''Hái ra tiền'' từ... trồng rau gia vị

Ngọc Quỳnh| 11/06/2022 06:34

(HNM) - Đến thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng (huyện Mê Linh), mỗi người sẽ có cảm nhận riêng khi đứng trước cánh đồng trải dài màu xanh với hương thơm dễ chịu, mát lành từ các loại cây gia vị. Trồng rau gia vị truyền thống đã trở thành nghề "hái ra tiền" của người dân nơi đây. Nhưng để mở rộng vùng sản xuất, đưa sản phẩm vào các kênh tiêu thụ hiện đại cũng là điều còn nhiều điều trăn trở...

Nông dân thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng (huyện Mê Linh) làm giàu từ trồng rau gia vị. Ảnh: Lâm Nguyễn

Cây không phụ công người...

Tháng 6 năm nay thời tiết thất thường, mưa nhiều hơn so với mọi năm nên để có những vườn rau gia vị truyền thống xanh tốt, người dân thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng phải bỏ công sức nhiều hơn bình thường. Sớm khuya như chăm con mọn, song nghề trồng rau gia vị cũng bù đắp phần nào những vất vả của người nông dân bởi giá trị kinh tế cao hơn so với nhiều loại rau khác.

Vừa tỷ mẩn chăm đám rau vườn nhà, bà Đỗ Thị Hợp, thôn Bạch Trữ vừa trò chuyện với chúng tôi: “Rau gia vị thường để ăn sống nên luôn phải là rau “sạch”. Nếu sử dụng thuốc hóa học kích thích tăng trưởng sẽ mang lại hậu quả khôn lường cho người tiêu dùng. Để có được niềm tin từ thị trường, người trồng phải chú trọng việc chăm bón, bảo đảm rau không bị sâu bệnh và “nói không” với việc sử dụng các loại thuốc hóa học. Cũng vì thế, đầu ra của rau gia vị nơi đây luôn ổn định, cho thu nhập 40-50 triệu đồng/sào/năm. Nông dân chúng tôi có thể yên tâm sản xuất, làm giàu trên đồng đất quê hương".

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, bà Nguyễn Thị Thanh - một trong những hộ nông dân trồng nhiều rau gia vị ở thôn Bạch Trữ hồ hởi cho hay: "Với diện tích 4 sào, hết tía tô tới rau ngổ, rau răm rồi ngải cứu…, chúng tôi trồng quanh năm, gần như không lúc nào cho đất nghỉ. Vẫn những sào ruộng này, trước đây gia đình tôi trồng lúa, song thu hoạch không được bao nhiêu. Khi chuyển sang trồng rau gia vị, cũng có nhiều băn khoăn, lo lắng, song cây đã không phụ công người. Hiện tại, mỗi năm gia đình tôi trồng 6-10 lứa rau, hiệu quả kinh tế mang lại gấp 5-6 lần so với canh tác lúa. Không những thế, từ việc trồng rau gia vị, nông dân nơi đây đã tiếp cận với phương pháp sản xuất an toàn, tạo ra nhiều sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường".

Là một trong những người "đồng cam cộng khổ", sát cánh cùng nông dân trên cánh đồng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bạch Trữ Nguyễn Công Đinh chia sẻ, vùng đồng đất Bạch Trữ phù hợp trồng các loại rau gia vị như: Húng bạc hà, kinh giới, tía tô, mùi tàu, hành hoa... và rau ăn lá các loại. Ưu điểm của việc trồng các loài rau gia vị là chi phí đầu tư thấp, ít sâu bệnh. Trải qua quá trình phát triển và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thôn Bạch Trữ đã được quy hoạch thành vùng trồng rau với tổng diện tích 72ha, trong đó 16ha được cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn. Mặc dù diện tích canh tác của các hộ nông dân khá nhỏ (chỉ từ vài thước đến vài sào/hộ) nhưng cho hiệu quả kinh tế cao. Dù giá cả biến động theo thị trường, nhưng có thời điểm như tháng 6 và tháng 7 hằng năm, rau gia vị trái vụ giá rất cao, có thể lên tới 50.000-60.000 đồng/kg; thu nhập từ rau gia vị cao gấp nhiều lần so với cây rau màu truyền thống.

“Để nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác xã đã tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón hóa học; nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cần tuân thủ đúng thời gian giãn cách an toàn… Hiện nay, nghề trồng rau gia vị truyền thống đã được mở rộng ra các thôn khác trên địa bàn xã, tập trung thêm tại các thôn: Thái Lai, Kim Giao, Diến Táo… và đều cho hiệu quả kinh tế cao. Có thể nói, từ sự cần cù chịu khó, cây rau gia vị đã giúp người nông dân hái ra tiền” - ông Nguyễn Công Đinh nhấn mạnh.

Trăn trở một thương hiệu...

Hiệu quả kinh tế của nghề trồng rau gia vị truyền thống có lẽ không phải bàn thêm nhưng đến nay, người nông dân thôn Bạch Trữ nói riêng và xã Tiến Thắng nói chung vẫn âu lo, trăn trở bởi sản phẩm dù được sản xuất theo hướng an toàn mà vẫn chưa xây dựng được thương hiệu và tiêu thụ chủ yếu qua thương lái, nên có thời điểm giá không được cao.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bạch Trữ Nguyễn Công Đinh chia sẻ, điều mà người nông dân trăn trở cũng là điều ông mong muốn. Đó là trong thời gian tới, rau gia vị thôn Bạch Trữ sẽ có thương hiệu; có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ và liên kết với các doanh nghiệp theo mô hình liên kết chuỗi giá trị để mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại. Đặc biệt, nông dân cần được hỗ trợ tập huấn về khoa học kỹ thuật thường xuyên để tiếp cận với lối canh tác hiện đại.

Từ trồng rau gia vị, đời sống của người dân xã Tiến Thắng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên để nghề này phát triển bền vững, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, nhất là ngành Nông nghiệp trong việc chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, hình thành vùng chuyên canh rau an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường… Nói về một nền sản xuất hiện đại có lẽ còn nhiều khó khăn, nhưng để tạo dựng thương hiệu, đưa rau gia vị trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, thì trước mắt "cùng với việc thường xuyên kiểm tra tình hình sản xuất, xã sẽ tăng cường tư vấn, hướng dẫn bà con cách thức sản xuất theo hướng hữu cơ, gắn với mở rộng thị trường, nâng cao giá trị cho sản phẩm rau gia vị" - Chủ tịch UBND xã Tiến Thắng Nguyễn Văn Đường chia sẻ.

Để phát huy những tiềm năng của vựa rau gia vị xã Tiến Thắng, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Tiến Hùng cho biết, huyện đã hướng dẫn bà con nông dân chuẩn hóa sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hỗ trợ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bạch Trữ hoàn thiện bao bì, nhãn mác sản phẩm rau gia vị để đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện tích… Mặt khác, huyện đã hỗ trợ hợp tác xã đăng ký 6 sản phẩm rau gia vị để đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đây là tiền đề quan trọng để rau gia vị của nông dân tiếp cận sâu rộng với hệ thống phân phối, bán lẻ và đến được với người tiêu dùng Thủ đô và cả nước.

Đầu tư nhỏ, hiệu quả lớn, nhưng với mong muốn rau gia vị ở xã Tiến Thắng có thể mở rộng và trở thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mê Linh Phạm Thị Dung cho rằng, cùng với việc hướng dẫn nông dân ghi chép sổ sách nhật ký chăm sóc đồng ruộng, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…, các ngành chức năng của huyện cần tiếp tục đẩy mạnh quảng bá sản phẩm rau gia vị thông qua các hội chợ xúc tiến thương mại để tiêu thụ ổn định.

Qua những gì “mắt thấy tai nghe” và những câu chuyện xoay quanh cây rau gia vị ở xã Tiến Thắng, phần nào chúng tôi hiểu vì sao người dân nơi đây có thể làm giàu từ nghề trồng rau này. Hy vọng, bằng sự nhạy bén thông tin thị trường, với phương thức sản xuất theo hướng an toàn, rau gia vị Tiến Thắng sẽ có thương hiệu, diện tích trồng từng bước được mở rộng, góp phần làm giàu có cho một vùng quê...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Hái ra tiền'' từ... trồng rau gia vị