Miên man bên dòng sông Mẹ

Xuân Nguyễn| 04/02/2022 13:31

(HNMCT) - “Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu/ Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát/ Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác/ Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi...”. Mỗi khi nghĩ về dòng sông Mẹ, câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm lại dội về từ miền ký ức, vừa xa, vừa gần... để rồi giấc mơ về dòng sông huyền thoại chảy trong lòng thành phố lại hiện hữu trong nỗi khát khao.

Cầu Nhật Tân - biểu tượng mới của Thủ đô vắt qua đôi bờ sông Hồng. Ảnh: Dzũng Phùng

1. Thăng Long - Hà Nội là thành phố của những dòng sông và sông Hồng là sông Mẹ (sông Cái). Với dòng sông chắt chiu, nuôi dưỡng khí phách, tinh thần đất “văn hiến ngàn đời”, đẹp mãi trong tôi là bức tranh thơ của Thánh thi Cao Bá Quát: “Dòng sông cuộn theo nước đỏ thành làn sóng hoa đào...”.

Cũng như nhiều đứa trẻ lớn lên trong lòng thành phố, sông Hồng vắt qua tuổi thơ tôi là dòng lịch sử oai hùng, gắn với cái tên Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết; là huyền thoại chất chứa tinh thần nhân văn Đồng Tử - Tiên Dung và chuyện kể của bà, của mẹ về những người mạn ngược, xuôi bè, bán buôn ở bến Nứa, phố Hàng Nâu... Không được ôm trong lòng những bãi bồi lắng đỏ phù sa để mang nỗi nhớ thương lênh đênh theo con nước, nhưng đến hôm nay, tôi vẫn không quên những ngọn gió ù ù thổi bạt chiếc xe đạp bé nhỏ mỗi lần được bố đèo sang Gia Lâm hay cái cảm giác rờn rợn khi lén theo hội bạn tụt xuống cầu Long Biên, len lỏi trong đám ngô ngoài bãi Giữa, nghe đủ thứ truyền kỳ về thủy quái sông Hồng...

Đọng lại nhiều nhất trong tôi là chuyện của “người hàng phố” về những mùa nước đục - trong, với cảm nhận tinh tế và giàu thi hứng: Nước sông Hồng không giống như dòng sông nào, khi đỏ chói như pha son về mùa lũ, khi phớt hồng như hoa đào về mùa thu, khi mang màu vàng như hoàng hôn, như màu gạch của lũ sông Đà, sông Lô, sông Chảy trộn vào... Còn như ai đó nói sông Hồng mùa nào cũng đục là chỉ mới biết qua cái tên. Mỗi người một niềm yêu với dòng sông Mẹ! Tôi miên man với những chất chứa của nhà văn Tô Hoài: “Sông Cái là sông dữ”, “con sông cả đời quằn quại giữa hai bờ” dù không chiêm nghiệm được bao nhiêu! 

Gia đình tôi có người họ hàng ở khu tập thể Nhà máy Đèn ngoài đê sông Hồng (nay là đường Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm), cứ vào mùa lũ, cả nhà lại nơm nớp, các cụ vào sống với người thân trong phố, đám “thanh niên mới nhớn” sẵn sàng co chân “chạy lụt”. Có năm, nước lên nhanh lại vào đêm, đồ đạc vác vội lên gác xép, ôm túi quần áo, chạy lấy người. Hôm sau tôi rủ bạn bì bõm bơi vào dỡ mái ngói, leo xuống tìm bếp dầu, phích nước... đem ra ngoài. Mỗi mùa lụt, lán trại dựng dọc theo đê, sang cả vỉa hè bên kia đường, người lớn trẻ con ăn ở tạm bợ có khi cả tháng trời chờ nước rút... Nếu ngày xưa, vua Minh Mạng cho phá đê, đào sông tiêu lũ chả biết sẽ thế nào? 

Tuổi thơ lãng đãng trôi theo dòng năm tháng, một ngày tha hương, tôi đặt chân lên cầu Charles (còn có tên là Karluv) nối hai bờ sông Vltava của “thành phố vàng của châu Âu” - Praha mà người Việt gọi là "cầu Tình". Nhìn những người đang yêu trao nụ hôn ngọt ngào và những con phố cổ kính bên sông soi bóng chiều vàng..., bất chợt hình ảnh xóm chài, xóm bãi sông Hồng từ ký ức dâng lên nghèn nghẹn. Đến khi đứng trên thành Var (thành Buda) nhìn xuống “dòng Danube xanh” của thành phố Budapest - “Paris phương Đông” và cây cầu Xích (cầu Sư Tử), trong tôi bắt đầu nghĩ về thành phố hai bên sông, rồi mang theo nó lang thang qua nhiều nước châu Âu để hiểu: Vì sao thành phố Rồng lại quay lưng vào sông Mẹ?

Ảnh: Dzũng Phùng.

2. Ngày Hà Nội còn là thủ phủ của xứ Đông Dương, không ít người Pháp mê mải với ý tưởng biến bãi giữa sông Hồng - nơi có cây cầu sắt như tòa tháp Eiffel ngả xuống nối đôi bờ - trở thành một công viên rộng lớn với trường đua ngựa... Thế nhưng, cũng chính họ đã cho đắp cao con đê chạy dọc Hà Nội để ngăn lũ lụt và cũng ngăn thành phố với dòng sông. Thế nên “quay mặt ra sông” là câu chuyện dài của lịch sử và chỉ trở thành hiện thực khi con người trị được dòng sông dữ. 

Sau nhiều năm phiêu bạt, một trong những việc đầu tiên của tôi khi trở về Hà Nội là chạy xe lên cầu Long Biên đón ngọn gió hừng hực căng tràn, rồi đi dọc đê sông Hồng để nhìn, để nghĩ - nghĩ về những con sông chảy giữa lòng các thành phố châu Âu và nghĩ về hình hài tương lai của dòng sông Mẹ. 

Sông Hồng giờ đây không còn “quằn quại giữa hai bờ”, người ngoài đê không phải chạy lụt như ngày tôi mới lớn và các nhà quy hoạch cũng đã “sắp đặt” nhiều chiều kích cho “khát vọng sông Hồng”. Với nhiều người Hà Nội, hình hài đầu tiên của thành phố ven sông là những nét phác thảo từ ý tưởng của một nhà đầu tư Singapore về khu đô thị ở ngoài đê. Đến năm 2006, tưởng như chuyện con sông huyền thoại chảy trong lòng thành phố đã trong tầm với khi Hà Nội và Seoul (Hàn Quốc) đạt được thỏa thuận về hợp tác quy hoạch, cải tạo, phát triển hai bên bờ sông Hồng với việc hình thành những khối nhà hiện đại soi bóng xuống dòng sông Mẹ. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã góp kinh phí nghiên cứu quy hoạch... Thế nhưng ý tưởng không trở thành hiện thực. Tuy nhiên, những ý tưởng “đánh thức sông Hồng” ấy phần nào đã thôi thúc, tạo nên không gian đầy sinh khí cho một vùng bờ bãi ven sông.

Đất bãi Tứ Liên, Nhật Tân nối tiếp những vườn quất, vườn đào, vườn hoa đẹp đến ngỡ ngàng. Bãi bồi ven sông của lau lách, cỏ dại ngày xưa đã trở thành một điểm check-in “hot” nhất Hà Nội, tràn ngập sắc hoa với cái tên “Bãi đá sông Hồng”. Nhiều rừng hoa được thiết kế theo phong cách châu Âu mang đến những sắc thái quyến rũ mới. Bạn tôi bỏ phố ra bãi Giữa của dòng sông Mẹ, trồng các loại cây thuốc, cây cảnh... Theo thời gian, nơi này đã trở thành chốn điền viên của người có tiền, ưa sống cùng thiên nhiên. Hàng chục ngôi nhà được dựng lên cùng hoa và cây, người ta sống với dòng sông... chờ đất lên giá. Còn sông Hồng ngàn đời vẫn vậy, chảy một dòng lịch sử trong màu cánh hoa đào.

3. Một mùa xuân nữa lại đến, “giấc mơ" về một thành phố hai bên sông như Praha, Budapest, Paris hay Seoul... đang đến gần hơn khi con người có thể chế ngự và sống an hòa với tính cách dòng sông. Và với một quyết tâm lớn hơn bao giờ hết, Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng - một bản quy hoạch mang tính lịch sử với đoạn sông dài 40km, quy mô diện tích lên tới 11.000ha. Sông Mẹ sẽ là trục không gian đặc trưng của cây xanh - mặt nước với giá trị biểu tượng của Thủ đô. Một ngày không xa, tuyến đường đô thị dọc bờ sông sẽ kết nối những di tích lịch sử, công viên, điểm du lịch, trong một tổng thể hài hòa cùng thiên nhiên và 12 cây cầu nối đôi bờ sẽ tạo thêm nét riêng cho dòng sông huyền thoại... Gương mặt và không gian đô thị đã rõ hình hài. 

Lang thang bên sông Mẹ, mỗi người đều có thể cảm nhận cho riêng những chuyển động không gian thuần khiết, tự nhiên. Ngọn gió sông Hồng thổi bùng trong tôi những niềm hy vọng. Thành phố “quay mặt ra sông” đang hiện hữu rất gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miên man bên dòng sông Mẹ