Một mô hình, nhiều lợi ích

Đỗ Minh| 10/03/2022 06:18

(HNM) - Tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường, huyện Đông Anh đã triển khai hiệu quả mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, tạo nguồn phân bón hữu cơ tại một số xã trên địa bàn. Bước đầu mô hình này đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận, góp phần giảm tải nguồn rác thải, biến những thứ “bỏ đi” thành phân hữu cơ cho trồng trọt… và làm cho xóm, làng của Đông Anh ngày một xanh, sạch hơn.

Người dân xã Liên Hà (huyện Đông Anh) phân loại rác thải tại gia đình. Ảnh: Anh Tuấn

Biến rác thải thành phân hữu cơ

Đến xã Dục Tú, huyện Đông Anh, những cánh đồng rau xanh nối tiếp nhau, những con đường liên thôn trải dài bóng mát đem đến cảm giác trong lành của một miền quê Bắc Bộ yên bình. Điều đáng nói, đây là nơi đang triển khai thành công phong trào biến rác thải thành phân hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường.

Chị Lê Thị Huế, Trưởng thôn Nghĩa Vũ (xã Dục Tú) cho biết, "từ khi triển khai mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, tạo nguồn phân bón hữu cơ, các gia đình trong thôn đã hình thành thói quen phân loại rác thải và tiến hành các công đoạn tái chế để tạo ra phân bón”.

Chỉ về phía những luống rau xanh trong vườn, bà Nguyễn Thị Toàn, thôn Nghĩa Vũ chia sẻ: “Lượng rác thải sinh hoạt của gia đình tương đối nhiều, trong đó có nhiều loại rác hữu cơ như rau, lá cây, dư thừa phụ phẩm sinh hoạt; rác thải vô cơ như túi ni lông, vỏ chai nhựa… trước đây đều để chung và không được thu gom hằng ngày nên gây mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường. Tham gia mô hình này, gia đình tôi được hỗ trợ một thùng nhựa để đựng rác thải; đồng thời được hướng dẫn về cách phân loại và ủ rác hữu cơ thành phân bón. Nhờ vậy, gia đình tôi có thêm phân bón cho rau xanh, tạo nguồn rau sạch, an toàn và đặc biệt là giúp xử lý rác thải. Mặt khác, người dân nơi đây cũng có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường sống”.

Mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, tạo nguồn phân bón hữu cơ cũng được nhiều gia đình ở xã Liên Hà nhiệt tình hưởng ứng. Bà Hoàng Thị Bằng ở thôn Hà Lỗ (xã Liên Hà) cho hay, mô hình này thiết thực và hữu ích, vừa có thể giảm thiểu rác thải, làm cho môi trường sạch hơn, vừa giúp gia đình tiết kiệm được chi phí mua phân bón...

Chủ tịch UBND xã Liên Hà Phạm Văn Nam cho biết, từ đầu tháng 2-2021, các hộ dân trong xã Liên Hà đã được phổ biến về việc phân loại và xử lý rác hữu cơ với những cách riêng cho từng loại. Sau hơn một năm triển khai thực hiện, lượng rác tại các gia đình đã giảm được hơn 60%. Với thành quả bước đầu này, xã đang vận động 100% hộ gia đình tham gia nhằm xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp; lối sống thân thiện với môi trường trong cộng đồng.

Nhân rộng để Hà Nội xanh hơn

Nói về mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, tạo nguồn phân bón hữu cơ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng thông tin: Tháng 2-2021 huyện Đông Anh thí điểm triển khai mô hình tại 3 xã: Liên Hà, Dục Tú và Việt Hùng. Tiếp đó, huyện nhân rộng đến 21 xã và thị trấn còn lại (mỗi xã, thị trấn triển khai đến ít nhất 1 thôn hoặc tổ dân phố làm điểm). Sau hơn một năm thực hiện, đến nay có hơn 12.000 hộ tham gia và tại các xã: Liên Hà, Dục Tú, Mai Lâm, Cổ Loa, Nam Hồng, Việt Hùng, tỷ lệ rác không phải chôn lấp đạt 50-70% tổng lượng rác thải phát sinh.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Liên Hà Ngô Thị Lý cho biết, cùng với việc triển khai mô hình này, xã đã thành lập các tổ, nhóm bảo vệ môi trường. Thành công của mô hình là giúp người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, trong đó có việc phân loại rác thải tại nguồn. Trước đây, nhiều hộ còn ngại khó, nay đã từng bước hình thành được thói quen và ý thức phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, thúc đẩy việc sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt…

Theo Thạc sĩ Bùi Thị Hồng Hà, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), hiện nay, rác thải được xem là một nguồn tài nguyên. Để tận dụng được nguồn tài nguyên này, trước hết phải làm tốt công tác thu gom, phân loại rác thải ngay tại nguồn. Mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, tạo nguồn phân bón hữu cơ đang triển khai tại huyện Đông Anh mang lại nhiều lợi ích, góp phần tích cực cải thiện môi trường nông thôn. 

Để rác thải trở thành nguồn tài nguyên quý, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, huyện sẽ triển khai ứng dụng công nghệ vào việc kiểm kê rác, tiếp tục hoàn thiện quy trình xử lý rác hữu cơ tại nhà; đồng thời tổ chức thu gom rác tái chế, rác thải nhựa… Việc xây dựng mô hình xử lý rác hữu cơ tại khu dân cư kết hợp với các dự án trồng cây, sản xuất nông nghiệp hữu cơ có ý nghĩa quan trọng, góp phần hình thành lối sống xanh trong cộng đồng, qua đó góp phần xây dựng huyện Đông Anh ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh hơn.

Với những kết quả đạt được tại huyện Đông Anh, mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, tạo nguồn phân bón hữu cơ cần tiếp tục được quan tâm, nhân rộng trên địa bàn Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một mô hình, nhiều lợi ích