''Cầu nối'' trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

Phú Cường| 23/10/2021 07:09

(HNM) - Các đội công tác xã hội tình nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội có vai trò là “cầu nối” giữa các cấp chính quyền, đoàn thể với người mắc tệ nạn xã hội và gia đình họ ở cấp cơ sở, góp phần phòng, chống tệ nạn xã hội. Do đó, lực lượng này cần được quan tâm, khuyến khích duy trì và nhân rộng để phát huy hiệu quả.

Đội công tác xã hội tình nguyện phường Hạ Đình cùng đại diện các cơ quan chức năng của phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) trao đổi phương án hỗ trợ người nghiện ma túy trên địa bàn. 

Cảm hóa những mảnh đời lầm lỡ

Là những người sống và làm việc tại cơ sở, nắm rõ thông tin về từng trường hợp vướng vào tệ nạn xã hội hoặc có nguy cơ vướng tệ nạn xã hội, tình nguyện viên của các đội công tác xã hội tình nguyện có nhiều hành động, việc làm thiết thực nhằm động viên, trợ giúp họ sống tốt hơn, suy nghĩ tích cực hơn. Có thể kể đến trường hợp ông Nguyễn Văn Hùng, Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện phường Bồ Đề (quận Long Biên).

Với mong muốn góp phần bảo vệ cộng đồng trước sự “tấn công” của tệ nạn xã hội, ông Nguyễn Văn Hùng đã tham gia Đội công tác xã hội tình nguyện phường Bồ Đề từ năm 2004 và được giao nhiệm vụ Đội trưởng. “Công việc tuy vất vả, nhưng mỗi khi động viên, giúp đỡ được người nghiện ma túy đi cai tự nguyện hoặc vận động họ đi làm, có thu nhập..., chúng tôi lại quên hết nhọc nhằn”, ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Từ năm 2019 đến nay, quận Long Biên triển khai thí điểm mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy”, đặt tại phường Bồ Đề. Khi mô hình này đi vào hoạt động, ông Nguyễn Văn Hùng được giao nhiệm vụ làm điều phối viên, giúp người nghiện ma túy tiếp cận với các dịch vụ từ khâu tư vấn, khám bệnh ban đầu cho đến cắt cơn, hòa nhập cộng đồng.

Thông qua sự động viên, giúp đỡ của ông Nguyễn Văn Hùng cùng các tình nguyện viên của Đội công tác xã hội tình nguyện phường Bồ Đề cũng như sự chỉ đạo, định hướng đúng đắn của chính quyền địa phương, những năm gần đây, việc đưa người nghiện đi cai nghiện ma túy ở phường Bồ Đề luôn vượt chỉ tiêu.

Đội công tác xã hội tình nguyện xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn) cũng được người dân tin tưởng, đánh giá cao. Phó Trưởng Công an xã Đông Xuân Võ Xuân Hùng - người trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện của xã cho biết, công việc này đòi hỏi người tham gia phải có sự quan sát tinh tế, kỹ lưỡng để kịp thời nắm bắt được những trường hợp đã sử dụng hoặc có nguy cơ sử dụng ma túy, từ đó đưa ra giải pháp tiếp cận, tư vấn phù hợp. Khi sát cánh cùng đối tượng, tình nguyện viên phải biết đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ, trở thành người bạn thì mới tạo được niềm tin để họ nói ra suy nghĩ, mong muốn của bản thân.

Kiên trì, bền bỉ trợ giúp từng đối tượng, Đội công tác xã hội tình nguyện xã Đông Xuân trở thành điểm tựa tin cậy, vững chắc của không ít người từng sử dụng ma túy trên địa bàn xã, giúp họ nỗ lực làm lại cuộc đời. Điển hình là anh N.H.M, từng lệ thuộc vào ma túy nhiều năm, đến nay đã tránh xa con đường lầm lỡ, trở thành tình nguyện viên tích cực.

Tại quận Thanh Xuân, Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện phường Hạ Đình Nguyễn Hùng Cường cho hay, các tình nguyện viên thường xuyên đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng sử dụng ma túy hoặc có nguy cơ vướng vào các tệ nạn xã hội để tuyên truyền, vận động, thuyết phục họ sống tích cực hơn. Cứ thế, lực lượng tình nguyện viên dần trở thành “người bạn tin cậy” của những người từng lầm lỡ, mong muốn làm lại cuộc đời. Anh H.T.S (phường Hạ Đình) cho biết: “Sự quan tâm, động viên, chia sẻ thường xuyên, liên tục của các tình nguyện viên giúp tôi nhận ra cuộc sống có nhiều điều tốt đẹp ở phía trước, quyết tâm điều trị cai nghiện tại cộng đồng”.

Duy trì hoạt động hiệu quả

Nhiệm vụ chính của đội công tác xã hội tình nguyện là tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm, giảm lây nhiễm và tác hại của HIV/AIDS, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại cộng đồng; tham gia quản lý, tư vấn, giáo dục, cảm hóa, vận động, hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện; người bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng. Cùng với đó, phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và mua bán người…

Hiện, 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thủ đô đều có đội công tác xã hội tình nguyện, với 4.000 tình nguyện viên. Các đội công tác xã hội tình nguyện đã triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, lứa tuổi của từng đối tượng, đặc biệt chú trọng đến các gia đình có thành viên thuộc diện có nguy cơ cao, gia đình có người nghiện ma túy... Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, đã tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho khoảng 50.000 lượt người, gia đình người nghiện, người sử dụng ma túy; phối hợp với cơ quan chức năng vận động, thuyết phục gần 900 người tự nguyện đi cai nghiện ma túy; giúp đỡ gần 2.000 người hoàn thành thời gian cai nghiện trở về địa phương...

Cùng với đó, thu được hơn 300 tin về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội... cung cấp cho chính quyền, cơ quan công an, làm căn cứ để các bên cùng kiểm tra, xử lý kịp thời những vụ việc phức tạp; đồng thời phối hợp tuần tra, rà soát hơn 11.000 lượt tại các khu vực, địa bàn phức tạp, dễ phát sinh tệ nạn xã hội...

Nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của đội công tác xã hội tình nguyện, thời gian tới, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội tiếp tục tổ chức tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống tệ nạn xã hội cho các tình nguyện viên. Chính quyền các địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi để các đội công tác xã hội tình nguyện hoạt động tốt, trở thành “cánh tay nối dài” của các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở cơ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Cầu nối'' trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội