Thu hẹp dần khoảng cách

Nhật Minh| 28/08/2022 06:05

(HNMCT) - Năm 2022 là năm thứ hai Hà Nội thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và là năm đầu tiên triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030. Dù mới đi nửa chặng đường năm 2022, song nhiều kết quả quan trọng trong hành trình phát triển kinh tế - xã hội đã khá rõ nét.

Huyện Ba Vì có đông người dân tộc thiểu số sinh sống. Ảnh: Nguyễn Minh

Vượt khó đi tiên phong

Đi qua năm 2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp khiến nhiều nhiệm vụ phải giãn, hoãn, điều chỉnh sang năm 2022, thế nên ngay từ những tháng đầu năm 2022, những người làm công tác dân tộc đã phải “tải” một khối lượng công việc lớn. Dẫu vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi và Kế hoạch thực hiện Chiến lược công tác dân tộc vẫn đảm bảo tiến độ. Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết: “Đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc Thủ đô đã bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc, của Thành phố, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành nên công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, việc triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã và đang đem lại hiệu quả rõ rệt, tiếp tục làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi và nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào”.

Phải nói rằng, tiên phong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ khi chưa có văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành, nên Hà Nội cũng không tránh khỏi khó khăn trên hành trình đi về phía trước. Nhất là khi phạm vi, đối tượng của Hà Nội cũng có nhiều điểm khác so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, điển hình là các xã vùng DTTS của Thủ đô đều đã đạt chuẩn Nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo còn ít và chuẩn nghèo của Hà Nội cũng cao hơn mức của cả nước, nhiều tiểu dự án ở các địa phương có mà Hà Nội lại không... Song, Hà Nội đã vượt khó thành công dù còn chịu tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19. Phó Trưởng ban Dân tộc Thành phố Nguyễn Phúc Hải cho biết, tính đến thời điểm này, Thành phố đã bố trí 983 tỷ đồng để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi theo kế hoạch. UBND các huyện nghiêm túc, kịp thời thành lập tổ giám sát cộng đồng, tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ việc thực hiện các dự án tại địa phương. Cùng với đó, Ban Dân tộc yêu cầu các huyện rà soát, cập nhật Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 đối với các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô. Hiện nay, các đơn vị đang triển khai thực hiện các chương trình, dự án thuộc nguồn vốn sự nghiệp và hoàn thiện các quy trình, thủ tục trình UBND Thành phố theo quy định. Ban còn phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố tổng hợp nhu cầu vay vốn chương trình tín dụng chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình trong năm 2022 - 2023 trên địa bàn Hà Nội là 675 triệu đồng (trong đó năm 2022 là 425 triệu đồng, năm 2023 là 250 triệu đồng).

Không thể phủ nhận, việc thực hiện hiệu quả Kế hoạch đã góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô, thu hẹp dần, tiến tới không còn khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào vùng DTTS so với vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội. Các chính sách đối với vùng DTTS được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng; công tác nắm tình hình địa bàn, thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Thành phố được thực hiện linh hoạt, phù hợp với thực tế địa phương. 

Cần chính sách đặc thù du lịch miền núi

Tại Hội nghị sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm và triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn thành phố Hà Nội mới đây (ngày 12-7-2022), khá nhiều ý kiến của người làm công tác dân tộc ở 5 huyện có xã thuộc vùng DTTS cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác dân tộc trong thời gian tới, Thành phố cần ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và có chính sách đặc thù để triển khai thực hiện các chính sách dân tộc nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế, đảm bảo hoàn thành mục tiêu của chính sách; bổ sung các nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất, thu hút lao động, tăng thu nhập phát triển kinh tế gia đình... Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng khẳng định: “So với các địa phương khác, đồng bào DTTS và miền núi Thủ đô đã có mức sống tương đối tốt. Tuy nhiên, việc thu hẹp khoảng cách không đơn thuần về kinh tế mà cả về mức sống, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu..., từ đó, cần có chính sách đặc thù, phù hợp để phát triển đồng bộ, toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn Thủ đô”. Theo Bộ trưởng, Ban Dân tộc Thành phố cần chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương sớm khảo sát, đánh giá toàn diện, thực chất các mặt của đời sống xã hội ở vùng DTTS để có những đề xuất, kiến nghị với Thành phố hoàn thiện chính sách liên quan; xây dựng chính sách dân tộc phù hợp với đặc thù địa phương; quan tâm củng cố, bổ sung lực lượng cán bộ làm công tác dân tộc, tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ làm công tác dân tộc trên địa bàn Thủ đô.

Được biết, trong định hướng công tác 6 tháng cuối năm 2022, Ban Dân tộc Thành phố xác định sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách dân tộc của Trung ương và Thành phố, bảo đảm đầy đủ kịp thời, đúng đối tượng, nhất là việc thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Hội đồng nhân dân Thành phố về chính sách hỗ trợ hằng tháng cho người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn. Ngoài ra là thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện một số chương trình, chính sách dân tộc... Đề cập đến nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng khẳng định, Thành phố đã, đang dành nguồn lực không nhỏ để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, đưa mức sống, thu nhập của đồng bào sớm ngang bằng vùng nông thôn khu vực ngoại thành Hà Nội. Riêng về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, ông Lê Hồng Sơn đề nghị Ban Dân tộc Thành phố chú trọng đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công được UBND Thành phố phân bổ. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn nữa tới việc làm và đời sống của đồng bào trên địa bàn, từ đó phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi Thủ đô.

“Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tin rằng Thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hoàn thành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi và hoàn thành sớm Kế hoạch số 182/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kết quả thực tế của thành phố Hà Nội sẽ giúp các địa phương khác có thêm kinh nghiệm trong triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hẹp dần khoảng cách