''Bốn tại chỗ'' trong phòng, chống thiên tai ở Ba Vì

Kim Nhuệ| 18/05/2022 07:42

(HNM) - Vào mùa mưa bão, huyện Ba Vì đối diện nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt... Để giảm tổn thất về người và tài sản, huyện Ba Vì chủ động xây dựng các phương án, sẵn sàng ứng phó sự cố, thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Thi công xây dựng công trình phòng, chống sạt lở đất tại thôn Lặt, xã Minh Quang (huyện Ba Vì).

Ba Vì là địa bàn trọng điểm phòng, chống thiên tai của thành phố Hà Nội khi có 9,7km đê hữu Đà và 26,58km đê hữu Hồng, 38 hồ thủy lợi chứa khoảng 70 triệu mét khối nước... “Mặc dù Nhà nước đã đầu tư kinh phí nâng cấp, sửa chữa, gia cố các tuyến đê, đập hồ thủy lợi nhưng do chưa được thử thách với lũ lớn, những công trình này vẫn có nguy cơ xảy ra sự cố, nhất là khi mực nước sông, hồ dâng cao tới ngưỡng thiết kế”, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình đánh giá.

Đặc biệt, trên địa bàn huyện Ba Vì có xã Minh Châu nằm hoàn toàn ở bãi giữa sông Hồng, nơi hợp lưu của 3 dòng sông lớn: Đà, Lô, Hồng. Theo Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Danh Đạt, nếu mực nước sông dâng cao tới mức báo động III thì một  nửa dân số của xã sẽ phải sơ tán đến nơi an toàn... Ngoài ra, các xã miền núi: Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì, Ba Trại của huyện Ba Vì cũng đối diện nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất khi xuất hiện mưa lớn trong nhiều ngày. “Minh Quang có 7 điểm nguy cơ cao xảy ra lũ, sạt lở đất, ngập úng, ảnh hưởng đến hơn 1.000 hộ dân ở các thôn: Đá Chông, Liên Bu, Sổ, Lặt...”, Chủ tịch UBND xã Minh Quang Nguyễn Tiến Tha thông tin.

Để giảm tổn thất do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung xây dựng, triển khai phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Nhiệm vụ trước mắt, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn phải rà soát số hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, úng ngập để xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra tình huống xấu.

Triển khai chỉ đạo trên, 31 xã, thị trấn của huyện Ba Vì tập trung kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo các cấp độ rủi ro... Chủ tịch UBND xã Thái Hòa Nguyễn Tuấn Anh cho biết, xã đã thành lập Đội xung kích phòng, chống thiên tai gồm 100 thành viên làm nhiệm vụ sơ tán người và tài sản từ vùng có nguy cơ úng ngập, sạt lở đất đến nơi ở an toàn; chuẩn bị vật tư, phương tiện phục vụ công tác hộ đê…

Để bảo đảm an toàn các tuyến đê, đập hồ thủy lợi, 20 xã, thị trấn ven sông Hồng, Đà và hạ du hồ Suối Hai, huyện phân công lực lượng trực các điếm canh đê, hồ để kịp thời phát hiện, xử lý giờ đầu sự cố. Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đã chuẩn bị 3.892m3 đá hộc, 2.100 rọ thép, 4.700 vỏ bao tải, 4 máy phát điện... sẵn sàng ứng phó sự cố đê điều.

Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn huyện Ba Vì được tuyên truyền về trách nhiệm, kỹ năng phòng, chống lũ quét, sạt lở đất, úng ngập; chủ động kế hoạch ứng phó nếu xảy ra thiên tai... “Gia đình tôi đã chuẩn bị tre, bao tải, rơm rạ, cuốc, xẻng, đèn pin... sẵn sàng tham gia bảo vệ tuyến đê sông Hồng”, ông Nguyễn Văn Toán, người dân xã Cổ Đô nói.

Với sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, công tác phòng, chống thiên tai của huyện Ba Vì chắc chắn phát huy hiệu quả, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa, bão, lũ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Bốn tại chỗ'' trong phòng, chống thiên tai ở Ba Vì