Bảo vệ môi trường xanh, sạch ở Hồng Vân

Đỗ Minh| 26/11/2021 06:34

(HNM) - Đến xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), hết thảy ai nấy đều bị cuốn hút bởi những con đường khang trang, hoa nở bốn mùa. Để có được không gian như vậy, các thành viên Tổ tự quản bảo vệ môi trường làng nghề của xã Hồng Vân đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, nhắc nhở, động viên người dân tích cực xây dựng quê hương xanh, sạch, đẹp thông qua việc trồng cây xanh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm...

Người dân xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) cắt tỉa cây xanh, vệ sinh môi trường tại một tuyến đường trên địa bàn. Ảnh: Đỗ Phong

Mô hình thiết thực

Cảm giác đầu tiên khi đến xã Hồng Vân là không gian xanh mát của những hàng cây được cắt tỉa đẹp mắt, đa dạng sắc hoa. Bà Bùi Thị Thảo ở thôn Xâm Xuyên (xã Hồng Vân) cho biết, các thành viên trong Tổ tự quản bảo vệ môi trường làng nghề đã hướng dẫn người dân phân loại rác, tổng vệ sinh môi trường, trồng cây xanh.

“Từ năm 2015, cả 6 thôn trên địa bàn xã đã tổ chức lấy ý kiến người dân về việc trồng hoa trên những tuyến đường làng và mỗi tuyến chọn trồng một loài hoa để tạo điểm nhấn. Đến nay, 26 tuyến đường hoa của xã Hồng Vân đều gắn với tên một loài hoa và khoe sắc quanh năm”, bà Bùi Thị Thảo nói.

Còn Bí thư Chi bộ thôn Cẩm Cơ (xã Hồng Vân) Nguyễn Thị Thảo - cũng là một thành viên Tổ tự quản bảo vệ môi trường làng nghề chia sẻ: “Tổ tự quản đã xây dựng các quy định về bảo vệ môi trường, tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm... và đưa vào hương ước của từng thôn, xóm. Từ đó, mọi gia đình đều tự giác vệ sinh sạch từ nhà ra ngõ. Mỗi gia đình có hai thùng rác để phân loại rác tại nguồn và không xảy ra tình trạng vứt rác bừa bãi”.

Nói về những hoạt động đầy ý nghĩa với tinh thần trách nhiệm của Tổ tự quản bảo vệ môi trường làng nghề, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết, được thành lập năm 2012 với thành viên là những người có uy tín, tự nguyện, tích cực, Tổ tự quản có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường làng nghề. Kinh phí hoạt động chủ yếu được hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa.

“Thông qua việc giúp người dân nhận thức rõ họ vừa là chủ thể, vừa có trách nhiệm thực hiện và thụ hưởng kết quả, công tác bảo vệ môi trường tại làng nghề đạt được nhiều kết quả tích cực. Người dân đã tự nguyện, đồng lòng ủng hộ công sức, đất đai, tiền của… xây dựng, phát triển hạ tầng làng nghề như hệ thống tiêu thoát nước, kè ao, hồ, các địa điểm vui chơi, văn hóa thể thao công cộng, nghĩa trang nhân dân và trồng hoa, cây cảnh... Từ sự tích cực và gương mẫu đi đầu của các thành viên Tổ tự quản, người dân trong xã đã chung sức xây dựng môi trường làng nghề luôn xanh - sạch - đẹp”, ông Nguyễn Hải Đăng thông tin.

Để miền quê ngày càng xanh, sạch hơn

Hồng Vân là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử của vùng ven đô lại có không gian xanh trải rộng từ mỗi gia đình đến xóm thôn. Từ những hoạt động tích cực của Tổ tự quản bảo vệ môi trường làng nghề cũng như tinh thần tự nguyện, đồng thuận của người dân trong phong trào xây dựng quê hương giàu đẹp, năm 2019, xã Hồng Vân được UBND thành phố Hà Nội công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng, từ nền tảng xã nông thôn mới nâng cao, Hồng Vân đang triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo định hướng “Mô hình kinh tế xanh gắn với phát triển du lịch”. Theo đó, xã sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp chuyên canh, làng nghề sinh vật cảnh; hình thành các mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm nông nghiệp, du lịch tâm linh trên cơ sở kết nối chuỗi du lịch của xã với các vùng lân cận trên địa bàn huyện.

Ông Vũ Văn Úy ở thôn Cơ Giáo (xã Hồng Vân) phấn khởi nói với phóng viên Báo Hànộimới: “Nhiều năm nay, người dân trên địa bàn xã Hồng Vân luôn tuân thủ, chấp hành các quy định, nội quy, quy tắc nơi công cộng; tôn trọng không gian chung của cộng đồng, hình thành nếp sống văn minh, mang lại những giá trị mới tốt đẹp cho làng quê”.

Đánh giá về kết quả bảo vệ môi trường làng nghề ở xã Hồng Vân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản nhấn mạnh: “Tổ tự quản bảo vệ môi trường làng nghề là mô hình điểm của phong trào xây dựng quê hương xanh, sạch, đẹp; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Hồng Vân. Đặc biệt, xã Hồng Vân đã tuyên truyền những nội dung trong Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội ở các cuộc họp thôn và lồng ghép việc triển khai thực hiện vào bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”; đồng thời nhân rộng mô hình đường hoa của các hội, đoàn thể của xã”.

Nhờ những hoạt động tích cực của Tổ tự quản bảo vệ môi trường làng nghề và sự chung tay, góp sức của người dân, diện tích trồng cây xanh của xã Hồng Vân đã đạt bình quân 2m2/người; 100% điểm công cộng trên địa bàn xã như trường học, trạm y tế, khu vui chơi cộng đồng… đã được phủ bóng cây xanh. Với hiệu quả đã được khẳng định, mô hình bảo vệ môi trường ở xã Hồng Vân cần được lan tỏa để Hà Nội ngày càng có thêm nhiều miền quê xanh, sạch, đẹp và đáng sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ môi trường xanh, sạch ở Hồng Vân