Những "bảo mẫu" tận tâm chăm sóc hổ

Thanh Hiếu| 21/07/2022 06:58

(HNM) - Hiện nay, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đang chăm sóc, bảo tồn 36 cá thể hổ trưởng thành. Trong số này, phần lớn được giải cứu từ những vụ buôn bán, vận chuyển động vật trái phép. Do đó, Trung tâm đã bố trí những cán bộ thú y, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm để chăm sóc tốt cho đàn hổ. Công việc tuy vất vả, nguy hiểm nhưng những "bảo mẫu" đều tận tâm, trách nhiệm với nghề.

Chăm sóc hổ tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. Ảnh: Xuân Hồng

Công việc đặc thù, nguy hiểm

Chia sẻ về tính chất đặc thù của nghề, anh Nguyễn Văn Trung, nhân viên chăm sóc hổ tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cho biết, hổ là động vật thuộc nhóm IB trong danh mục các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Khi các cơ quan chức năng giải cứu đưa đến Trung tâm, các cá thể hổ bị căng thẳng, mắc nhiều bệnh..., được cán bộ, nhân viên chăm sóc kỹ nhằm tạo hình ảnh thân thiện để chúng luôn cảm thấy chuồng là nhà, người chăm sóc là bạn.

Bác sĩ thú y Trịnh Thị Thu Hằng thông tin, khi đã hồi phục sức khỏe, hổ rất hung dữ, có người tiến lại gần là gầm gừ, nhảy xổ lên cửa chuồng tấn công. Để bảo đảm an toàn, mỗi ca chăm sóc hổ bắt buộc phải bố trí 2 người hỗ trợ nhau khi làm việc. Theo đó, lịch trình một ngày của tổ chăm sóc diễn ra từ 8h đến 17h. Công việc buổi sáng là dọn vệ sinh chuồng trại, rồi dồn hổ ra vườn chơi, đến 11h cho hổ quay trở lại chuồng ăn trưa. Khẩu phần ăn chính của mỗi con hổ là 5-6kg thịt/bữa, luân phiên thịt bò, thịt gà, xương sườn, gan lợn... Buổi chiều, nhân viên chăm sóc quan sát, ghi chép những biểu hiện bất thường như: Hổ gầm gừ tức là đang không thoải mái, đi lại nhiều trong chuồng là biểu hiện bị căng thẳng... để lên phương án khám sức khỏe và điều trị kịp thời.

Trao đổi về công việc nguy hiểm này, Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Nguyễn Đức Minh cho biết, để trở thành "bảo mẫu" của hổ, điều quan trọng nhất là phải có tình yêu với động vật, sau đó là sự tỉ mỉ và kiên trì, như vậy mới chăm sóc tốt cho chúng. Công việc chăm sóc, nuôi dưỡng hổ nói riêng và động vật hoang dã nói chung được Trung tâm thực hiện theo hướng chuyên môn hóa, công nhân được học kỹ thuật cứu hộ, chăm sóc theo quy trình. Đồng thời, hằng năm, cán bộ, kỹ thuật viên được Trung tâm cử đi tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn. Chính vì vậy, từ năm 2006, Trung tâm tiếp nhận cá thể hổ đầu tiên cho đến nay, việc chăm sóc hổ đều bảo đảm an toàn.

Mỗi con hổ có một câu chuyện

Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội thành lập từ năm 1996 và được tổ chức lại vào năm 2013 với nhiệm vụ cứu hộ, bảo tồn, nghiên cứu động vật hoang dã. Tổng diện tích tại Trung tâm hiện nay là hơn 10.000m2, trong đó khoảng 30% diện tích dành nuôi hổ.

Hệ thống chuồng trại được xây dựng khoa học, chắc chắn, bảo đảm an toàn, có sân chơi cho hổ hoạt động ngoài trời. Toàn bộ cá thể hổ được bảo tồn, chăm sóc tại Trung tâm là hổ Đông Dương. Mỗi con được đặt tên riêng để phân biệt và theo dõi sức khỏe. Chẳng hạn, Gầm Gừ là con hổ đầu tiên Trung tâm tiếp nhận năm 2006. Nó bị vận chuyển trái phép và được Cảnh sát môi trường Hà Nội giải cứu, bàn giao cho Trung tâm. Thời điểm đó, vụ việc của Gầm Gừ thu hút sự quan tâm của dư luận, liên tục được các tổ chức, cá nhân đến quay phim, chụp ảnh khiến con hổ bị ám ảnh và khó chịu.

Tên gọi Gầm Gừ do lãnh đạo Trung tâm đặt dựa vào tính cách hung dữ của nó. Bình thường, Gầm Gừ không phản ứng quá gay gắt với nhân viên và người lạ, song chỉ cần nhìn thấy máy ảnh, ống kính hay vật có hình thù tương tự, nó sẽ lập tức nhảy xổ lên, gầm gừ, đe dọa.

Còn Pù Mát năm nay khoảng 15-16 tuổi, được đặt tên theo nơi nó sinh sống - Vườn quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An). Theo cán bộ Trung tâm, Pù Mát to lớn, thân dài, rất thân thiện, muốn được vuốt ve, chăm sóc. Pù Mát có đặc điểm rất thú vị là thích chơi với bom bia bằng thép. Mỗi lần được thả ra nó tha thùng bia đi quanh vườn. Tuy nhiên, khi cho ăn, Pù Mát thay đổi hoàn toàn tính cách. Nó hung dữ, xua đuổi những con hổ khác đến gần.

Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng cho biết, mỗi cá thể hổ đều có câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau, đa phần do các cơ quan chức năng tịch thu, bắt giữ từ những vụ buôn bán, vận chuyển trái phép chuyển đến Trung tâm cứu hộ. Khi về Trung tâm, mỗi con có một chương trình, kế hoạch chăm sóc riêng. Đặc biệt, việc đầu tiên, cán bộ, kỹ thuật viên phải làm là giảm căng thẳng để chúng không thấy xa lạ. Nhờ được chăm sóc chu đáo tại Trung tâm, 36 con hổ dần thích nghi và phát triển khỏe mạnh như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những "bảo mẫu" tận tâm chăm sóc hổ