Sức sáng tạo của người trẻ yêu Hà Nội

Bài và ảnh: Lương Đình Khoa| 20/03/2022 05:38

(HNMCT) - Yêu Hà Nội là chủ động sáng tạo, góp một phần công sức, trí tuệ cho sự phát triển, xây dựng không gian sáng tạo cho Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đó là lý do để các phương án thiết kế, ý tưởng “hiến kế xây dựng Hà Nội” của các bạn sinh viên ra đời, trong đó có không ít dự án có tính thực tiễn cao.

Nhóm sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội thực hiện dự án thiết kế cầu Long Biên.

Ý tưởng sáng tạo

Hà Nội còn thiếu không gian công cộng, những không gian sáng tạo cho mọi lứa tuổi. Xã hội phát triển, văn hóa nghệ thuật cũng có cái nhìn cởi mở hơn, con người dần muốn tiếp cận gần hơn với những loại hình sáng tạo.

Mặt khác, câu chuyện bảo tồn, kiến tạo các công trình di tích lịch sử cũng là những vấn đề được mọi người quan tâm. Sống trong một đô thị sở hữu nhiều di sản của quá khứ, chúng ta cần đối xử với những di sản này như thế nào để giữ gìn được nét đẹp truyền thống trong cuộc sống hiện tại và cả tương lai? Với mật độ dân cư dày đặc, giải pháp nào cho việc hình thành một không gian công cộng, không gian sáng tạo giữa lòng một đô thị có bề dày lịch sử ngàn năm?

Để trả lời cho những băn khoăn đó, các sinh viên đến từ các trường: Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Xây dựng Hà Nội và Đại học Kiến trúc Hà Nội đã cùng xây dựng những phương án thiết kế, “thổi hồn” sáng tạo cho các kiến trúc cổ của Thủ đô. Đây cũng là những phương án thiết kế được đánh giá có tính khả thi cao, và đều giành giải Nhất (dành cho đối tượng bán chuyên nghiệp và không chuyên) tại cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội” do UBND thành phố Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức.

Với ý tưởng “Cầu Long Biên: Kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai, thành tựu của tương lai kết nối hữu cơ với quá khứ thông qua hiện tại”, nhóm sinh viên Đặng Văn Quân, Hà Đức Trình (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) xuất sắc giành giải Nhất và giải Bình chọn ở hạng mục “Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống”. Đặng Văn Quân cho biết: Phương án nhóm đưa ra với mục tiêu hướng tới một không gian sáng tạo bền vững ở Hà Nội, một đô thị có nhiều di sản lịch sử, văn hóa. “Với mong muốn kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, chúng em đã chọn cầu Long Biên làm tiền đề phát triển không gian sáng tạo” - Đặng Văn Quân nói.

Theo đó, các phương án đã được đề xuất bao gồm: Chuyển chuyến tàu Long Biên - Gia Lâm trở thành chuyến tàu du lịch. Tái thiết lại nhà ga Long Biên, "nạp" thêm chức năng triển lãm, trưng bày văn hóa, nghệ thuật, lịch sử về cầu Long Biên để giá trị của quá khứ được lưu giữ, quảng bá rộng rãi, hướng tới tương lai; cải tạo vòm đá lối lên cầu Long Biên, mở thông vòm 122 - 131, gia cố chịu lực và biến nơi này thành không gian nghệ thuật kết nối với khu triển lãm lịch sử ở tầng 1 nhà ga. Tổ hợp không gian nghệ thuật sáng tạo mang đậm tính hiện đại hướng tới tương lai nhưng vẫn giữ được hơi thở của truyền thống qua ngôn ngữ kiến trúc.

Quan điểm thiết kế của hai bạn trẻ được Hội đồng chấm giải đánh giá cao bởi thể hiện rõ mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, dẫn dắt mạch quá khứ đến hiện tại và hướng tới tương lai bền vững. Được biết, Đặng Văn Quân và Hà Đức Trình hiện đang là hai gương mặt sáng giá của khoa Kiến trúc (Đại học Kiến trúc Hà Nội) khi đều có thành tích cao trong nghiên cứu, học tập tại trường, giành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi thiết kế kiến trúc.

“Hà Nội phố cổ nghìn năm văn hiến” là tên gọi của dự án giành giải Nhất ở hạng mục “Hạ tầng thúc đẩy sáng tạo”, do sinh viên Nguyễn Văn Tú (Đại học Kiến trúc Hà Nội) và Nguyễn Thành Đức (Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện. “Phố cổ Hà Nội được ví như một bảo tàng ký ức. Nơi đó, giá trị cũ - mới của quá khứ và hiện tại luôn song hành, vận động. Không khó để nhận thấy bức tranh đối lập khi những công trình cổ kính xen giữa những công trình thời đại mới” - Nguyễn Văn Tú nói.

Cùng chung góc nhìn này, Nguyễn Thành Đức nhận định: Lối sống và văn hóa Hà Nội cũng không nằm ngoài bức tranh đối lập cũ - mới đó. “Làm sao thể hiện sự phát triển của thành phố với hai vấn đề tưởng như mâu thuẫn nhưng lại cộng sinh, tiếp tục thể hiện những giá trị mới trong tương lai?” - Nguyễn Thành Đức trăn trở.

Theo đó, nhóm đưa ra ý tưởng thiết kế đồ án dựa vào sự sáng tạo các không gian kiến trúc để có thể kết nối quá khứ và hiện tại, giữ gìn nét văn hóa đặc trưng nhưng vẫn thể hiện tính năng động, sáng tạo của Thủ đô hiện đại. Tuyến phố Hai Bà Trưng được chọn để tạo ra điểm nút liên kết các không gian công cộng trong khu vực phố cổ Hà Nội, đồng thời tổ chức thêm nhiều hoạt động để thu hút cư dân địa phương cũng như khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Yêu Hà Nội theo cách của người trẻ

Giải Nhất hạng mục “Tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở khai thác các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng” thuộc về phương án “Quận đường tàu 4.0”. Chủ nhân của giải thưởng này là nhóm sinh viên đến từ Đại học Xây dựng Hà Nội, gồm: Nguyễn Kiên Tố, Nguyễn Đức Thắng, Trần Duy Tân, Nguyễn Minh Anh, Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Minh Hạnh, Hoàng Thế Vinh, Trần Hữu Trí.

Nguyễn Kiên Tố, một trong 8 thành viên của nhóm cho biết, ý tưởng của dự án xuất phát từ việc Nhà máy Xe lửa Gia Lâm nằm trong kế hoạch di chuyển ra khỏi khu vực nội đô. Cả nhóm nghĩ đến phương án thiết kế một khu không gian sáng tạo công nghệ tại khu vực này. “Quận đường tàu 4.0" nhằm mục tiêu kết nối các doanh nghiệp trẻ, đặc biệt là các start-up về công nghệ với nhau cũng như kết nối người tiêu dùng. Họ có thể là sinh viên, các nhà đầu tư, khách du lịch... Ngoài ý nghĩa không gian sáng tạo, trải nghiệm dành cho khách đến thăm thì nơi đây còn là không gian dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của những người ở và làm việc tại đây” - Nguyễn Kiên Tố nói.

Theo đó, nhóm đề xuất phá dỡ một số xưởng và kho bãi đã xuống cấp nặng nề để đảm bảo tầm nhìn, đồng thời vẫn sẽ giữ lại các khu nhà xưởng có giá trị về mặt kiến trúc, các đường ray và lõi cảnh quan. “Trên cơ sở đó, chúng ta có thể thực hiện các giải pháp tái quy hoạch, tổ chức giao thông và xanh hóa các khu vực nhà xưởng bị bỏ hoang để tạo không gian cảnh quan phù hợp. Điều đó giúp lưu giữ ký ức về Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, tạo cho khu vực này một bộ mặt mới năng động, thú vị hơn. "Quận đường tàu 4.0" được đề xuất và dần trở thành mô hình không gian đa chức năng, gồm văn phòng cho thuê dành cho các start-up công nghệ, không gian trải nghiệm và bán những sản phẩm công nghệ cao” - Nguyễn Minh Hạnh - thành viên nữ duy nhất trong nhóm chia sẻ.

Với dự án này, nhóm tin tưởng "Quận đường tàu 4.0" sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn giới trẻ, đặc biệt là những người có niềm đam mê công nghệ, đồng thời kích thích sức sáng tạo và thu hút thế hệ trẻ trong thời đại công nghệ hóa toàn cầu.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Hà Nội hiện đang sở hữu nhiều không gian sáng tạo, trong đó có không ít không gian quy mô nhỏ mang tính tự phát, chưa tương xứng với tầm vóc của Thủ đô. Trước thực trạng đó, thế hệ kiến trúc sư trẻ - sinh viên chính là lực lượng nòng cốt đặt nền móng hình thành mạng lưới không gian sáng tạo phong phú, hấp dẫn.

Với 3 phương án thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội nói trên của các nhóm sinh viên, có thể dễ dàng nhận thấy sự tâm huyết, nỗ lực của những người trẻ trong việc nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng trong nhịp đập văn hóa ngàn năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức sáng tạo của người trẻ yêu Hà Nội