Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo cho Thủ đô

Bảo Châu| 02/10/2022 05:38

(HNMCT) - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp vừa phát động cuộc thi “Hà Nội sáng tạo” nhằm tìm kiếm ý tưởng mới, độc đáo trong kiến tạo sản phẩm và không gian sáng tạo cho Thủ đô. Cuộc thi diễn ra từ nay đến tháng 11-2023 với nhiều hoạt động như lễ phát động cuộc thi, chương trình Tuần lễ sáng tạo, triển lãm mỹ thuật công nghiệp...

Sinh viên các lớp thiết kế đồ họa chuẩn bị cho tác phẩm dự thi "Hà Nội sáng tạo".

Kết nối giá trị lịch sử với đời sống hiện tại

Cuộc thi “Hà Nội sáng tạo” được phát động tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp từ năm 2021, nhưng sau đó bị "vướng" đại dịch Covid-19.

Đến năm 2022, khi dịch cơ bản được kiểm soát, nhà trường đã phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức cuộc thi “Hà Nội sáng tạo” với quy mô lớn, kéo dài trong suốt một năm học với nhiều hoạt động đáng chú ý. Cuộc thi được truyền thông mạnh mẽ; trang facebook của trường đăng tải các video liên quan tới cuộc thi. Các giảng viên của từng khoa, ngành Thiết kế chủ động định hướng, hướng dẫn cho sinh viên. Một số chủ đề được gợi ý gồm: Nội, ngoại thất các công trình công cộng của thành phố Hà Nội; trang trí quảng trường, vườn hoa, công viên, nhà văn hóa...; các thiết kế, hình ảnh đồ họa cho công trình và các nội dung văn hóa nghệ thuật của Hà Nội; các thiết kế thời trang, phụ kiện gắn liền với Hà Nội; các sản phẩm phát huy thế mạnh về văn hóa, lịch sử, làng nghề; các sản phẩm ứng dụng công nghệ mới...

Theo Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hoàng Thanh Thảo, mỗi năm có rất nhiều doanh nghiệp tới trường và tổ chức các buổi talkshow nhằm tìm kiếm nguồn nhân lực cũng như có các chế độ hỗ trợ về đào tạo chuyên môn, nhưng trên thực tế cách tiếp cận chưa tạo ra dấu ấn đặc biệt bởi doanh nghiệp chưa có cơ hội cũng như thời gian để trực tiếp quan sát, đánh giá sản phẩm mỹ thuật ứng dụng của sinh viên. Vì vậy, cuộc thi sẽ mở ra cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào quá trình học tập và làm việc của cả thầy, cô giáo và sinh viên nhà trường, tạo ra một cuộc triển lãm với quy mô lớn. Các tác phẩm là bài tập của sinh viên sẽ được trưng bày và tiếp cận gần hơn với các doanh nghiệp. Đây chính là tiền đề để doanh nghiệp dễ dàng đánh giá cũng như tuyển chọn lao động phù hợp tiêu chí của mình.

Nhấn mạnh về ý nghĩa của cuộc thi, Tiến sĩ Phạm Hùng Cường, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho biết, với thông điệp “Tuổi trẻ sáng tạo” và “Tôi yêu Hà Nội”, cuộc thi tạo cơ hội cho sinh viên tham gia sáng tạo trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Các sáng tạo cũng khai thác lợi thế của công nghệ hiện đại, lôi cuốn sự tham gia của cộng đồng, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo của khu vực, điểm đến tri thức và sáng tạo trên thế giới. Còn bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội tin tưởng, cuộc thi là “cây cầu” kết nối các giá trị lịch sử với đời sống hiện tại, kiến tạo nên những giá trị vững bền cho tương lai.

Ảnh từ trên xuống: Sinh viên các lớp sơn mài, gốm chuẩn bị cho tác phẩm dự thi "Hà Nội sáng tạo".

Không đơn thuần là cuộc thi

Thạc sĩ Phạm Quỳnh Anh, Phó Bí thư Đoàn trường, giảng viên khoa Mỹ thuật cơ sở (Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội) cho biết, các cán bộ, giảng viên và sinh viên sẽ lồng ghép chủ đề của cuộc thi vào các bài tập trên lớp. Sinh viên sẽ dùng bài tập đó để dự thi. Năm nay cuộc thi áp dụng trực tiếp chủ đề “Hà Nội sáng tạo” vào hệ thống bài tập thực hành của 13 chuyên ngành, lại có sự đóng góp, hướng dẫn của các giảng viên nên hứa hẹn chất lượng bài dự thi sẽ rất tốt. Ngoài ra, các bài thi, thiết kế xuất sắc đoạt giải còn có cơ hội được đưa vào sản xuất. Sinh viên và giảng viên rất hào hứng.

Thạc sĩ Phạm Quỳnh Anh, giảng viên phụ trách môn Màu sắc và Hình cơ bản (Mặt phẳng 1), cho biết, môn này mang lại cho sinh viên kiến thức về nguyên lý thị giác, cách sử dụng hình, màu sắc và bố cục; sử dụng các hình cơ bản như tròn, vuông, chữ nhật, tam giác... để tạo thành bố cục có ý nghĩa và đẹp. “Đưa chủ đề “Hà Nội sáng tạo” vào trong hệ thống bài tập thực hành của môn, tôi thấy khá là phù hợp. Các bài tập mà sinh viên đang làm phần lớn là chủ đề tự do, các bạn ý sẽ bị mơ hồ và khá lúng túng về cách tìm ý tưởng, chọn chủ đề. Nhưng năm nay, với chủ đề của cuộc thi “Hà Nội sáng tạo”, cả cô và trò sẽ có chung một đề tài cụ thể để nghiên cứu nên sẽ dễ lên ý tưởng sáng tạo” - Thạc sĩ Phạm Quỳnh Anh nhấn mạnh.

Là sinh viên năm cuối khoa Thời trang, hiện Hoàng Thanh Thảo đang chuẩn bị đồ án tiền tốt nghiệp. Dự định của Thảo là sử dụng kỹ thuật thủ công truyền thống kết hợp với sắc màu đương đại để đưa hình ảnh về một Hà Nội mới mẻ sau đại dịch lên thiết kế. Hiện các ý tưởng và kỹ thuật thủ công mà Thảo nghiên cứu đã nhận được ủng hộ, góp ý của thầy, cô hướng dẫn và đang trong quá trình thử nghiệm lên mẫu, kiểm tra chất liệu. Thông điệp mà Thảo hướng tới là vẻ đẹp của sự sống sau đại dịch ở Thủ đô: Nếu chúng ta suy nghĩ tích cực thì ngay trong khó khăn, cái đẹp vẫn hiện lên. Chính những người trẻ làm nghệ thuật như sinh viên sẽ mang cái đẹp sau đại dịch ấy lan tỏa rộng khắp thông qua các tác phẩm thiết kế của mình.

Cũng theo Hoàng Thanh Thảo, cuộc thi “Hà Nội sáng tạo” không đơn thuần để sinh viên "treo bài triển lãm", mà sâu xa hơn, đó chính là cơ hội phát triển cho sinh viên và nhà trường cũng như Hà Nội nói chung. “Ví dụ như khi chúng em làm đồ án nghiên cứu về trang phục truyền thống, cụ thể là áo dài (hoặc các trang phục có liên quan) về chủ đề Hà Nội sáng tạo, nếu các đơn vị biết đến và tài trợ cho quá trình nghiên cứu, học tập của chúng em và sau đó, chính sản phẩm ấy được các đơn vị của thành phố sử dụng thì đó chính là niềm tự hào cũng như thành công của sinh viên chúng em” - Hoàng Thanh Thảo dẫn giải.

Năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực thiết kế. Từ đó đến nay, Thành phố đã xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, nghị quyết nhằm thực hiện các cam kết, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Có thể nói, cuộc thi “Hà Nội sáng tạo” là hoạt động góp phần thúc đẩy lĩnh vực sáng tạo thiết kế, nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thủ đô sáng tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo cho Thủ đô