Tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số: Nòng cốt là những “điểm tựa” nơi thôn bản

Nhật Minh| 30/07/2022 05:55

(HNMCT) - Để sự yên bình thường trực nơi các thôn bản, để đồng tin tưởng tham gia vào hành trình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, những người làm công tác dân tộc ở Thủ đô không chỉ cố gắng thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Ở nơi mà mọi nhà đang vượt khó vươn lên ấy, công tác tuyên truyền chính sách, phổ biến pháp luật luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Những người có uy tín trong cộng đồng đồng bào DTTS nhận giấy khen của Ban Dân tộc thành phố Hà Nội.

Đa dạng các hình thức tuyên truyền pháp luật 

Theo thống kê của Ban Dân tộc thành phố Hà Nội, toàn thành phố hiện có khoảng 108 nghìn người DTTS (1,3% dân số Thủ đô) thuộc 50/53 thành phần dân tộc sinh sống đan xen cùng người Kinh tại 30 quận, huyện, thị xã. Chiếm số đông là đồng bào người Dao và người Mường (55 nghìn người) cư trú theo cộng đồng tại 119 thôn thuộc 14 xã của 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ. Để rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và đô thị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, Ban Dân tộc thành phố rất chú trọng tới việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào.

Ngay từ năm 2017, Ban Dân tộc thành phố đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội ra Quyết định số 8137/QĐ-UBND ngày 24-11-2017 ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Tiếp đến năm 2019 là Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 12-1-2019 về thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2019 - 2025”. Trên cơ sở đó, Ban Dân tộc thành phố thường xuyên phối hợp với UBND các huyện có xã DTTS và miền núi tổ chức lớp tập huấn về công tác dân tộc và tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hàng chục nghìn lượt cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ chủ chốt của thôn, xã, người có uy tín của các thôn và cụm dân cư. Nội dung tuyên truyền bám sát chỉ đạo của Thành phố và được lựa chọn trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tiễn tại địa phương, tập trung vào vấn đề mà địa phương đang quan tâm.

Hiểu rõ con người nơi núi rừng nên những người làm công tác dân tộc đặc biệt coi trọng việc đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật để đồng bào dễ hiểu, dễ vận dụng. Tính riêng năm 2021, 177.300 tờ gấp tuyên truyền về Luật Hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Giao thông đường bộ, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ môi trường đã được biên soạn, in ấn và phát tận tay các hộ gia đình ở 14 xã dân tộc miền núi. Hơn thế, Ban Dân tộc còn phối hợp với các cơ quan liên quan cấp phát báo cho trưởng thôn, bí thư chi bộ, người có uy tín và các nhà văn hóa thôn, điểm bưu điện xã. Đó cũng là một cách tốt để giúp người dân tiếp cận với thông tin, nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Năm 2022 này có thêm nhiều cuộc tập huấn dành cho đồng bào DTTS được tổ chức khá bài bản. Từ ngày 18-4 đến 13-5-2022, có 6 hội nghị tập huấn công tác dân tộc và phổ biến pháp luật cho gần 1.000 đại biểu được tổ chức tại các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai và Mỹ Đức. Sau đó trong 2 ngày (31-5 và 1-6-2022), Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS thành phố Hà Nội đã diễn ra với sự tham dự của lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện, lãnh đạo 14 xã dân tộc miền núi và 129 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Ngoài tuyên truyền về Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, hội nghị còn truyền đạt kỹ lưỡng về nội dung Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 11-11-2021 của UBND thành phố về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết chuyên đề số 16/2021/NQ-HĐND ngày 8-12-2021 của Hội đồng Nhân dân thành phố về chính sách hỗ trợ hằng tháng cho người có uy tín trong đồng bào DTTS của Hà Nội. 

Nòng cốt là người có uy tín

Ông Nguyễn Phúc Hải, Phó Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội cho biết, chính thông qua các buổi tập huấn, tuyên truyền về chính sách, pháp luật mà lãnh đạo địa phương, cán bộ làm công tác dân tộc và người có uy tín nắm được thông tin thời sự trong nước và quốc tế, quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng, mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 - 2045. Đồng thời, họ cũng thu nhận thêm kiến thức, kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, cách phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để thể hiện vai trò của mình, góp phần phát triển kinh tế gia đình, cộng đồng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Dẫu vậy, những “điểm tựa” nơi thôn bản, mà nòng cốt là đội ngũ những người có uy tín, vẫn phải đối diện với không ít rào cản mang tính đặc thù của vùng dân tộc miền núi cũng như sự ảnh hưởng của mạng xã hội trong quá trình tuyên truyền về chính sách, pháp luật đến bà con dân bản. Như một người có tuy tín trong cộng đồng ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất đã chia sẻ: “Trình độ của bà con còn ở mức độ nhất định, sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội với nhiều thông tin đúng sai lẫn lộn được truyền miệng, rỉ tai đã tác động đến tâm tư, tình cảm của đồng bào”. Thêm vào đó, các nội dung cần tuyên truyền đến người dân đều được truyền đạt thông qua hội nghị, tập huấn... Cán bộ chủ chốt của các thôn, xã, người có uy tín, một số đại diện tiêu biểu của các thôn và cụm dân cư dự những hội nghị này, sau đó tuyên truyền lại cho người dân nên khó tránh khỏi tình trạng thông tin không đầy đủ.    

Khá nhiều hội nghị bàn tròn đã được tổ chức để giúp những người làm công tác dân tộc tìm lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào DTTS. Nhiều giải pháp đã được đề ra, như ưu tiên bố trí vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi - vấn đề cơ bản tác động đến tư tưởng, niềm tin của đồng bào; mở rộng đối tượng tuyên truyền trực tiếp; nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên; đa dạng hình thức tuyên truyền... Trong đó, giải pháp mà ai cũng nhấn mạnh là: Phát huy vai trò tuyên truyền của người có uy tín trong đồng bào DTTS. Điều cần làm là tăng cường bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trách nhiệm, kỹ năng giúp người có uy tín nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền cho bà con trong thôn bản. Có ý kiến cho rằng, cần thiết kế, xây dựng sổ tay hướng dẫn công tác cho người có uy tín, đồng thời có cơ chế cho cấp huyện tổ chức cho người có uy tín đi học tập kinh nghiệm tại các địa phương; tăng cường thực hiện chính sách về bảo hiểm y tế cho người có uy tín không thuộc thành phần hưu trí, gia đình chính sách, gia đình có công; xây dựng chế độ phụ cấp đối với người có uy tín.

Với nhiệt huyết và cái tâm với thôn bản, những người có uy tín chính là điểm tựa vững chắc để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền pháp luật cho bà con dân bản.

“Trong những năm qua, người có uy tín trên địa bàn Hà Nội đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng, tích cực đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Ông Nguyễn Phúc Hải, Phó Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội:

“Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã góp phần nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của đồng bào, góp phần ổn định tư tưởng, hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn vùng dân tộc, miền núi nói riêng và của Thủ đô Hà Nội nói chung”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số: Nòng cốt là những “điểm tựa” nơi thôn bản