Công trình thủy lợi vẫn đợi cải tạo, nâng cấp

Kim Nhuệ| 06/04/2022 07:19

(HNM) - Mỹ Đức là một trong những huyện trọng điểm sản xuất nông nghiệp và cũng là huyện chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, địa phương này còn nhiều công trình tưới, tiêu bị xuống cấp, hư hỏng cần sớm đầu tư, cải tạo, nâng cấp để phục vụ sản xuất, làm nhiệm vụ phòng, chống hạn hán, úng ngập.

Nhiều tuyến kênh trên địa bàn xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức) bị sụt sạt, không bảo đảm cao trình dẫn nước.

Trạm bơm Khảm Lâm được xây dựng từ năm 1968, có 3 tổ máy, công suất 1.000m3/giờ/máy, làm nhiệm vụ tưới cho khoảng 266ha sản xuất nông nghiệp của xã Phúc Lâm. Tuy nhiên, quan sát thực tế trong ngày 1-4, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng, như: Máy bơm hoen gỉ, động cơ rơ rão, trần và tường nhà trạm bị lún nứt, bong tróc...

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phúc Lâm Trần Văn Huy cho biết, công trình được xây dựng bằng vốn đóng góp của nhân dân. Do xây dựng đã lâu, công nghệ bơm lạc hậu, không có thiết bị thay thế khi động cơ bị hư hỏng... nên hiện nay trạm bơm này chỉ khai thác tối đa khoảng 50% công suất thiết kế...

Tương tự, nhiều trạm bơm tưới, tiêu như: Bờ Đồm, Đồng Sen (xã Thượng Lâm), Cánh Hàn, Cửa Khâu (xã Phùng Xá), Mỹ Hiền, Phú Hòa (xã An Tiến)... cũng đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng. Bên cạnh đó, nhiều tuyến kênh tưới, tiêu trên địa bàn các xã: Tuy Lai, An Mỹ, Phù Lưu Tế... đang bị bồi lắng, sạt lở, gây tắc nghẽn dòng chảy, thất thoát nước...

Thực hiện quyết định phân cấp của thành phố Hà Nội, huyện Mỹ Đức đang quản lý: 60 trạm bơm tưới, tiêu nhỏ, 2.066 tuyến kênh nội đồng với tổng chiều dài 1.471km và 3 hồ thủy lợi, 12 đập dâng... Kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình sau khi tiếp nhận từ Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy bàn giao năm 2021, huyện Mỹ Đức ghi nhận 10 trạm bơm và 99 tuyến kênh tưới, tiêu với tổng chiều dài gần 86km trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp, cần sửa chữa, nâng cấp, nạo vét.

Không những vậy, nhiều công trình đầu mối nằm trên địa bàn huyện Mỹ Đức thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố, như các trạm bơm: Đức Môn, Tân Độ, Áng Thượng, dã chiến Đại Nghĩa... đang xuống cấp chỉ khai thác được 55-60% công suất thiết kế. Hệ thống liên hồ: Tuy Lai - Vĩnh An - Quan Sơn ngày càng bồi lắng, không đáp ứng nhiệm vụ tưới cho khoảng 2.600ha của các xã: Tuy Lai, Thượng Lâm, Hồng Sơn, Xuy Xá...

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trần Minh Cường, nguyên nhân các công trình thủy lợi trên địa bàn bị hư hỏng, xuống cấp chủ yếu là do xây dựng từ lâu, ảnh hưởng các trận mưa lớn, úng ngập kéo dài. Trong suốt thời gian quản lý, khai thác, doanh nghiệp thủy lợi thành phố mới tập trung sửa chữa, nâng cấp công trình đầu mối, tuyến kênh chính, chưa dành nguồn lực thích đáng cho hệ thống thủy lợi nội đồng...

Để đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng, chống hạn hán, úng ngập trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều cho biết, huyện đã rà soát, lập danh mục công trình cần thiết phải đầu tư. Tuy nhiên, do ngân sách địa phương hạn hẹp nên huyện Mỹ Đức đề xuất UBND thành phố bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp 10 trạm bơm cũ, nạo vét và sửa chữa 99 tuyến kênh, cống lấy nước, tiêu nước bị hư hỏng, bồi lắng ngay trong năm 2022...

Đầu tư đồng bộ hệ thống công trình thủy lợi là giải pháp quan trọng để sử dụng hiệu quả nguồn nước, tiết kiệm điện năng trạm bơm tiêu thụ, nâng cao năng suất cây trồng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân... Từ thực tế trên, các sở, ngành liên quan sớm tham mưu UBND thành phố xem xét, giải quyết đề xuất của các địa phương, trong đó có huyện Mỹ Đức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công trình thủy lợi vẫn đợi cải tạo, nâng cấp