Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng xóm, làng xanh

Đỗ Minh| 06/05/2022 07:40

(HNM) - Là địa phương có nhiều hộ chăn nuôi gia cầm, những năm qua, nông dân xã Lê Lợi (huyện Thường Tín) đã chủ động xây dựng những mô hình chăn nuôi sạch, an toàn. Xã cũng triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường như thành lập tổ thu gom rác; tổ chức phong trào vệ sinh môi trường; trồng và chăm sóc cây xanh… Mỗi hội viên nông dân, mỗi người dân xã Lê Lợi đều là những tuyên truyền viên và trực tiếp tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng xóm, làng xanh.

Hội viên Hội Nông dân xã Lê Lợi (huyện Thường Tín) lắp đặt thùng đựng vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng thôn An Cảnh.

Nhà sạch, thôn xóm, làng quê sạch

Những ngày cuối tháng tư vừa qua, Hội Nông dân xã Lê Lợi đã tiến hành lắp đặt thùng đựng vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng thôn An Cảnh. Ông Hoàng Văn Chiểu ở thôn An Cảnh cho biết: Việc này vừa góp phần làm đẹp cảnh quan, vừa hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn cho người dân khi sản xuất. Đây cũng là hoạt động thiết thực góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Chia sẻ việc triển khai lắp đặt các thùng đựng vỏ thuốc bảo vệ thực vật chỉ là một trong nhiều hoạt động, phong trào của nông dân xã Lê Lợi nhằm bảo vệ môi trường, xây dựng làng quê xanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Lợi Hà Văn Chí thông tin: Hội Nông dân xã đã thành lập tổ chuyên thu gom rác thải và hỗ trợ địa phương vận chuyển rác đến nơi tập kết khi có rác ùn ứ. Các tổ này còn có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn người dân, hội viên, nông dân cùng bảo vệ môi trường với những hoạt động thiết thực như phân loại rác, để rác đúng nơi quy định để nhà sạch, thôn xóm, làng quê xanh, sạch.

Cùng với đó, Hội Nông dân xã Lê Lợi đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân ký cam kết sản xuất sạch. Bà Đặng Thị Giải ở thôn Hà Vỹ nói với phóng viên Báo Hànộimới: Xã Lê Lợi có chợ gia cầm Hà Vỹ lớn nhất cả nước và hầu hết người dân trong xã đều tham gia các hoạt động chăn nuôi, giết mổ, buôn bán tại chợ. Trước kia người dân chưa chú trọng đến vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa quan tâm đến bảo vệ môi trường thì nay đã chủ động ký cam kết sản xuất sạch, bảo vệ môi trường chăn nuôi, giết mổ trong gia đình và tại các gian hàng trong chợ.

“Sau khi Hội Nông dân tổ chức tuyên truyền, giải thích về những tác hại từ việc sản xuất không an toàn, bỏ rác thải bừa bãi, giết mổ gia cầm không đúng quy định… người dân đã hiểu và đang khắc phục những hạn chế đó. Trước mắt là bảo vệ môi trường sống, sức khỏe của gia đình và cộng đồng” - bà Đặng Thị Giải cho biết thêm. Hiện tại, trên địa bàn xã có 5 cơ sở sản xuất, giết mổ an toàn theo đúng quy định của Bộ NN&PTNT. Số cơ sở còn lại đã chủ động đăng ký, ký cam kết bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh…

Ngoài ra, Hội Nông dân xã Lê Lợi đang duy trì 4 hàng cây nông dân. Hằng tuần, các hội viên cùng người dân tham gia vệ sinh môi trường, xây dựng những không gian xanh tại các khu vực công cộng.

Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường

Tranh thủ thời gian, bà Phạm Thị Huế ở thôn An Cảnh cùng các hội viên trong tổ thu gom rác của xã đi kiểm tra các điểm bố trí thùng rác công cộng, đến từng gia đình hướng dẫn người dân phân loại rác, để rác đúng quy định... Bà Phạm Thị Huế cho biết: Chúng tôi xác định cần chuyển tải kiến thức để người dân chủ động nâng cao ý thức, đồng hành với chính quyền từ những hoạt động, phong trào nhỏ nhất để bảo vệ môi trường nông thôn của xã luôn an lành, xanh, sạch, đẹp. Đến nay, người dân đã tích cực tham gia phát quang bụi rậm, trồng và chăm sóc các hàng cây; vệ sinh môi trường tại các nhà văn hóa, đình, chùa, trường học…, tạo những điểm nhấn về không gian xanh cho làng quê...

Về vấn đề này, Bí thư Đảng ủy xã Lê Lợi Nguyễn Đức Thịnh cho biết: Đảng ủy, chính quyền xã Lê Lợi đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn. Hội Nông dân xã đang là lực lượng nòng cốt tham gia công tác này. Hội Nông dân đã cùng với chính quyền kêu gọi mỗi thôn, xóm chọn một ngày trong tuần để tổ chức tổng vệ sinh chung; mỗi hộ gia đình có thùng chứa rác và tự phân loại rác; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu gom vỏ bao đúng nơi quy định để xử lý. Cùng với đó là tăng cường sử dụng phân xanh, phân hữu cơ tại chỗ kết hợp với phân hóa học, không dùng phân tươi bón trực tiếp cho cây trồng.

Từ những phong trào, hoạt động thiết thực đó, môi trường xã Lê Lợi đang ngày càng xanh, sạch, đẹp. “Năm 2020, xã Lê Lợi được công nhận là xã nông thôn mới và đang nỗ lực xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, trong đó vấn đề môi trường được đặc biệt quan tâm. Xã xác định phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường…”, Ông Nguyễn Đức Thịnh cho biết.

Bài học từ xã Lê Lợi cho thấy, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống xanh trong cộng đồng dân cư là hết sức cần thiết, để các làng quê Hà Nội ngày càng xanh hơn, sạch hơn, thật sự là những miền quê đáng sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng xóm, làng xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.