đưa hơn 80.000 suất ăn miễn phí đến với bệnh nhân nghèo điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều… Trong phong trào hiến máu tình nguyện, chị Nguyễn Thu Hằng đã trực tiếp hiến máu 16 lần và vận động nhiều người cùng tham gia…

Ngoài những trường hợp nêu trên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 163.000 cán bộ, hội viên chữ thập đỏ. Lực lượng này là những chiến sĩ “xung kích” trong các hoạt động mang ý nghĩa nhân đạo, đồng thời là những “sứ giả” của tình yêu thương, chia sẻ giữa người với người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những cán bộ chữ thập đỏ “miệng nói, tay làm”