Hạnh phúc từ những điều giản dị

Minh Vũ| 12/10/2022 06:28

(HNM) - Hạnh phúc không ở đâu xa, mà đến từ những điều giản dị trong cuộc sống, do các thành viên trong gia đình cùng “vun trồng”, cùng vượt lên khó khăn. Minh chứng rõ hơn cho điều này là thành công, hạnh phúc của gia đình tiêu biểu có thành viên là người khuyết tật Hoàng Đình Thắng, trú tại Khu tập thể Lữ đoàn 971, xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn).

Người khuyết tật sản xuất hàng may mặc tại Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm nhân đạo Phù Đổng (xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn).

Cùng vượt lên khó khăn

Phóng viên Báo Hànộimới gặp vợ chồng ông Hoàng Đình Thắng (sinh năm 1954) và bà Lương Thị Tải (sinh năm 1956) vào những ngày đầu tháng 10-2022. Thời điểm này, gia đình ông Thắng đón nhận tin vui, khi trở thành một trong 35 gia đình tiêu biểu có thành viên là người khuyết tật của cả nước được tôn vinh trong chương trình “Hạnh phúc vầng trăng khuyết” do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với một số bộ, ngành, đơn vị chức năng tổ chức.

Ông Hoàng Đình Thắng chia sẻ: “Những gì chúng tôi có được ngày hôm nay là nhờ công lao của vợ tôi. Bà ấy dành phần lớn những năm tháng cuộc đời để chăm lo cho con, cháu, đồng hành với chồng trong công việc cũng như cuộc sống”.

Theo lời kể, tháng 8-1972, trước khi lên đường nhập ngũ, chàng thanh niên Hoàng Đình Thắng ngỏ lời cầu hôn với cô gái Lương Thị Tải cùng lời hẹn ước: “Khi nào về, anh sẽ cưới em”. Sau hai năm thực hiện nhiệm vụ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn mưa rơi đạn lửa, trong một lần nghỉ phép vào năm 1974, ông Thắng về quê, cùng bà Tải nên duyên vợ chồng. Sum vầy, hạnh phúc bên người vợ trẻ và gia đình nội, ngoại được 13 ngày, ông Thắng tiếp tục lên đường vào miền Nam công tác. Đến đầu năm 1979, khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc xảy ra, ông Thắng lại được điều chuyển ra Bắc phục vụ cuộc chiến này. “Thấy chồng có mặt trên nhiều chiến trường, tôi vừa nhớ thương, vừa lo lắng. Song, cũng như nhiều người phụ nữ Việt Nam có chồng ra tiền tuyến, tôi vững tin anh Thắng sẽ trở về, cùng tôi xây dựng gia đình hạnh phúc”, bà Tải nhớ lại.

Nỗi nhớ thương chồng của người vợ trẻ Lương Thị Tải được bù đắp phần nào khi gia đình ông bà hạnh phúc đón con đầu lòng vào năm 1981, rồi đến con thứ hai, con thứ ba. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin từ bố, người con trai út của ông bà không may bị câm, điếc bẩm sinh. Hành trình nuôi nấng các con lớn lên khi người chồng thường xuyên xa nhà là nỗi vất vả, hy sinh khó diễn đạt hết bằng lời của người phụ nữ. Vượt lên mọi khó khăn, bà Lương Thị Tải trở thành hậu phương vững chắc để ông Thắng yên tâm học tập, công tác.

“Nhờ có sự động viên, chia sẻ của vợ, từ người lính lái xe, tôi trở thành cán bộ chỉ huy, được phong hàm thượng tá. Tuy nhiên, thành công và hạnh phúc của gia đình tôi chính là sự trưởng thành của các con, cháu. Hiện chúng tôi có 6 người con; 8 cháu nội, ngoại ngoan ngoãn, hiếu thảo”, ông Thắng phấn khởi. 

Tạo điểm tựa cho người khuyết tật

Có con trai và cháu nội là người khuyết tật do ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin, ông Hoàng Đình Thắng và bà Lương Thị Tải hiểu rõ việc khó tiếp cận cơ hội việc làm bền vững là rào cản lớn để người khuyết tật hòa nhập xã hội. Vì lẽ đó, năm 2004, ông Hoàng Đình Thắng thành lập Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm nhân đạo Phù Đổng tại xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn) với chức năng chính là dạy nghề, tạo việc làm miễn phí cho người khuyết tật, mồ côi và người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các cơ quan chức năng cùng sự năng động, sáng tạo của ông Hoàng Đình Thắng, nên sau 18 năm hoạt động, cơ sở đào tạo này đã giúp hàng trăm lượt người có kỹ năng nghề, chủ yếu là nghề may. Sau học nghề, đa số học viên có việc làm, thu nhập ổn định.

Chị Khổng Thị Nguyện (sinh năm 1981, bị câm điếc bẩm sinh), trú tại xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn) chia sẻ, chị học nghề may tại Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm nhân đạo Phù Đổng từ những ngày đầu thành lập, hiện phụ trách khâu kỹ thuật may với mức thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Dù là học viên mới hay người lao động làm việc lâu năm, tất cả đều được gia đình ông Thắng quan tâm về mọi mặt như con, cháu...

Cùng với việc dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, ông Hoàng Đình Thắng còn tích cực tham gia công tác xã hội, từ thiện. Liên tục từ năm 2011 đến nay, ông Thắng được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Hà Nội, cùng các thành viên trong Hội đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả, góp phần trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi ở Thủ đô vươn lên.

Dưới góc nhìn khách quan, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam Đỗ Mạnh Hùng cho biết, gia đình ông Hoàng Đình Thắng và bà Lương Thị Tải là một trong những gia đình tiêu biểu về xây dựng hạnh phúc gia đình, có nhiều đóng góp cho xã hội. Qua đó để thấy, khi tình yêu thương được vun đắp bằng sự đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu, sẽ trở thành động lực, sức mạnh giúp con người vượt lên khó khăn, vững tin vào những điều tốt đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạnh phúc từ những điều giản dị